Người dân TP.HCM đón tết Nhâm Dần an vui

Điểm đến của người dân TP.HCM mỗi mùa tết suốt 19 năm qua là đường hoa Nguyễn Huệ. Năm nay, sau nhiều lần nâng lên đặt xuống các nguy cơ về dịch bệnh nếu có khi tổ chức, ban tổ chức vẫn thực hiện làm đường hoa với các kịch bản ứng phó dịch bệnh.

Đường hoa Nguyễn Huệ tết Nhâm Dần 2022 đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đường hoa Nguyễn Huệ tổ chức và ứng phó dịch

Đường hoa Nguyễn Huệ tết Nhâm Dần 2022 với chủ đề Xuân quê hương, ấm tình nhân ái mở cửa từ tối 29-1 (27 tết) đến 4-2 (mùng 4 tết). Công trình đường hoa kéo dài từ đài phun nước nghệ thuật (giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi) đến đường Tôn Đức Thắng với khoảng 80 loài hoa và gần 97.000 chậu, giỏ hoa.

Mở đầu đường hoa Nguyễn Huệ năm nay ở phía đài phun nước là hình tượng song hổ tương phùng cao 3 m, dài gần 7 m, được tạo thành từ những lát thép, lát inox, thể hiện sự mạnh mẽ và kiêu hãnh. Linh vật hổ chính ở giữa đường hoa cao 3,5 m, dài 8 m, trọng lượng gần 2 tấn, với hoa văn sọc đặc trưng cùng dáng vẻ oai hùng.

Như nhiều năm qua, chất liệu sử dụng tại đường hoa thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng như kim loại, xốp, mây, tre, nứa, gạch, lưới, dây đan…

Những tiểu cảnh đồng lúa, miền quê năm nay cũng có những thay đổi. Cánh đồng lúa năm nay được bài trí uốn lượn như dải lụa với độ cao đến 2 m trên diện tích hơn 600 m2. Ở đó, người dân TP.HCM sẽ được tản bộ giữa một bên là các thửa ruộng bậc thang miền núi, một bên là ruộng lúa thẳng cánh cò bay ở đồng bằng.

Với câu chuyện ấm tình nhân ái, ở giữa đường hoa, một “ống heo” hình đầu hổ cao 1,82 m với đường kính 2,2 m là biểu tượng thuộc chương trình Chung tay góp sức phòng chống COVID-19. Chương trình đặt mục tiêu quyên góp, chăm lo cho 200 người dân, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong TP. Người dân có thể quyên góp cho chương trình thông qua mã QR hoặc chuyển khoản, Thành đoàn TP.HCM sẽ bố trí nhân sự để hỗ trợ khách tham quan thực hiện việc quyên góp.

Người dân, du khách sẽ di chuyển một chiều trong đường hoa từ cổng chính đường hoa hướng về sông Sài Gòn. Ban tổ chức bố trí sáu cổng ra dọc hai bên đường tại giao lộ giữa đường Nguyễn Huệ và các đường nhánh.

Bên cạnh đó, tùy theo tình hình dịch bệnh, thời gian hoạt động, thời gian đóng cửa, thời gian tạm ngừng đón khách tham quan của đường hoa sẽ thay đổi theo sự chỉ đạo của lãnh đạo TP, kiến nghị của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) mà không cần báo trước.

Những cô gái diện áo dài thướt tha dạo chơi ở vườn mai vàng bên trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1, TP.HCM) những ngày cận tết. Ảnh: HOÀNG GIANG

 

Khách tham quan, du khách được yêu cầu đeo khẩu trang xuyên suốt

Ban tổ chức lên những phương án phòng ngừa dịch bệnh tại đường hoa Nguyễn Huệ. Với khách tham quan, du khách được yêu cầu đeo khẩu trang xuyên suốt thời gian, kể cả khi chụp ảnh. Ngay cổng vào tại đầu đường hoa, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, khách tham quan đường hoa sẽ được hướng dẫn xếp hàng và thực hiện các biện pháp phòng dịch trước khi vào gồm: Khai báo y tế qua ứng dụng PC-COVID, sát khuẩn tay, kiểm tra nhiệt độ…

Tết an yên, xuân an vui

Suốt những tuần qua, khu vực Trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1) trang trí với cổng vào chính của trung tâm là dòng chữ Tết an yên.

Tết an yên tại khu vực trung tâm quận 1

Cùng với Tết an yên, năm nay Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng chọn chủ đề Xuân an vui gửi đến dân cư khu vực nam TP và người dân TP.HCM.

Quyết định duy trì tổ chức Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng trong giai đoạn bình thường mới là một nỗ lực của ban tổ chức nhằm duy trì một điểm du xuân quen thuộc của người dân, đồng thời mang đến niềm vui, sự lạc quan cho người dân sau một năm nhiều gian khó. Chính vì thế, chủ đề Xuân an vui như một lời chúc đầu năm gửi đến khách du xuân, chào đón năm mới với những an lành, vui tươi và hạnh phúc.

Như mọi năm, Hội hoa xuân tết Nhâm Dần được tổ chức từ ngày 28-1 đến 4-2 (tức từ ngày 26 tháng Chạp đến mùng 4 tết), tại khu vực Hồ Bán Nguyệt (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM). Riêng khu vực chợ hoa tết sẽ phục vụ từ nay đến hết 31-1 (29 tháng Chạp) với 92 gian hàng hoa kiểng.

Xuân an vui sẽ có Đường xuân tái hiện không gian tết từ nhiều miền trên cả nước, trong đó cổng vào là hình ảnh đặc trưng của miền Tây sông nước với những chiếc xuồng ba lá chở đầy hoa quả nhẹ trôi trên dòng sông hoa cách điệu. Cùng với đó là không gian văn hóa Tây Nguyên, Bắc bộ… qua các tiểu cảnh, cụm hoa xuân… Ngoài những cụm văn hóa làng quê của các vùng, miền còn nhiều điểm nhấn thú vị khác như: Sân khấu chính làm bằng chất liệu tre nứa thân thiện với môi trường; tiểu cảnh con số 2022 nổi bật giữa đường hoa giúp bạn ghi lại thời điểm của mùa xuân mới; con đường hoa hướng dương rực rỡ; cánh đồng lúa đang vào mùa thu hoạch; cụm tiểu cảnh tết xưa với những thềm nhà đầy hoa, với ông đồ, với câu đối đỏ...

Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng cũng triển khai các quy tắc 5K trong khu vực tổ chức như: Khách tham quan bắt buộc phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung… nhằm hướng đến sự an toàn chung.

Đêm giao thừa trên truyền hình

Khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, với tình hình dịch bệnh nhiều biến chuyển, rất nhiều gia đình sẽ chọn ở nhà trong thời khắc này. Vì thế năm nay, chương trình giao thừa của các đài truyền hình rất đa dạng.

Toàn bộ sóng VTV từ 22 giờ 25 tối 29 tết là chương trình đặc biệt đón giao thừa với tên gọi Mùa đoàn tụ 2022.

Phần biểu diễn nghệ thuật trong chương trình Mùa đoàn tụ 2022. 

Điểm nhấn của Mùa đoàn tụ 2022 là câu chuyện tình người trong đại dịch. Toàn bộ êkíp sản xuất đã lựa chọn đưa vào chương trình nhiều câu chuyện cảm xúc: Phóng sự về Ku Rớt, em bé được sinh ra trên chuyến tàu đưa gia đình về quê ở Quảng Bình; là “Thành phố 18h” và câu chuyện cảm động về TP.HCM những đêm không ngủ của đội ngũ tình nguyện viên, các y bác sĩ, bộ đội nơi tuyến đầu chống dịch; hình ảnh người chiến sĩ cùng chiếc xe thồ mang nhu yếu phẩm gửi tới người dân trong những con hẻm; là lời ca, tiếng hát cất lên vào thời khắc cam go với quyết tâm phải sống…

Cùng với những nội dung đó, Giám đốc âm nhạc Thanh Phương, đạo diễn nghệ thuật - NSƯT Trần Ly Ly cũng sẽ mang đến một chương trình âm nhạc không kém phần hấp dẫn với hơn 10 tiết mục từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, dàn nhạc Maius Philharmonic, nhóm đồng diễn HSY.

Ba chương của chương trình sẽ lần lượt là Sức mạnh tình người, Khát vọng vươn lên và Ước mong đoàn tụ.

Các khách mời tham gia chương trình gồm: Thiếu tướng PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS Trần Đắc Phu, TS Nguyễn Quân, TS. Lê Văn Tri, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, nhà báo Hoàng Long, bác sĩ Thiên Đỗ; các nghệ sĩ: NSND Lê Khanh, NSND Trung Hiếu, NSƯT Đức Trung, Hồng Diễm, Thu Quỳnh, nhà báo Trần Mai Anh, MC Quỳnh Hoa, người mẫu Xuân Lan, Hoa hậu Thùy Tiên... Họ sẽ mang tới những câu chuyện, trải nghiệm trong một năm qua và cùng hướng tới niềm tin về tương lai, những nỗ lực không ngừng vươn lên của người Việt Nam với khát vọng đưa đất nước ra thế giới, chinh phục những đỉnh cao mới.

Mùa đoàn tụ còn có sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ: NSƯT Thanh Lam, các ca sĩ Hà Trần, Uyên Linh, Đoan Trang, Ngô Hồng Quang, Phạm Thu Hà, Khánh Linh, Phạm Anh Khoa, Trọng Hiếu, Trang Trịnh, Mazuz, Tuấn Hùng, Mỹ Anh, Hà Myo, Thăng Long, rapper Phong Windy, nhóm xẩm Hà Thành, hợp xướng Gió Xanh, nhóm OPlus... các giọng ca nhí như Đăng Bách (quán quân Giọng hát Việt nhí), Hà Anh (á quân Giọng hát Việt nhí), nhóm thiếu nhi Trung tâm MUSE Academy.

Sóng 22 phát sóng đồng thời trên ba kênh truyền hình Vie Channel - HTV2, Vie Giải Trí, Vie Dramas và ứng dụng VieON vào đêm giao thừa tết Nhâm Dần 2022 là chương trình rất đáng chú ý.

Sóng 22 phá cách vì một năm mới bứt phá mạnh mẽ, đầy năng lượng

Sóng 22 quy tụ khoảng 100 nghệ sĩ. Ngoài MC quen thuộc trong nhiều năm qua là Trấn Thành cùng diễn viên Thúy Ngân, Sóng 22 còn có sự góp mặt của những gương mặt mới toanh và đầy nổi bật như Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Thùy Tiên, diễn viên Kaity Nguyễn và MC xinh đẹp Khánh Vy.

Sóng 22 được chia làm bốn phần tương ứng với bốn chương: Bản năng trẻ, Lướt sóng, Biển lớn Hi 22! Năm 2021 với đầy biến động, đã đến lúc tất cả chúng ta phải tái kiến thiết cuộc sống và làm mới bản thân mình. Qua đó, Sóng 22 muốn gửi gắm niềm hy vọng là tất cả chúng ta sẽ giữ trọn niềm tin và vững vàng kích hoạt mạnh mẽ nguồn năng lượng, vượt qua “những điều bất thường đang dần bình thường” để tạo nên “sự khác thường” ở năm 2022.•

 

Phim ra rạp đa dạng

Tết năm nay đánh dấu sự trở lại nhiều nhất của phim Việt kể từ khi đại dịch xuất hiện. Có năm phim Việt đã chuẩn bị cho chiếu mùa tết từ ngày 1-2 (mùng 1 tết) với đa dạng thể loại, từ hành động, kinh dị đến hài, lãng mạn. Bốn phim mới ra rạp gồm: Chìa khóa trăm tỉ, 1990, Nhà không bán, Mưu kế thượng lưu và phim phát hành lại Trạng Tí.

Bên cạnh đó, các phim ngoại ra rạp mùa tết này hầu hết là phim dành cho gia đình, trẻ em: Encanto (Vùng đất thần kỳ), Sing 2 (Đấu trường âm nhạc)PAW Patrol: The Movie (Đội đặc nhiệm siêu đẳng).

Ba bộ phim hoạt hình với ba nội dung khác nhau hứa hẹn sẽ kéo các bạn nhỏ và gia đình trở lại rạp nhiều lần.

Đây là mùa tết đặc biệt khi tết cận kề ngay sau đó là dịp lễ Tình nhân. Chính vì thế, hai tác phẩm với hai phong cách khác nhau cùng ra rạp ngày 11-2 để đón cuối tuần Valentine là Bẫy ngọt ngàoChuyện ma gần nhà.

Đường sách và sân khấu TP.HCM vào dịp tết

Nhằm phục vụ bạn đọc, khách du xuân, thưởng lãm và rước lộc sách đầu năm, đường sách TP.HCM mở cửa đón khách từ 8 giờ 30 đến 21 giờ các ngày từ 29-1 đến 13-2.

Lễ hội đường sách tết Nhâm Dần 2022 là một trong những hoạt động nổi bật dịp tết năm nay. Lễ hội sẽ diễn ra từ chiều 29-1 đến tối 4-2 (tức từ ngày 27 tháng Chạp đến mùng 4 tết), do Sở T&TT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao văn hóa đọc với người dân TP, tạo không gian giải trí, hoạt động văn hóa vui xuân cho người dân và du khách.

Lễ hội được tổ chức trên ba tuyến đường: Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế và đường sách TP.HCM. Tuyến Nguyễn Huệ sẽ triển lãm xuất bản phẩm, tư liệu hình ảnh chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, triển lãm tư liệu, hình ảnh chủ đề “TP.HCM và cuộc chiến chống dịch COVID-19”, triển lãm về biển đảo, trưng bày tư liệu hình ảnh về chủ đề “Tặng sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho con em công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn”…

Ngoài ra, tuyến Nguyễn Huệ cũng sẽ diễn ra những triển lãm hấp dẫn khác như: “Tôi yêu TP tôi” với những hình ảnh tư liệu về tết xưa và nay, triển lãm báo xuân Nhâm Dần 2022… Tuyến Ngô Đức Kế với chủ đề “Tự hào thiếu nhi TP Bác” sẽ có những khu gian hàng sách thiếu nhi được chọn lọc, khu vui chơi dành cho thiếu nhi, khu trưng bày các tác phẩm tranh vẽ do các em thực hiện về lực lượng phòng chống dịch COVID-19… Tuyến Mạc Thị Bưởi với chủ đề “Khơi nguồn tri thức” sẽ trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích với phong phú thể loại, trưng bày khu ATM sách…

Sân khấu TP.HCM sáng đèn

Sau gần hai năm trầm lắng vì dịch COVID-19, đặc biệt do đợt bùng phát dịch lần thứ tư, hiện nay nhiều sân khấu tại TP.HCM rạo rực sáng đèn ngày trở lại phục vụ khán giả dịp tết. Mới đây, Liên hoan kịch nói toàn quốc dành riêng cho các sân khấu miền Nam đã mang đến luồng gió mới báo hiệu sự hồi sinh của sân khấu miền Nam.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ diễn các vở: Bạch Hải Đường, Bông hồng cài áo, Tình yêu trời đánh, Sài Gòn có một ngã 4, Chờ thêm chút nữa… Các suất diễn bắt đầu từ mùng 1 tết đến hết tháng 2.

Sân khấu kịch Idecaf, từ mùng 1 đến mùng 6 Tết sẽ luân phiên hai vở diễn Cậu đồng Ngũ quý kỳ phùng, mỗi ngày 2 suất 16 giờ và 20 giờ. 

Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ đã ra mắt chùm kịch hài Sướng quá xuân (tác giả Tô Thiên Kiều, Hoàng Ngọc, Mai Thịnh) - chương trình hài kịch phục vụ công chúng nhân dịp tết. Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long cũng trở lại với khán giả vào mùng 8 và mùng 9 tết trong kịch bản Mạnh Lệ Quân kỳ nữ.

NGUYỄN TRÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm