Luật Giáo dục: Nên làm luật mới hơn là sửa đổi

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 12 (dự kiến diễn ra vào tháng 10-2009), Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Ngày 14-7, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhằm xác định những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục.

Đang làm theo quy trình ngược

Qua ba năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, góp phần đào tạo nhân tài. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp như vấn đề giáo dục nghề nghiệp, giáo trình đại học (ĐH), miễn phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm, thành lập trường...

Lý giải nguyên nhân của những vấn đề trên, giáo sư Phạm Phụ nói: “Chúng ta xây dựng luật khi còn chưa có những quyết định về chính sách. Chẳng hạn sửa Luật Giáo dục năm 2005 nhưng Chiến lược giáo dục 2010-2020, trong đó sẽ có những quyết định về chính sách lại chưa được phê duyệt, phải đợi đến năm 2011. Nói một cách thẳng thắn, chúng ta đang làm theo quy trình ngược”.

Cũng theo giáo sư Phạm Phụ, trong quyết định về chính sách cần có phần cơ sở khoa học của chính sách. Đây là công việc của chuyên gia chứ không chỉ là việc của cán bộ quản lý giáo dục. Thế nhưng dự án Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung do Bộ GD&ĐT soạn thảo bỏ qua công đoạn chuyên gia hoặc thiếu chuyên gia, chưa quan tâm đúng mức ý kiến của các chuyên gia. Giáo sư Phạm Phụ đề nghị: “Chưa nên ban hành luật sửa đổi, bổ sung với những nội dung như đã nêu trong dự luật. Có thể chọn phương án xây dựng một Luật Giáo dục mới song song với Chiến lược giáo dục 2011-2020 và có thể trình Quốc hội vào cuối năm 2011”.

Ngành giáo dục phải “xin” kinh phí

Theo PGS-TS Lương Ngọc Toản - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng, có hai việc phân cấp không rõ ràng dẫn đến thiếu minh bạch, không rõ trách nhiệm. Đó là việc quản lý tài chính và nhân sự.

Thực chất, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý một khoản ngân sách nhỏ trong tổng số ngân sách mà Quốc hội quyết định chi cho giáo dục. Phần còn lại được phân về các tỉnh và do ngành tài chính nắm giữ. Giáo dục trở thành người đi “xin” ngành tài chính cấp kinh phí cho giáo dục. Ngân sách ấy của giáo dục nhưng giáo dục lại không có quyền quản lý. Chính vì vậy, sự minh bạch hóa ngân sách chi cho giáo dục đã không được thực hiện. Ông Toản kiến nghị nên giao ngành giáo dục quản lý kinh phí ngân sách chi cho ngành và điều này phải được luật hóa.

Bộ GD&ĐT như một ông hiệu trưởng lớn

Nhiều đại biểu còn nhận định việc phân cấp trong nội bộ ngành giáo dục khiến Bộ GD&ĐT rất ôm đồm trong quản lý. Có nhiều việc Bộ làm thay địa phương, thay các trường ĐH, cao đẳng (CĐ). Thậm chí Bộ “bao sân” như một ông hiệu trưởng lớn của các trường ĐH, CĐ. Điều 60 Luật Giáo dục đã giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho trường trung cấp, CĐ, ĐH một loạt vấn đề nhưng Bộ vẫn ôm lấy để làm. Cụ thể như việc xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, học tập đối với các ngành nghề được phép đào tạo.

Vấn đề xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng..., Bộ đều ôm lấy cả. Có những việc Bộ có thể quyết định thì lại đẩy lên cho Chính phủ như việc thành lập trường ĐH, quy định văn bằng tốt nghiệp tương đương trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của một số ngành chuyên môn đặc biệt.

XUÂN CHIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm