Ngày dân số Việt Nam 26-12: Đề xuất phụ nữ nghỉ thai sản 1 năm

TP.HCM đang đối mặt với tình trạng mức sinh rất thấp. Tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Điều này dẫn đến hiện tượng gia tăng tốc độ già hóa dân số tại TP.

Kết hôn muộn do áp lực cuộc sống

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mức sinh ở TP.HCM rất thấp.

Đầu tiên là do áp lực cuộc sống và công việc đã làm gia tăng xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con.

Tiếp đến là việc nuôi dạy, chăm sóc con tốn nhiều chi phí nên nhu cầu sinh con cũng có xu hướng giảm nhanh. “Chưa hết, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và kinh tế phát triển đã gây áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt…” - bà Lệ nói.

“Trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích dịch chuyển cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát và thứ phát có chiều hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con” - bà Lệ nói thêm.

Theo bà Lệ, một số chuyên gia cũng đã thống kê những nguyên nhân dẫn đến mức sinh ở TP.HCM thấp. Cụ thể, nhóm dân số trong độ tuổi thanh niên hiện nay có thời gian học tập và đào tạo dài hơn để được trang bị kiến thức tốt khi tìm việc làm. Khi đã có việc làm, áp lực và sự cạnh tranh trong công việc dẫn đến tình trạng kết hôn muộn, sinh con muộn và ít.

Đề xuất vợ chồng tự quyết định số con

Để giải quyết bài toán mức sinh quá thấp, Chi cục DS-KHHGĐ TP đã đề xuất Sở Y tế TP tham mưu UBND trình HĐND TP ban hành nghị quyết về chính sách dân số và phát triển tại TP giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể: Hỗ trợ miễn hoặc giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TP; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TP. Cùng đó là miễn hoặc giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi (ngoài nội dung đã hỗ trợ về định mức học phí của TP, đề xuất bổ sung phần chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh); triển khai chương trình sữa học đường.

“Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân TP thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con” nhằm duy trì mức sinh hợp lý” - bà Lệ cho biết.

Chi cục kiến nghị Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ tham mưu cấp thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất đưa vào dự thảo Luật Dân số nội dung “Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con” hoặc cân nhắc việc sửa đổi cho phép sinh con thứ ba tại các vùng mức sinh thấp.

Chi cục cũng kiến nghị không xem xét kỷ luật, giảm mức đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên.

Miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi là một trong những nội dung đề xuất của Chi cục DS-KHHGĐ TP. Ảnh: TRẦN NGỌC

Kiến nghị nghỉ thai sản một tháng cho người cha

Bà Lệ cho biết Chi cục  còn kiến nghị Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ tham mưu cấp thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất thực hiện các giải pháp nhằm giảm gánh nặng kinh tế - xã hội trong việc chăm sóc trẻ đối với gia đình.

Cụ thể là mở rộng các hình thức trông trẻ tại các trường mẫu giáo công từ sáu tháng tuổi đến năm tuổi; ưu tiên chi phí trông trẻ và xét tuyển vào trường mẫu giáo công đối với các gia đình có đủ hai con.

1,33 là tỉ suất sinh của TP.HCM năm 2018, rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,10 con. Căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số TP trong tương lai. 

Bên cạnh đó, mở rộng các hình thức giáo dục sau giờ học với chi phí thấp (từ 17 giờ đến 19 giờ); mở rộng các loại hình sinh hoạt trong trường công để trẻ có những hoạt động phù hợp với lịch sinh hoạt và đi làm của cha mẹ. Đồng thời mở rộng hệ thống trông trẻ ở cấp tiểu học; tích hợp hệ thống trông trẻ và giáo dục sau giờ học.

Theo bà Lệ, Chi cục cũng kiến nghị Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ tham mưu cấp thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất thực hiện các giải pháp đẩy mạnh bình đẳng giới, nâng cao khả năng cân bằng của phụ nữ trong công việc và gia đình.

Cụ thể là mở rộng hỗ trợ của Chính phủ trong trợ cấp nghỉ thai sản như ưu tiên xây dựng lộ trình nghỉ thai sản có thể lên đến 12 tháng cho người mẹ, ưu tiên nghỉ thai sản một tháng cho người cha; đa dạng hóa hình thức nghỉ chăm trẻ trong điều kiện lao động cho các gia đình có con nhỏ dưới ba tuổi như cho ngày nghỉ/buổi nghỉ chăm trẻ cho các gia đình có con dưới ba tuổi. Đơn vị này cũng kiến nghị nâng số ngày nghỉ phép hưởng lương cho các gia đình có con dưới năm tuổi; hỗ trợ phụ nữ quay trở lại công việc và thị trường lao động sau sinh thông qua việc giới thiệu việc làm.

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

ThS LÊ VĂN THÀNHViện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Các chính sách hỗ trợ gia đình sinh con thứ hai

Ngày dân số Việt Nam 26-12: Đề xuất phụ nữ nghỉ thai sản 1 năm ảnh 3
ThS LÊ VĂN THÀNH

Có một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người và hộ gia đình sinh con thứ hai có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM như:

Tư vấn cho bà mẹ sinh con về dinh dưỡng, bảo vệ bào thai theo mạng lưới thăm khám sức khỏe tại tuyến phường, xã;

Hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí cho việc sinh đẻ và chi phí tiêm chủng trong năm đầu tiên của bé;

Hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ và bà mẹ sau sinh (có thể sáu tháng đầu) trong các gia đình khó khăn về kinh tế, thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Cùng đó là xây dựng một số chính sách phát triển dịch vụ chăm sóc trẻ như: Mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ tại các nơi làm việc (doanh nghiệp và cơ quan hành chính sự nghiệp); thành lập các cơ sở trông trẻ tại các địa điểm sinh hoạt văn hóa, ưu tiên cho trẻ dưới năm tuổi với chi phí thấp.

ThS NGUYỄN QUANG VIỆT NGÂNPhó Trưởng Khoa địa lý, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM:

Tầm quan trọng của truyền thông trong vận động

Việc sinh đủ bao nhiêu con không chỉ dừng lại là “một hoặc hai” như một con số mà cần làm cho người dân hiểu rõ họ có đủ tự tin, đủ tài chính và cả sức khỏe để hình thành một thế hệ sau có chất lượng.

Phải cho người dân thấy rằng mức sinh thấp của TP.HCM sẽ mang đến những hệ lụy và hậu quả gì. Một khi người dân hiểu và thấy rằng mình sẽ là người đóng góp một phần trong giải quyết vấn đề này thì khi đó họ mới có thể thay đổi hành vi trong tương lai.

TS DIỆP TỪ MỸ, Phó Trưởng bộ môn dân số thuộc Khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Cần khuyến khích phụ nữ sinh con từ 25 tuổi

 TP cũng cần nâng cao nhận thức người dân về lợi ích của việc sinh con sớm, đồng thời cảnh báo những tác động không tốt đến sức khỏe mẹ và bé khi sinh con muộn.

Các chính sách khuyến khích sinh không chỉ hướng tới những người có hộ khẩu tại TP mà cũng nên quan tâm tới nhóm người di cư (tạm trú ngắn hạn và dài hạn).

Chia nhóm đối tượng mục tiêu để áp dụng cho phù hợp (nhóm học vấn cao, nhóm học vấn thấp, nhóm thường trú, nhóm tạm trú). Bởi với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số thì chúng ta cũng chỉ muốn những người có điều kiện và nuôi con tốt nên sinh thêm con.

Kinh nghiệm hạn chế mức sinh thấp của một số nước

• Nhật Bản: Mở rộng các chính sách gia đình

Để khắc phục tình trạng mức sinh thấp, đầu những năm 1990, Nhật Bản mở rộng các chính sách gia đình và can thiệp ở ba lĩnh vực: Dịch vụ chăm sóc trẻ em; chế độ nghỉ thai sản của cha mẹ; hỗ trợ tiền thông qua trợ cấp cho trẻ em.

Ban đầu chương trình phát huy tác dụng. Tuy nhiên, sau đó cầu vượt quá cung khiến mức sinh vẫn giảm. Chính sách hỗ trợ thai sản quy định bà mẹ được nghỉ 12 tháng và được trả 50% lương khi sinh con. Sau đó khả năng chi trả bị hạn chế, độ bao phủ của chương trình cũng bị hạn chế.

Ngày dân số Việt Nam 26-12: Đề xuất phụ nữ nghỉ thai sản 1 năm ảnh 4
Nhật Bản triển khai chương trình miễn phí giáo dục mầm non trong nỗ lực tăng tỉ lệ sinh. Ảnh: SCMP

• Hàn Quốc: Xây dựng môi trường thuận lợi cho việc sinh đẻ

Trong hơn 40 năm, Hàn Quốc liên tiếp đưa ra những kế hoạch hướng đến xây dựng môi trường thuận lợi cho việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái, bình đẳng giới, thị trường lao động cho phụ nữ, an sinh xã hội…

Điều đáng tiếc sự nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc gần bốn thập niên qua kể từ khi đạt mức sinh thay thế đến nay, mức sinh của nước này ngày càng đi xuống và thuộc nước có mức sinh thấp nhất thế giới (1,1 con). Điều đó chứng tỏ rằng tất cả kế hoạch và chính sách can thiệp của chính phủ Hàn Quốc có mạnh mẽ đến đâu cũng đều thất bại.

• Đài Loan (Trung Quốc): Can thiệp toàn diện

Đài Loan có một số chính sách can thiệp tình trạng mức sinh thấp như xây dựng hệ thống công chăm sóc trẻ em toàn diện, cải thiện chế độ nghỉ thai sản của cha mẹ, cung cấp hỗ trợ tài chính cho gia đình có con phụ thuộc. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường làm việc thân thiện cho công nhân sinh con, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản, tăng quyền trẻ em và cải thiện hệ thống bảo vệ trẻ em, cải thiện các cơ hội kết hôn và giá trị con cái.

Tuy nhiên, mức sinh của Đài Loan hàng thập niên nay vẫn xoay quanh 1,1 con đến 1,2 con.

• Singapore: Hỗ trợ tài chính mạnh mẽ

Singapore có các chương trình hỗ trợ tài chính cho các gia đình sinh con thứ hai, thứ ba. Sau đó lại mở rộng hỗ trợ cả đứa trẻ thứ nhất và đứa trẻ thứ tư. Đồng thời cung cấp các gói hỗ trợ cho bà mẹ nghỉ chế độ thai sản, cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ, ông bà… Thế nhưng hiện tại, mức sinh của Singapore vẫn chỉ là 1,2 con.

T.NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm