Sở GD&ĐT TP.HCM có độc quyền ‘học ngoại khóa’?

Xem thêm: Ngoại khóa, hội nghị và lời xì xầm

Năm học 2017-2018 là năm thứ hai TP.HCM triển khai thực hiện tiết học ngoài nhà trường cho khối THCS và THPT. Đây là một trong những chủ trương tích cực trong việc đổi mới dạy học của Sở GD&ĐT.

Bổ ích nhưng băn khoăn kinh phí

Đại diện Phòng GD&ĐT quận 8 cho hay hầu hết các trường THCS trên địa bàn quận đều tổ chức tiết học này ở Thảo Cầm Viên liên quan đến môn sinh học hoặc tích hợp một số môn khác. Hầu hết học sinh (HS) đều thích thú và có đến gần 80% các em đăng ký vì được đi tham quan, thay đổi cách học, năng động hơn. Riêng những em có hoàn cảnh khó khăn được các trường hỗ trợ kinh phí để đảm bảo em nào cũng được tham gia.

Tuy nhiên, do đây là hoạt động trải nghiệm có thu phí, đòi hỏi tổ chức công phu nên ít nhiều gây lúng túng cho các trường trong việc lên kế hoạch cũng như tính toán chi phí thực hiện.

Theo phản ánh, để tổ chức được các tiết học này, nhiều trường phải kết hợp với công ty ngoài nên chi phí cho mỗi chuyến đưa HS trải nghiệm ngoài nhà trường khoảng 100.000-200.000 đồng/HS, tùy theo khoảng cách địa lý và dịch vụ đi kèm. So với chi phí học tập chung của các em thì đây là số tiền không nhỏ.

Đại diện Trường THPT Nguyễn Công Trứ cho biết với tiết học ngoài nhà trường này, tuy chưa thực sự hiệu quả nhưng HS, phụ huynh khá thích thú. Đây là hoạt động có thu phí dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh nhưng vị này cho rằng nên xây dựng những hoạt động tương tự mà không thu phí để tất cả HS được tham gia, nhất là những em còn khó khăn.

Một tiết học trải nghiệm tại Thảo Cầm Viên của học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận 1. Ảnh: HÀ AN

Trao đổi về những thắc mắc này, tại hội nghị giao ban chuyên môn bậc trung học của Sở GD&ĐT TP sáng 19-10, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD&ĐT, cho rằng việc tổ chức học trải nghiệm ngoài nhà trường dựa trên sự tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh để cùng đóng góp kinh phí thực hiện. Ngoài ra, các trường nên đa dạng cách tổ chức học trải nghiệm cho HS tùy theo điều kiện thực tế của trường, có thể tổ chức ngay tại trường hoặc chọn những địa điểm phù hợp cho các em.

“Tuy nhiên, khi tổ chức cho HS tham gia học ngoài nhà trường, trường và giáo viên cần có kế hoạch cụ thể, chọn lọc chủ đề nội dung và địa điểm phù hợp, chọn hình thức tổ chức, khảo sát nơi sẽ thực hiện tiết học và nhất là phải đảm bảo an toàn cho thầy trò khi tham gia” - ông Tân lưu ý.

Nghiên cứu giảm chi phí cho HS

Đánh giá chung về chủ trương này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường bước đầu có những thành công khi thu hút ngày một đông HS tham gia. Năm học này Sở tiếp tục chỉ đạo triển khai đến các trường để thực hiện. Không chỉ dừng lại ở Thảo Cầm Viên mà còn mở rộng đến các điểm trải nghiệm khác như khu di tích lịch sử, bảo tàng, khu nông nghiệp công nghệ cao...

Về kinh phí, Sở cũng đã làm việc với một số đơn vị như địa đạo Củ Chi, khu nông nghiệp công nghệ cao, các bảo tàng... để HS đến học miễn phí. Riêng ở Thảo Cầm Viên có mức thu phí khá cao, Sở đã làm văn bản trình UBND TP đề xuất có mức phí phù hợp cho HS.

“Việc cho HS học trải nghiệm thực tế là chủ trương của Sở yêu cầu tất cả trường phải thực hiện từ nhiều năm nay, bằng nhiều cách thức ở nhiều địa điểm khác nhau, tại trường hoặc những địa danh gần trường...  Quan trọng là đảm bảo hiệu quả học tập, lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho HS, hạn chế tối đa việc tổ chức chỉ để tham quan đơn thuần, gây tốn kém và không bổ ích” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Sở Giáo dục nói “không độc quyền”

Về thông tin phản ánh Sở GD&ĐT TP “độc quyền” phối hợp với một số công ty trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa cho HS, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hiếu cho rằng thông tin này không đầy đủ và chưa chính xác. Vì từ trước tới nay, có nhiều công ty phối hợp với các trường thực hiện tổ chức cho các em đi xa như Cần Giờ, khu nông nghiệp công nghệ cao, địa đạo Củ Chi... Riêng những nơi gần như Thảo Cầm Viên, bảo tàng... nhiều trường tự tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau chứ không cố định hình thức nào.

Theo ông Hiếu, bản thân các trường cũng có quyền lựa chọn công ty để phối hợp thực hiện. “Riêng Sở không chỉ đạo đơn vị nào độc quyền khai thác tiết học ngoài nhà trường mà chỉ yêu cầu các trường khi tổ chức phải có kế hoạch cụ thể gửi về Sở để thẩm định về chuyên môn. Vì đây là những năm đầu tiên thực hiện nên nhiều trường và ngay cả các giáo viên cũng rất lúng túng. Hơn nữa, chủ trương của Sở vừa đổi mới dạy học nhưng cũng đổi mới kiểm tra, đánh giá để tạo động cơ thúc đẩy các em hứng thú học tập, đầu tư tiết học tốt hơn, biết vận dụng thực tiễn... Sau này khi đã quen, Sở sẽ để các trường chủ động thực hiện” - ông Hiếu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm