‘Phải cho dân biết những nghề nào tăng tuổi hưu’

Ngày 2-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể, trong đó có cho ý kiến tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Chính phủ hay Quốc hội quyết định lộ trình tăng tuổi hưu?

Theo dự thảo mới nhất của dự luật, Chính phủ tiếp tục đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu.

Cụ thể, phương án một, từ năm 2021, mỗi năm tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ, để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và của nam là 62 tuổi vào năm 2028.

Phương án hai, Bộ luật Lao động sẽ quy định nguyên tắc tăng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60), từ ngày 1-1-2021. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động khác nhau.

Hai phương án đều quy định việc tăng tuổi hưu thực hiện đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường. Với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá năm tuổi so với quy định.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án một đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể trong luật về lộ trình cho từng năm để thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu và xác định được thời điểm hoàn thành.

Tuy nhiên, việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau trong thị trường lao động rất đa dạng hiện nay là chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh, trình độ phát triển của ngành và nghề lao động Việt Nam. Nên sẽ có tác động khác nhau và có thể gây ra sự phức tạp, hệ lụy cần phải được cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, nhất là trong bối cảnh chưa tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận người lao động.

Đối với phương án hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để Chính phủ có thời gian khảo sát, đánh giá kỹ, có bước đi điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp, không nhất thiết phải giống nhau giữa các nhóm lao động rất đa dạng.

Tuy nhiên, phương án này chỉ ghi chung về tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định.

Ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đắk Lắk, đóng góp ý kiến tại buổi họp. Ảnh: HOÀNG HẢI

“Cử tri hỏi tôi cũng băn khoăn”

Góp ý, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng đồng tình phương án hai. Tuy nhiên, ông đề nghị cần nghiên cứu một số ngành, nghề được nghỉ hưu sớm, đặc biệt tạo điều kiện nghỉ hưu linh hoạt cho lao động nữ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, lưu ý trong bối cảnh chúng ta chưa thể gia tăng công nghệ mới, chưa tăng năng suất được, trong một số khu vực, bộ phận vẫn phải chấp nhận câu chuyện làm thêm. 

Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng đề nghị tới đây phải sửa cả Luật BHXH theo hướng người lao động được hưởng lương trả chậm chứ không phải bằng bao cấp của người khác hay của ngân sách như hiện nay.

Trong khi đó, ông Trương Anh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, lại tán thành phương án một. Đồng thời, ông đề nghị cần chú ý trong công tác tuyên truyền, để người dân rõ được thế nào là “trong điều kiện lao động bình thường”.

“Người dân cần được biết những ngành, nghề nào áp dụng quy định nghỉ hưu sớm (năm năm). Đồng thời, phải để mỗi đại biểu Quốc hội, cơ quan có liên quan khi người lao động hỏi là trong điều kiện của tôi bao nhiêu tuổi nghỉ hưu thì có thể trả lời được. Như hiện nay, người ta hỏi công việc của tôi có được nghỉ hưu sớm không thì tôi cũng băn khoăn…” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Liên quan đến giờ làm việc trong tuần, ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng hiện nay khu vực hành chính làm việc 40 giờ/tuần, còn khu vực doanh nghiệp làm việc 48 giờ/tuần là bất bình đẳng. Không thể để khu vực doanh nghiệp làm việc quần quật còn khu vực hành chính nhàn nhã.

Theo đó, ông nhất trí với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước đây là giảm giờ làm việc khu vực kinh doanh, sản xuất xuống 44 giờ/tuần.

Trong khi đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng nêu lại con số trước đây hay nói 30% cán bộ, công chức không cần thiết trong bộ máy và cho rằng nếu để người thì phải tăng giờ làm việc chứ không thể để như bây giờ. “Tôi thấy nhiều người cứ hưởng lương mà không làm việc, nhiều cán bộ nhàn nhã quá, thiếu trách nhiệm, trong khi đó chúng ta lại đi kéo dài thời gian làm việc của những người chân lấm tay bùn, của những người mồ hôi dưới đổ lên, mồ hôi trên đổ xuống” - đại biểu Nhưỡng nói.

Hai đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động chưa được đưa vào dự luật

Thời gian vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề xuất tăng ba ngày nghỉ trong năm (dịp Quốc khánh và ngày Gia đình Việt Nam) và giảm thời gian làm việc trong tuần từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Tuy nhiên, dự luật mới nhất giữ nguyên số ngày nghỉ trong năm và thời gian làm việc trong tuần.

Kỳ họp thứ 8 tới đây Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc mở rộng khung thỏa thuận thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ, làm thêm giờ trong năm, việc tăng tuổi nghỉ hưu… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm