ĐẠI HỌC NGOẠI THẬT VÀ DỎM - BÀI 3:

Học viên của ĐH Irvine đang rối ruột

Dù ĐH Quốc gia Hà Nội (viết tắt HSB) thông báo là đã chấm dứt chương trình liên kết giữa khoa Quản trị kinh doanh với trường Irvine University (viết tắt IU) từ năm 2008 nhưng theo chúng tôi được biết, hiện nay tại trường vẫn còn ba khóa liên kết đào tạo thạc sĩ 07, 08 và 09, mỗi khóa gồm ba lớp, mỗi lớp khoảng 40-45 học viên. Trong đó, khóa 07 đang vào giai đoạn chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều học viên khóa 07 đang lo lắng.

Học viên NP là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty, bức xúc cho biết: “Tôi đã tốn khá nhiều tiền và thời gian học, nay lại có thông tin dư luận trường IU là trường dỏm, tôi thất vọng”.

Học toàn tiếng Việt

Theo anh P., để vào học chương trình liên kết với IU, người học chỉ cần tốt nghiệp ĐH hệ dài hạn từ bốn năm trở lên, có ít nhất năm năm kinh nghiệm làm việc, sau đó sẽ được kiểm tra IQ, EQ, GMAT, trắc nghiệm kiến thức kinh doanh và phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Việt.

“Tất cả giáo trình đều là tiếng Việt, giáo viên người Việt Nam nên học viên được học hoàn toàn bằng tiếng Việt. Chỉ có 20% thời gian học có giảng viên nước ngoài nhưng đều có phiên dịch và dạy khá đơn giản” - anh P. nói.

Học viên của ĐH Irvine đang rối ruột ảnh 1

Một trong hai phòng học của IU tại trụ sở chính. Ảnh: TL

Anh P. cho hay đa số học viên trong lớp đều đang giữ chức vụ cao trong nhiều tập đoàn, tổng công ty hoặc các công ty lớn tại Việt Nam, cán bộ cao cấp ở các ngành. Một vài học viên học bằng tiền của mình, phần lớn đều học bằng tiền ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, anh TDT nói: “Ban đầu tôi nghĩ chương trình dạy tiếng Anh, thỉnh giảng hoàn toàn giảng viên quốc tế nên mức học phí 8.000-8.500 USD học trong 2-2,5 năm thì chấp nhận được. Nhưng chúng tôi lại học hoàn toàn bằng tiếng Việt, chỉ có 20% giảng viên nước ngoài thì học phí như vậy không rẻ”.

Còn anh NVN cho biết anh chọn lựa chương trình thạc sĩ liên kết này vì cho rằng sẽ có cơ hội phát huy kỹ năng tiếng Anh. Do đó anh N. sẵn sàng bỏ ra mức học phí mấy ngàn USD để đầu tư kỹ năng tiếng Anh nhưng khi vào học thì mọi thứ đều bằng tiếng Việt mà đóng học phí quốc tế!

Giáo trình lắp ghép, thầy dạy chay

Giáo trình không theo một chuẩn nào cả, do trường biên soạn, lắp ghép từ nhiều giáo trình khác nhau, không rõ ràng.

Theo anh T., giảng viên phần lớn là ở trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Quốc gia Hà Nội… đảm nhiệm nhưng các kiến thức quản trị kinh doanh do giảng viên Việt Nam giảng dạy cũng chỉ là kiến thức chay, không đúng bản chất như giảng viên nước ngoài là họ tích lũy kinh nghiệm trong doanh nghiệp để giảng dạy, có như vậy học viên mới bổ sung kiến thức thực thụ.

Anh NHT đang lo lắng sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng gì vì anh T. cũng không nhận bằng IU cấp do “có quá nhiều tai tiếng”. Anh T. nói: “Tôi đã tốn tiền để học trường nước ngoài thì bằng cấp cũng phải do nước ngoài cấp nhưng không là IU. Dẫu biết rằng trường này là có thật vì có giấy phép nhưng trường chưa được công nhận chất lượng. HSB có thể cho tôi học chuyển đổi chương trình sang trường khác hoặc học thêm học phần của trường khác cũng được”.

Chúng tôi được biết chiều qua, HSB đã có cuộc gặp với học viên để giải đáp thông tin dư luận về chất lượng trường IU. Sau cuộc gặp, các học viên hoàn toàn thất vọng. Anh NP khốn khổ nói: “Không biết sẽ làm gì với tấm bằng của trường này!”.

QUỐC DŨNG

Buồn cười vì thông tin nói rằng IU là trường dỏm

. Dư luận đang rất bức xúc trước thông tin ĐH Quốc gia Hà Nội liên kết với IU, một trường ĐH dỏm, chưa được công nhận chất lượng. Ông nghĩ sao?

+ GS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội:

Khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Quốc gia đã nói rõ rồi. Đây là một trường ĐH đàng hoàng, có địa chỉ ở California, do một tổ chức đứng ra làm pháp nhân. Tôi thấy buồn cười vì thông tin nói rằng IU là trường dỏm.

Học viên của ĐH Irvine đang rối ruột ảnh 2

Trong khi báo chí đưa thông tin trường IU chỉ rộng 300 m2 trong một cao ốc cho thuê, chỉ có năm nhân sự và quan trọng nhất là chưa được các tổ chức kiểm định đánh giá và công nhận chất lượng thì ông GS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, lại trả lời rất tự tin về chất lượng của trường này. Có điều mâu thuẫn là những hình ảnh, thông tin về trường này trên trang web của HSB trước đây đã bị gỡ xuống. Chúng tôi xin giới thiệu hình ảnh lễ tốt nghiệp của một khóa liên kết đã bị nhà trường gỡ bỏ nhưng vẫn còn lưu trên mạng Internet.

. Số tín chỉ học IU chỉ bằng 3/4 so với các trường khác liệu có đảm bảo chất lượng đào tạo không?

+ Dạy thời gian dài, lâu không đồng nghĩa với chất lượng tốt. Số tín chỉ ít không có nghĩa chất lượng bằng cấp không có giá trị. Nhiều trường ĐH ở nước ngoài đã thu gọn chỉ còn ba năm đào tạo (không là 4-5 năm như trước). Họ đã cắt bớt đi những môn học không cần thiết, hay tập trung học những chương trình cần thiết nhất cho nhu cầu người học.

. Thế trường đã sang kiểm tra chất lượng của trường IU (Mỹ) chưa?

+ Tất cả đều phải làm việc có nguyên tắc, quy trình. Bạn muốn tìm hiểu sâu thì đến lãnh đạo khoa Quản trị kinh doanh của trường. Còn đối tượng học không phải là trẻ thơ mẫu giáo mà toàn người trưởng thành rồi, có nhu cầu học tập thật, làm sao có trường dỏm mà lừa được người ta.

. Có thông tin nói rằng ĐH Quốc gia cũng kết hợp với một trường ĐH của Bỉ có mô hình đào tạo giống với IU…?

+ Rồi. Bạn đã vào ma trận của những blog chống phá ĐH Quốc gia. Tôi mới được cảnh báo đang có một chiến dịch sau khi chửi bới nền giáo dục của Việt Nam thì đánh tiếp vào Trường ĐH Quốc gia để nhằm hạ uy tín của trường. Cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ vụ này rồi.

. Xin cảm ơn ông.

TỐ NHƯ

Tiến sĩ LÊ THỊ THÚY LOAN, Tổng Giám đốc Công ty Nhân sự cấp cao Loan Lê:

Bằng cấp từ trường dỏm không khó để lật tẩy

Đọc thông tin trường IU chỉ có năm thành viên, tôi thấy hãi. Đi liên kết đào tạo ở các nơi khác thì thử hỏi họ lấy cái gì để đem đi với chừng đó con người. Chừng đó thôi cũng đủ để nói lên việc họ chỉ làm “cò” trong việc liên kết đào tạo tại Việt Nam. Một khi trường chưa được các hiệp hội và tổ chức có uy tín đánh giá, công nhận thì các nhà tuyển dụng khó có thể công nhận giá trị bằng cấp lẫn việc tiếp nhận người có bằng này.

Để nhận dạng bằng do các trường ở nước ngoài cấp có thực chất hay không, hoặc có uy tín hay không thì chỉ cần vào các trang web gõ vào danh sách trường đó, xem có hiệp hội hay tổ chức nào đánh giá chất lượng, thứ hạng về cơ sở đào tạo đó như thế nào. Có nhiều ứng viên nộp bản CV (curriculum vitae - sơ yếu lý lịch), trong đó kèm tấm bằng thạc sĩ nước ngoài cấp hẳn hoi nhưng khi làm bài kiểm tra và thử trình độ tiếng Anh thì chỉ bập bẹ được câu không đầu không đũa.

Chỉ cần hai bài test là lòi ra hết. Bài test thứ nhất là lọc danh sách bằng cấp đó do trường nào cấp. Tuy nhiên cũng có nhiều ứng viên học tại các trường ở nước ngoài hẳn hoi nhưng quá trình học tập không có gì xuất sắc nên sẽ có bài thứ hai là nhờ các chuyên gia chuyên sâu trong từng lĩnh vực cụ thể test ứng viên tại chỗ, hoặc thông qua bài kiểm tra chuyên môn.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm