Không có văn hóa nhậu, chỉ có bệnh sĩ

Phải biến bia rượu thành mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Chia sẻ với ý kiến của TS Nguyễn Trí Hiếu khi bàn đến việc người Việt Nam uống bia nhiều hơn kiếm tiền (Pháp Luật TP.HCM ngày 19-1), PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học, tỏ ra lo ngại về những vấn đề xã hội khác mà nó tạo ra. Ông đánh giá: “Rượu bia cũng là một thành tố của đồ uống, nằm trong nền văn hóa ẩm thực lâu đời của đất nước ta. Tuy nhiên, để phát triển đến mức như hiện nay thì đã trở thành một thực trạng cần phải can thiệp”.

Uống như Chí Phèo thì hết nói

. Vậy theo ông, nguồn gốc sâu xa của việc này là gì?

+ PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Để nói đến điều đó chúng ta cần phải hiểu rằng văn hóa ẩm thực của nước ta có truyền thống từ lâu đời. Rượu bia cũng là một thành tố của đồ uống trong văn hóa ẩm thực đó. Nhưng uống để trở thành hình mẫu về uống rượu trong xã hội như kiểu Chí Phèo thì không phải là phổ quát. Như thế câu chuyện Chí Phèo say rượu chỉ nhằm phản ứng lại trật tự xã hội, là một mảng của cuộc đời thực chống lại cường quyền, áp bức, mất dân chủ… thế nên nó không tiêu biểu cho con người Việt Nam nghiện rượu. Nói cách khác, đây là vấn đề của xã hội hiện đại.

. Theo ý ông, việc người Việt Nam nhậu nhiều như thế là do yếu tố xã hội quy định, cụ thể là trong xã hội hiện đại?

+ Cũng có thể hiểu như thế. Thực ra mà nói từ xa xưa trong lịch sử, Việt Nam cũng không phải là quốc gia có tính cách nhậu nhẹt để đến nỗi trở thành một kiểu văn hóa, một thứ biểu tượng như bây giờ. Từ xưa, rượu chỉ là một thứ đồ uống giúp cho thăng hoa, giúp cho cuộc đời vui vẻ, đặc biệt trong thuở bình minh lịch sử, khi chúng ta nghèo khó, uống rượu cũng là một chút nào đó để lãng quên hoặc để gia tăng sự hứng khởi nhằm lao động sản xuất chứ không phải uống rượu lấy chết, xu hướng uống rượu lấy chết là sau này. Tôi dám chắc nó bắt đầu phát triển khi việc sản xuất bia được đẩy mạnh trong khoảng thập niên cuối 80 đầu 90 của thế kỷ 20.

Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nguồn cung bia rượu dồi dào thúc đẩy tiêu thụ. Ảnh: HTD

Hệ lụy của ba "pháo đài" tăng trưởng

. Như thế cũng có thể hiểu do nguồn cung lớn thúc đẩy sự tiêu thụ, thưa ông?

+ Không thể phủ nhận điều này. Tôi nhớ ở giai đoạn chuyển tiếp từ bao cấp sang kinh tế thị trường, chúng ta có một mô hình vui để làm giàu, cụ thể là ba pháo đài cho thấy sự tăng trưởng, phát triển của địa phương bao gồm: “Nhà máy bia, nhà máy thuốc lá, nhà máy đường”. Nhà máy đường gắn với bia, thuốc lá cũng gắn với bia. Bởi lẽ những người uống bia có thể không hút thuốc lá nhưng rất ít người hút thuốc lá mà không uống bia. Gạch nối của ba thứ này có vấn đề. Nó tạo ra nhiều yếu tố liên quan đến nhau. Việc xây dựng các nhà máy bia cũng giống việc chúng ta từng coi cây thuốc lá là cây trồng xóa đói ở một số địa phương vậy. Hiệu quả cũng có nhưng hậu quả đưa lại thì rất lâu dài.

Quá nhiều lý do để nâng ly

. Ngoài nguyên nhân như ông đã nói ở trên, còn những nguyên nhân cụ thể nào nữa không, thưa ông?

­+ Có chứ, nó có một phần là do xã hội chúng ta sính chạy theo thành tích. Nào là những dịp lễ hội thích có bánh chưng to, bánh giầy khủng và cuối cùng là biểu dương cả chai rượu vĩ đại… điều đó hoàn toàn trái với văn hóa ẩm thực của nước ta. Mà người ta khi đã uống lại hay mời nhau, cao hơn nữa là ép, có thoái thác cũng không được. Ở đây có vấn đề thuộc về sĩ diện, thuộc về bao biện, ngộ nhận khiến người Việt Nam mắc bệnh sĩ. Mình sĩ với thiên hạ là mình uống được, người mời bia người khác cũng để khoe chiến tích hạ gục người khác của mình. Có một phần nữa xuất phát từ tâm trạng xã hội.

. Ông có thể nói rõ hơn về tác động của tâm trạng xã hội?

+ À, bạn có thể thấy là người Việt chúng ta có rất nhiều lý do để nâng ly với nhau. Vui uống, buồn uống, cãi vã chửi bới, đập phá cũng uống. Bây giờ người ta uống vô hồi kỳ trận, uống sáng, uống chiều, uống trưa, uống tối, uống cả đêm khuya. Tôi không dám dùng chữ suy đồi trong vấn nạn này nhưng có thể xem là sự xuống cấp văn hóa ẩm thực, văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, ngày nay con người dễ bị nghẹt, bị cứng, bị đè nén ở nhiều công đoạn, áp lực cuộc sống quá lớn... Đến chỗ nhậu nhẹt là đến với nơi phấn khởi, hồ hởi, nó được xả, một sự trốn chạy, vượt thoát khỏi thực tại.

. Như vậy, bất chấp tâm lý nào thì bia rượu vẫn là “người đồng hành”, điều này có liên quan gì đến tâm lý người Việt không, thưa ông, một sự tương đồng chẳng hạn.

+ Bạn hỏi câu đó rất đúng. Thực tế là nếu nhìn vào các quán bia vỉa hè, các quán nhậu la liệt ở đô thị, chúng ta có thể thấy đặc tính của các quán bia này cũng có yếu tố phù hợp với đặc tính của một bộ phận người Việt, đó là ưa sự tiện lợi, bạ đâu ngồi đấy. Vì thế nên bãi bia hơi có sức sống, nó rẻ tiền, vận động dễ, chui lủi, trốn thuế, trong điều kiện nào nó cũng tồn tại được.

Đánh vào túi tiền

. Vậy theo ông, “phong trào nhậu nhẹt” lên cao như thế có tác động như thế nào đến xã hội chúng ta, cụ thể như yếu tố văn hóa?

+ Hãy cứ nhìn vào mấy quán bia vỉa hè mà ra, từ hè phố cho đến sâu vào tận ngõ, chỗ nào cũng la liệt bia, nó làm cho bầu không khí, dáng vẻ, khuôn mặt của đô thị nhàu nhĩ, bông phèng. Còn nữa, văn hóa bia hơi là không ông nào nghe ông nào hết, tất cả đều tranh nhau nói, ít ai đi uống bia hơi để nói công việc mà chỉ để xả, để quát tháo… nó tạo ra một sự nhộm nhoạm, nó cũng là nguồn cơn của không ít sự xung đột.

. Ông có kiến giải gì không để hạn chế việc này?

+ Để hạn chế nó thì chúng ta vẫn phải dựa vào tuyên truyền là chính. Thế nhưng nói chuyện tuyên truyền trong những quán bia ồn ào như thế thì khó khả thi. Nó là bài toán của mỗi người, mỗi gia đình.

Ở tầm vĩ mô cần có kế hoạch điều tiết để điều hòa ở khâu sản xuất tiêu thụ, kiếm tìm khả năng xuất khẩu hơn là việc chúng ta cứ sản xuất rồi chúng ta tiêu thụ. Gần hơn nữa là đánh thuế khiến người tiêu thụ phải chi trả tiền cao hơn, đưa bia rượu trở thành mặt hàng kinh doanh có điều kiện và thực hiện nghiêm những điều kiện ấy (chẳng hạn về độ tuổi…).

. Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

VIẾT THỊNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm