Đó là chia sẻ rất thẳng thắn của nhà giáo Đỗ Tân Việt, giảng viên thỉnh giảng của Khoa tại lễ kỉ niệm 20 năm thành lập khoa Giáo dục Mầm non của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (1999-2019) sáng 17-4.
Tại buổi lễ, nhiều nhà giáo các thế hệ đã cùng đến và chia sẻ niềm vui trước sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng của khoa suốt chặng đường 20 năm qua.
PGS.TS Bùi Mạnh Nhị phát biểu tại buỗi lễ. Ảnh: PHẠM ANH
Nhà giáo Đỗ Tân Việt chia sẻ: “Giáo viên mầm non (GVMN) là nghề vất vả nhất trong các bậc học. Tại sao suốt thời gian qua khoa đã đào tạo ra 25.000 GV mà đến nay TP.HCM vẫn thiếu 5.000 GVMN và cả nước thiếu gần 30.000 GVMN? Đơn giản vì nhiều người được đào tạo xong, ra dạy một thời gian lại nghỉ do công việc quá vất vả. Trong khi đó, lương lại quá thấp, không đủ nuôi chính bản thân, chưa kể giá cả sinh hoạt ngày càng tăng cao”.
“Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính cùng với các cơ quan ban ngành khác xem xét nâng lương cho GVMN, giúp họ sống được bằng lương. Từ đó họ mới có thể tập trung chuyên môn dạy dỗ và chăm sóc tốt cho các thế hệ mầm non được”, ông đề nghị.
Khoa Giáo dục mầm non được thành lập từ 17-4-1999 với tên là ngành giáo dục mầm non. Đến năm 2003 thành lập thành khoa và bắt đầu đào tạo thạc sĩ giáo dục học chuyên ngành giáo dục mầm non từ năm 2011.
Sau 20 năm thành lập, khoa đã đào tạo ra hơn 25.000 giáo sinh ở các hệ cử nhân, vừa học vừa làm và liên thông, sau đại học. Khoa đang có 7.500 sinh viên theo học.
Hiện đội ngũ của khoa có 48 người. Trong đó có một PGS.TS, hai tiến sĩ, 15 thạc sĩ và bốn nghiên cứu sinh thạc sĩ.