Nghe chê thì đừng giẫy nẩy lên

Nghe chê thì đừng giẫy nẩy lên ảnh 1

Với nhiều danh thắng nổi tiếng, Việt Nam được tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn đứng thứ sáu trong số 20 điểm đến tốt nhất thế giới. Hình minh họa

Trước đó, theo một khảo sát mang tên Expat Explores của ngân hàng HSBC thì Việt Nam đứng thứ 16 trong số 20 quốc gia đáng sống nhất thế giới. Đứng đầu bảng xếp hạng này là Thụy Sĩ, thứ nhì là Singapore. Đáng ngạc nhiên là Trung quốc xếp hạng ba. Việt Nam được xếp trên các nước Nga (hạng 17), Nhật (18), Malaysia (19) và Bỉ (20). 

Cuộc khảo sát thực hiện trong năm 2014 lấy ý kiến người nước ngoài dựa trên ba yếu tố chính gồm: điều kiện kinh tế, trải nghiệm cuộc sống và môi trường nuôi dạy con cái. Đặc biệt ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao khi có tới 87% người được phỏng vấn cho biết họ thích thưởng thức món ăn Việt. Yếu tố xã hội ổn định, người Việt Nam thân thiện, dễ kết giao là điểm mạnh của Việt Nam.

Trong nỗ lực làm đẹp bộ mặt TP cũng như chấn chỉnh an toàn xã hội, những ngày cuối năm 2014 tiếp sang năm 2015, TP.HCM đã phát động chiến dịch gom người nghiện - ưu tiên những con nghiện vô gia cư, nguồn gốc của nhiều tệ nạn xã hội - đưa vào các trung tâm xã hội để cai nghiện. Cùng với chương trình này là chiến dịch gom người ăn xin, vô gia cư, trẻ lang thang bụi đời đưa trả về quê hoặc đưa vào các trung tâm xã hội nếu không có nơi để trở về. Đây là những chương trình đáng lẽ phải thực hiện từ lâu nhưng dù sao muộn vẫn còn hơn không. 

Vấn đề là chương trình có được thực hiện hiệu quả đến nơi đến chốn, chứ không chỉ làm theo chiến dịch, khi bị xã hội, báo chí lên tiếng rồi lãnh đạo “lên dây cót” thì làm ồ ạt, rầm rộ đến khi hết chiến dịch, “dây cót hết trớn” rồi đâu lại vào đấy thì thật là phí phạm. Phải coi chương trình này là chiến lược, phải được thực hiện lâu dài, hiệu quả ổn định, bên cạnh những công trình công ích đang được nâng cấp và xây dựng mới nhằm mang lại một bộ mặt đẹp cho TP từng được vinh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. 

Ai cũng biết người nghiện vô gia cư là một nỗi lo sợ, ám ảnh cho người dân TP mỗi khi có việc đến gần họ, thậm chí chỉ đi ngang qua. Bởi họ là nguyên nhân phát sinh nhiều tệ nạn, gây mất an toàn xã hội. Còn người ăn xin, trẻ em bụi đời, người bán hàng rong chèo kéo khách nước ngoài đã làm xấu đi hình ảnh TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong mắt du khách.

Thật ra những cuộc bình chọn, khảo sát nói trên chỉ nên mang tính tham khảo để từ đó ngày càng hoàn thiện những thế mạnh, nhìn lại cái được và cái chưa được chứ không phải khi được khen thì nở mũi, tự mãn, còn khi bị chê thì giẫy nẩy lên. Như trường hợp hai sân bay lớn của Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất mấy tháng trước bị một tạp chí du lịch nước ngoài xếp loại kém, là hai trong 10 phi trường có cung cách phục vụ và dịch vụ kém nhất thế giới thì lãnh đạo Cục Hàng không dân dụng đã phản ứng mạnh, bảo rằng đó là những bình chọn không công tâm, thiếu chính xác. Đến nỗi bộ trưởng Bộ GTVT đã phải nhắc nhở các vị có trách nhiệm rằng khi nghe, thấy người ta phê bình thì lo mà làm cho tốt hơn chứ không nên kêu ca, tranh luận. 

Cũng ông bộ trưởng này đã đưa ra phương châm phục vụ đối với các nhân viên trong ngành GTVT là “4 luôn và 4 xin” sau những sự cố đáng trách và sự than phiền từ phía hành khách trong cung cách phục vụ của các cán bộ, nhân viên ngành này. Không biết phương châm này được các cán bộ ngành GTVT áp dụng và vận hành ra sao nhưng riêng ông bộ trưởng đã ghi được điểm son khi Quốc hội bỏ phiếu “tín nhiệm cao” khá cao. 

Nhân nhắc chuyện phiếu tín nhiệm thì hai bộ trưởng vừa bị Quốc hội bỏ phiếu “tín nhiệm cao” khá thấp và phiếu “tín nhiệm thấp” khá cao là bộ trưởng GD&ĐT và bộ trưởng Y tế, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày đầu năm đã cam kết có vẻ quyết tâm lắm. Bộ trưởng GD&ĐT cam kết sẽ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Còn bộ trưởng Y tế cam kết sẽ giảm tải bệnh viện và sẽ làm hài lòng dân. Người dân chờ xem hai vị thực hiện được phần nào cam kết trong năm 2015 không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm