Lo âu năm học mới!

Điều mà các nhà quản lý trường học rất lo âu là việc triển khai thực hiện các mô hình giáo dục mới. Những vấn đề được đặt ra là: cung ứng nhân sự - sử dụng thời gian - môi trường hoạt động - phương tiện làm việc. Người thực hiện chương trình ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp không ai khác giáo viên chủ nhiệm.

Nội dung chương trình và biện pháp thực hiện đã được hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT. Nhưng phần lớn giáo viên chưa được đào tạo hoặc bồi dưỡng kỹ năng sinh hoạt cộng đồng - mưu sinh thoát hiểm - ứng xử trong giao tiếp với cộng đồng và môi trường - am hiểu nghề - khả năng và nghệ thuật tư vấn nghề nghiệp.

Lại nữa, sân bãi chật hẹp, xưởng trường nghèo nàn, trang thiết bị cũ kỹ, không dễ dàng tổ chức cho học sinh được thường xuyên thâm nhập thực địa. Do vậy, hoặc sẽ có nhiều tiết rao giảng vô hồn, hoặc thầy cô giáo chỉ tìm cách chăn giữ học sinh cho đến hết tiết dạy để không gây ồn ào, mất trật tự.

Đặc biệt ở khối lớp 11, nghề phổ thông là một môn học chính thức với phân phối chương trình 3 tiết/tuần (nhiều hơn so với các môn lý, hóa, sử, địa, công dân). Việc giảng dạy môn học này phải thực hiện đầy đủ qui trình: soạn giảng - kiểm tra - tổng kết công nhận điểm - ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm chính thức. Nhưng điểm trung bình của môn học nghề phổ thông thì không tham gia tính điểm trung bình học kỳ hay năm học, mà chỉ dùng làm tiêu chí bổ sung việc xếp loại học kỳ và khen thưởng.

Trong điều kiện giáo viên dạy nghề đúng chuẩn khan hiếm, giáo viên dạy kiêm không am hiểu nghề, “vừa đọc tài liệu vừa dạy”; trong danh mục có nhiều loại nghề nhưng không phong phú, có nghề không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và địa lý địa phương, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và thực hành hầu như không có gì... thì với thời lượng 3 tiết/tuần ấy có thể lại sẽ rơi vào tình trạng giảng dạy qua loa, chăn giữ là chính.

Đó là chưa kể những trái khoáy như: giáo viên tốt nghiệp ĐH sư phạm khoa vật lý được bố trí dạy môn kỹ thuật công nghiệp. Môn được đào tạo chính qui chỉ có hai tiết, môn dạy trái tay lại đến ba tiết, tâm lý dạy học lẫn lộn bên trọng - bên khinh. Nếu khởi sự mà không chuẩn bị kỹ thì gây lãng phí tiền bạc - công sức - thời gian, làm giảm hiệu năng của cái mới. Sẽ tồn tại những tiết học vô hồn, những tiết học mà cả người dạy lẫn người học chỉ mong sao cho hết thời gian.

TẠ QUANG SUM (Theo TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm