Giúp người khác để xoa dịu chính mình

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch sẽ được tổ chức vào tối 19-11 tại Hội trường Thống Nhất, TP Thủ Đức, các quận, huyện của TP.HCM và đầu cầu Hà Nội.

Đại diện thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch sẽ được mời đến tham dự lễ tưởng niệm.

“Ở cõi khác, chồng tôi chắc sẽ ấm lòng”

Chị Võ Thị Ngọc Hà (sinh năm 1983, ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12) có chồng mất do COVID-19 hồi tháng 8. Chồng của chị Hà công tác tại Ban bảo vệ dân phố khu phố 7, phường Tân Thới Nhất, quận 12. Trong quá trình công tác, anh không may nhiễm bệnh rồi qua đời. Anh mất đi để lại hai con thơ còn tuổi ăn tuổi học.

Gần 100 ngày chồng mất, nỗi đau ngày nào trong lòng chị Hà dần nguôi ngoai. Mới đây, khi nhận được thư của UBND quận 12 mời tham dự lễ tưởng niệm, chị Hà lại thấy lòng bồi hồi. Chị nói không biết buổi lễ diễn ra như thế nào, cảm xúc của chị sẽ ra sao. Có lẽ, sau bao ngày khóc cạn nước mắt, chị sẽ lại khóc òa.

Chị nói trước khi đi, chị sẽ thắp nhang mời vong linh của anh cùng đến lễ tưởng niệm. Chị tin ở cõi khác anh sẽ thấy ấm lòng.

Chị Hà kể thời gian đầu chồng mất, chị suy sụp, khóc rất nhiều. Các con của chị cũng hụt hẫng. Nhìn các con héo hon, chị nghĩ cứ khóc như vậy cũng không giải quyết được gì, người mất cũng đâu thể sống lại. Vậy là chị cố gắng mạnh mẽ để lo cho các con. Được chị động viên, các con cũng nguôi ngoai, tập trung học tập.

Cuộc sống của ba mẹ con đã ổn định hơn khi nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, mạnh thường quân. Chị cũng bắt đầu lại với công việc buôn bán quần áo. Giờ đây, chị đã tự tin một mình nuôi con khôn lớn.

Chín ngày mất cả cha lẫn mẹ do dịch COVID-19, bốn chị em Phạm Yến Nhi (20 tuổi, ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12) chỉ biết sống dựa vào nhau dưới sự hỗ trợ của họ hàng và địa phương.

Nhi là chị lớn nên thay cha mẹ lo lắng cho các em. Nhi đang chờ dịch ổn định để mở lại cửa hàng buôn bán quần áo. Ngoài tiền hỗ trợ từ địa phương và các mạnh thường quân, Nhi hy vọng thu nhập của cửa hàng sẽ đủ lo cho các em.

Biết tin TP tổ chức lễ tưởng niệm, Nhi nói: “Nhắc đến cha mẹ, em lại thấy nghẹn ngào. Nhưng em tự nhủ phải vượt qua biến cố để lo cho các em. Được TP tổ chức lễ tưởng niệm, em nghĩ cha mẹ sẽ thấy ấm lòng. Cha mẹ mất không được tổ chức tang lễ ấm cúng thì bây giờ được quây quần về lễ tưởng niệm chung”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan tiếp tục hoạt động thiện nguyện còn dang dở của chồng. Ảnh: NGỌC LÀI 

Việc đã xảy ra, có buồn cũng không thể thay đổi

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (sinh năm 1975, ngụ phường Bến Nghé, quận 1) sẽ đại diện gia đình tham dự lễ tưởng niệm tại Hội trường Thống Nhất. Gia đình chị Lan có bốn người mất trong đại dịch, trong đó có chồng chị, anh Vũ Quốc Cường, chủ quán cơm từ thiện Cường béo, đã nhiễm bệnh trong quá trình hỗ trợ người dân mùa dịch.

Được mời tham gia lễ tưởng niệm, chị Lan xúc động: “Tôi cảm thấy an ủi khi sự ra đi của chồng tôi và gia đình đã được TP ghi nhận bằng lễ tưởng niệm. Sự tận lực hỗ trợ cho cộng đồng của vợ chồng tôi trong mùa dịch đã không phí hoài. Chắc chắn anh Cường sẽ cảm nhận được sự trân trọng này và an vui nơi cõi mới”.

Chị Lan kể chỉ trong một tháng, nhà chị lần lượt mất đi bốn người thân do COVID-19: mẹ, dì, em gái và chồng. Chị và các con cũng nhiễm bệnh nhưng may mắn đã khỏe mạnh. Hiện tại, ngoài lo cho bốn đứa con, chị Lan còn giúp em rể chăm lo cho đứa cháu mới sinh đã mồ côi mẹ do đại dịch.

Vừa khỏi bệnh, chị Lan đã tiếp tục các hoạt động thiện nguyện mà anh Cường đang làm dở dang. Chị nói giúp đỡ mọi người cũng là cách xoa dịu nỗi đau của riêng mình. Việc đã xảy ra thì có buồn cũng không thể thay đổi.

Chị Lan tâm sự: “Mưa gió tôi cũng đi, ổ dịch nào cũng đến… để hỗ trợ bà con. Tôi đi phát quà cho bà con khó khăn suốt mùa dịch, cho đến giờ vẫn tiếp tục”.

Chị Lan không vận động tiền của người khác mà tiền mua quà lại chính là số tiền mà cộng đồng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho gia đình khi biết tin anh Cường mất. Chị nói cả nhà mình bệnh vào khu cách ly thì cũng ăn cơm từ thiện. Cho nên nhận tiền từ cộng đồng là chị lấy làm từ thiện hết. Tiền nhà có bao nhiêu chị cũng gộp vào lo quà cho người nghèo.

“Làm vậy cũng đỡ buồn lắm, công chuyện nhiều đâu có thời gian nhớ đến chuyện mất mát của gia đình” - chị Lan bày tỏ.

Được tham gia lễ tưởng niệm chung, chị Lan sẽ không chỉ cầu nguyện cho người thân mà còn hồi hướng cho những vong linh đã mất do dịch bệnh. Chị nói bản thân rất cảm phục, thương tiếc các chiến sĩ, cán bộ, mạnh thường quân đã hy sinh trong đại dịch. Cho nên nước mắt, tấm lòng trong lễ tưởng niệm sẽ dành cho tất cả chứ không chỉ cho riêng ai.


Tưởng niệm hơn 23.200 đồng bào tử vong vì COVID-19
Tưởng niệm hơn 23.200 đồng bào tử vong vì COVID-19
(PLO)- Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 sẽ có đầu cầu ở TP.HCM và Hà Nội, sẽ là lời cầu nguyện cho sự mất mát đến mỗi gia đình phải ly tán vì dịch bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm