Nơi rốn lũ Phú Yên và sự hồi sinh kỳ diệu

Những ngôi nhà mới kiên cố, khang trang hay những ngôi  nhà bạt hối hả khánh thành đã phần nào khẳng định quyết tâm của Phú Yên không để trường hợp nào bị thiếu đói, không có nhà ở hoặc ở tạm bợ trong dịp Tết trở thành hiện thực cho những người dân đã khó khăn quá nhiều trong những ngày nước lũ.

Phú Yên là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai năm 2009. Cơn bão số 11 đổ bổ vào tỉnh ngày 2-11-2009, tiếp ngay sau đó là trận lũ lịch sử đã gây thiệt hại chưa từng có cho Phú Yên. 80 người chết, 97 người bị thương, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 2.700 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng, rất nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng gây thiệt hại vật chất hơn 3.000 tỉ đồng cho toàn tỉnh.

Nơi rốn lũ Phú Yên và sự hồi sinh kỳ diệu ảnh 1

Những căn nhà bạt tạm thời là chỗ ở cho bà con trong khi chờ nhà mới. Ảnh: Chinhphu.vn

Nếu như cách đây hơn 2 tháng, Vũng Rô, ngổn ngang hoang tàn, đổ nát cùng những chiếc bè nuôi tôm, nuôi cá bị bão đánh tan thì nay, Cảng Vũng Rô nhộn nhịp tàu vào ra. Trên bờ biển, những ngôi nhà hư hỏng đã được sửa chữa lại.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc nói trong niềm xúc động tự hào: Nhịp sống sôi động đang trở lại với vùng đất miền Trung kiên cường này.

Đến những huyện bị thiệt hại nặng do thiên tai như Đồng Xuân, Tuy An, thị xã Sông Cầu màu xanh của những ruộng lạc, ngô, lúa đã gần như phủ kín ruộng đồng từng mênh mang nước lũ.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết ngay sau khi  lũ rút, tỉnh Phú Yên huy động tổng lực khắc phục hậu quả, tổ chức cứu trợ, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, tỉnh đã trích ngân sách gần 5 tỉ đồng để tặng 24.328 suất quà cho các đối tượng là gia đình có công cách mạng, hộ nghèo đặc biệt khó khăn, hộ bị thiệt hại nặng do thiên tai trong toàn tỉnh.

Đi khắp các vùng nông thôn Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu..., đâu đâu cũng thấy không khí rộn ràng, người dân đang háo hức khánh thành nhà mới. Niềm vui, niềm phấn khởi ngời lên trong ánh mắt của những cụ ông, cụ bà, những người nông dân chân lấm tay bùn, những em thơ... vốn đã chịu nhiều gian khổ, đau thương, mất mát khi phải gánh chịu một trận lũ lịch sử tàn khốc trong mùa mưa năm qua.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, của đồng bào cả nước và của tỉnh, đến nay, huyện Đồng Xuân-huyện bị thiệt hại nặng nề nhất do bão lũ đã hoàn thành bàn giao hàng trăm ngôi nhà cho nhân dân có nhà bị sập do bão lũ. 

Hai vợ chồng ông Nguyễn Sạ năm nay 85 tuổi và bà Nguyễn Thị Xiếu 80 tuổi ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vẫn chưa hết bàng hoàng. Đêm ấy (2-11-2009), lũ từ sông Kỳ Lộ tràn qua, may mà nhờ hàng xóm giúp đỡ, ông bà vừa kịp ra khỏi nhà trước khi nhà sập. Bà Xiếu nói: “Ba bốn ngày sau mới về, tiếc của nên ông nhà tôi cứ đi lại như người mất hồn…”.

Nhờ chính quyền địa phương và bà con quan tâm giúp đỡ, đến hôm nay  ông bà đã xây lại được ngôi nhà mới trị giá 60 - 70 triệu đồng. Có nhà mới hai ông bà lại hồ hởi: “Có nhà nước mới làm được đó cháu, bây giờ cả xóm nhà tôi là to nhất đấy, Tết này vui lắm mừng lắm, có lẽ sống thêm được nhiều tuổi nữa”.

Nơi rốn lũ Phú Yên và sự hồi sinh kỳ diệu ảnh 2

Người dân vùng lũ bên căn nhà mới. Ảnh: Chinhphu.vn

Bà Tô Thị Chính ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân ở một mình trong xóm vắng gần sông, nước lũ tràn về, nhà sập, nhờ ghe cứu hộ vớt đi. Nhiều ngày đêm phải tá túc nhà người quen, được sự cưu mang của cộng đồng chòm xóm, nhà bà được xây dựng lại ở một nơi cao ráo hơn.

Nhà khánh thành đúng vào ngày tảo mộ ông bà, có chỗ thờ cúng tổ tiên, có nhà mới để ở, có niềm vui nào hơn thế. Bà con đến chia vui, với chất giọng nhà quê miền Trung, bà Chính phấn khởi: “Tui nói không có ông nào bằng ông nhà nước mình hết, bữa đầu xét cho 12 triệu, mấy bữa sau ổng cho tám triệu nữa, làm nhà xong cũng còn có chút đỉnh mua sắm trong nhà ...”.

Những ai quan tâm đến lũ năm qua ở Phú Yên có lẽ đều biết đến xóm Trường (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) đau thương, tang tóc với  44 nóc nhà bị đổ sập, 18 người chết, 56 hộ dân bỗng chốc trắng tay phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Cả cuộc đời gây dựng, phút chốc họ trở nên trắng tay.

Sau lũ, huyện Đồng Xuân quy hoạch cho xóm Trường một khu tái định cư dưới chân núi Hòn Chinh, cách xa xóm cũ chừng 1km. Mỗi hộ được nhận 300m2 đất để xây dựng nhà.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, mặt bằng khu tái định cư triển khai không kịp thời, bà con nhận đất xong đã đến ngày cận Tết nên không ai kịp xây nhà. Nhưng với sự hỗ trợ của lực lượng đoàn thanh niên, Cơ quan quân sự tỉnh, huyện Đồng Xuân, 44 căn nhà bạt được dựng lên trên một khu đất rộng rãi, thoáng mát.

Trước Tết, huyện Đồng Xuân cũng đã hoàn thành hệ thống nước sinh hoạt, kịp thời phục vụ cho đời sống và công việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới của bà con.

Ngày 31-1-2010, Điện lực Phú Yên cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống lưới điện mới xây dựng khu tái định cư xóm Trường. Công trình có kinh phí đầu tư 670 triệu đồng. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai xây dựng xong đường giao thông nội bộ dài 1.100m ở khu vực xóm Trường mới bằng bê tông xi măng. Công trình sẽ hoàn thành vào ngày 27 Tết.

Bà Nguyễn Thị Tiếp - 85 tuổi, một người dân ở xóm Trường cho biết: “Cũng nhờ quan tâm của xã huyện và bà con nếu không chúng tôi không biết phải sống bằng cách nào, bây giờ còn khó nhưng đã có nhà, có đất cũng tạm ổn, ra Tết ngày dài tháng rộng rồi tính sau...”.

Ông Nguyễn Hoàng Sinh - Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân khẳng định: “Bất cứ giá nào chúng tôi cũng không để bà con thiếu thốn trong dịp Tết, họ đã mất mát quá nhiều nên phải tập trung ưu tiên giúp đỡ là trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp”.

Tại vùng lũ Phú Yên có đến hàng ngàn ngôi nhà như thế cũng vừa được xây dựng xong, kịp đón Tết, nhà thấp nhất vài ba mươi triệu, nhiều nhà có giá trị đến vài trăm triệu đồng. Nếu như cách đây ba tháng cảnh nhà sập, đổ nát sau lũ là phổ biến, thì những ngày này dân vùng lũ Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu nhà mới mọc lên như nấm, càng gần đến Tết không khí càng rộn, đó là một điều ngoài sức tưởng tượng của ngay cả những người trong cuộc.

Ông Nguyễn Phụng Ngoạn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: “Riêng huyện Tuy An có đến 98% số nhà sập trong lũ được xây dựng lại trước Tết, chỉ một vài nhà do yếu tố khách quan như chưa được tuổi, hoặc nhà có người chết họ kiêng kỵ chưa xây thôi…”.   

Dù vẫn còn đó những khó khăn, mất mát quá lớn do cơn lũ kinh hoàng gây ra, nhưng từ sự trợ giúp của cả cộng đồng xã hội, Tết này người dân vùng lũ Phú Yên đón xuân trong niềm vui có ngôi nhà mới kiên cố hay trong những căn nhà bạt ấm áp tình quân dân.

Ông Vũ Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên - cho biết, trong 1.777 ngôi nhà sập hoàn toàn từ 70%-100% do lũ, đến nay đã được hỗ trợ xây dựng lại 1.394 nhà kiên cố. Không kể nguồn hỗ trợ từ các tổ chức cá nhân, mỗi hộ nhà bị sập hoàn toàn được tỉnh cấp hỗ trợ 20 triệu đồng. Ngoài việc ưu tiên xây dựng nhà ở cho bà con vùng lũ, còn có hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà xóa nhà tạm, nhà đại đoàn kết đã được khánh thành kịp cho bà con đón Tết vui Xuân.


Theo Bình An (Chinhphu.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm