Nói và nghĩ

Tôi quên mất tác giả câu nói nhưng nó đã in đậm vào trí óc tôi và tôi đã lấy nó làm một phương châm cho mình trong đời và trong nghề. Nghĩ và nói, đối với một cá nhân, trước hết là tự do, là triệt để với mình, là đẩy tới tận cùng điều mình đang quan tâm, đang dằn vặt, trăn trở, đang tìm một cách nghĩ và một cách nói. Tôi làm nghiên cứu phê bình văn học, điều này rất cần thiết và quan trọng. Trước một hiện tượng tác giả và tác phẩm, tôi phải có suy nghĩ độc lập của mình, không về hùa theo dư luận và đám đông. Khi đã có ý kiến riêng, quan điểm riêng, tư tưởng riêng thì anh phải tin chắc vào lập luận của mình và tự tin khi nói ra cái riêng ấy.

Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến trước đây đã khái quát làm phê bình, nghiên cứu văn chương là phải tìm ra được vấn đề đích đáng, tìm thấy được ý kiến đích đáng và tìm cách nói ra được vấn đề đó, ý kiến đó một cách đích đáng. Nhưng đâu chỉ trong văn chương. Trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, dám nghĩ điều mình nói và dám nói điều mình nghĩ là một yêu cầu bắt buộc đối với giới trí thức và không chỉ là trí thức. Anh nói ra điều đó là anh chịu trách nhiệm điều mình nói và anh tin vào sự cọ xát của những ý kiến, quan điểm khác nhau, tất cả đều cùng một điểm xuất phát từ trí tuệ và đến với trí tuệ.

Tôi không biết nguyên bản câu nói tôi đọc được nhưng nó có từ “dám”, nghĩa là nó chỉ chung ở mọi chế độ xã hội, con người có ý nghĩ thật và nói ra cái thật đó là con người phải có lòng dũng cảm, phải thành thực với mình và với người, phải chấp nhận thách thức đối kháng từ dư luận chung và những ý kiến trái chiều. Nhưng không nói lên không được và không nói được thì không nghĩ được. Ở đây tôi lại nhớ tới một câu nói rất đậm tính chất dân chủ của văn hào Pháp Voltaire: “Tôi hoàn toàn đối lập với quan điểm của anh, nhưng tôi sẵn sàng chiến đấu đến chết để bảo vệ cho anh quyền được nói lên quan điểm ấy”. Cái từ chủ chốt của câu này là từ “quyền”. Anh có quyền nói quan điểm của anh và tôi cũng có quyền đó của mình. Không ai có thể bác bỏ, tước đoạt được quyền đó của chúng ta. Đó là quyền chung của mọi công dân ở một xã hội dân chủ, pháp quyền. Anh đã nghĩ thì anh phải nói ra và tôi sẽ căn cứ vào điều anh nói ra đó mà tranh luận, biện bác trên tinh thần truy cầu chân lý và sự thật, phụng sự cho một mục đích chung của xã hội. Các tư tưởng, quan niệm khác nhau là một lẽ tất nhiên vì mỗi con người là khác nhau về tất cả các mặt. Các tư tưởng, quan niệm tranh biện nhau cũng là tất nhiên vì mỗi sự vật, hiện tượng được soi chiếu từ nhiều góc độ khác nhau. Nhưng một xã hội có điều kiện cho mọi ý kiến được phát biểu thẳng thắn, trung thực, được cọ xát với nhau khách quan, công bằng, xã hội đó càng có thêm cơ hội để phát triển và sửa chữa mình.

Liên quan tới nói và nghĩ, tôi lại cũng nhớ tới một câu trên lịch đọc được một ngày nào đó: “Người điên không phải là người mất lý trí, mà là người mất tất cả trừ lý trí”. Tôi đã vận dụng câu này khi đọc thơ Hàn Mặc Tử. Và tôi cũng dùng câu đó khi nhìn một số hiện tượng trong đời sống xã hội diễn ra quanh mình. Mới hay, lý trí là cái công cụ duy nhất của con người giúp nó biết điên và biết tỉnh để nhận biết mình trong quá trình khẳng định mình với tư cách công dân và con người.

Tôi biết ơn những nhà làm lịch đã có công sưu tầm, gạn lọc những câu thơ ca, châm ngôn, phát biểu của nhiều danh nhân trong nước và thế giới ghi vào từng năm tháng để mỗi lần bóc đi một tờ lịch tôi được hưởng thêm một phần tri thức nhân loại và củng cố cho mình một cách tư duy, cảm xúc khi sống ở đời. Câu nói: “Nếu anh không dám nói điều mình nghĩ thì sẽ không dám nghĩ điều mình nói” tôi không chỉ giữ cho mình, mà còn nhiều lần truyền lại cho các bạn bè, học sinh. Và từ đó tôi tự bảo phải biết sống như biết nghĩ và biết nói.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm