Thông tin tiếp vụ NLĐ ở xưởng may đen kêu cứu: Cảnh sát Nga kiểm tra, trục xuất

Thông tin người lao động (NLĐ) ở xưởng may đen kêu cứu về tình trạng bị ngược đãi, ngày làm việc trên 14 tiếng, nhiều tháng liền không có lương, ăn uống kham khổ báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong nhiều số báo trước đây.

Ta bảo hợp pháp, Nga buộc trục xuất

Sau khi báo đăng, Cục Quản lý Lao động đã có công văn phản hồi trong đó khẳng định “Công ty May và Giày da Vinastar (Liên bang Nga) do bà Trần Kim Dung làm tổng giám đốc là công ty có đầy đủ tư cách pháp nhân tiếp nhận lao động ngoài nước, trong đó có lao động Việt Nam… Hầu hết lao động Việt Nam tại công ty đều được làm thủ tục cư trú và làm việc hợp pháp”. Tuy nhiên, thông tin mới nhất ngày 3-8, trao đổi qua điện thoại, NLĐ tại xưởng may Vinastar cho biết sáng 1 và 2-8, cảnh sát và đại diện cơ quan di trú Moscow (Nga) đã khám xét xưởng may Vinastar. Qua lời khai của công nhân, cơ quan chức năng Nga đã phân loại và đưa 25 NLĐ gồm 22 người cư trú trái phép trên lãnh thổ Nga cùng ba người không có giấy tờ tùy thân đến tòa để nhận lệnh trục xuất. Số NLĐ này được phía Nga mua vé máy bay cho về nước.

Thông tin tiếp vụ NLĐ ở xưởng may đen kêu cứu: Cảnh sát Nga kiểm tra, trục xuất ảnh 1

Bữa ăn kham khổ tại xưởng may Vinastar. (Ảnh do người lao động cung cấp)

Công văn Cục Quản lý Lao động có nhiều đoạn cho rằng vụ việc do một số người khống chế, kích động công nhân. Tuy nhiên, thực tế đa số NLĐ tại đây đã kiên trì đấu tranh đòi được giải thoát ra khỏi xưởng may đen này và trở về nước. Ngày 3-8, NLĐ ở Nga cũng cho biết sau khi phân loại cảnh sát Nga đã phóng thích khỏi nhà máy theo nguyện vọng cho 46 NLĐ khác vẫn còn thời hạn lưu trú. Đại sứ quán Việt Nam tại Nga thuê xe chở số NLĐ này về Moscow lưu trú trong một khách sạn từ tối 2-8. “Đại sứ quán nói với chúng em họ đang lo các thủ tục và mua vé máy bay để đưa toàn bộ về Việt Nam. Nếu không đủ vé họ sẽ chia từng nhóm để đưa về. Dự kiến sớm nhất thứ Bảy ngày 11-8 chúng em sẽ về Việt Nam” - nguồn tin nói.

Sẽ xem xét trách nhiệm

Ngày 3-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về diễn biến mới nhất tại Nga, Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, khẳng định: Trong thời gian qua, Bộ đã cử cán bộ sang phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tích cực giải quyết vụ tranh chấp lao động tại đây. Tuy nhiên, giữa thông tin của NLĐ phản ánh và thực tế diễn biến vẫn còn cự ly nên chưa thể giải quyết dứt điểm. Vì vậy, khi cơ quan chức năng Nga vào cuộc, quan điểm của Bộ là phải giải quyết dứt điểm để đưa lao động về Việt Nam.

Theo đó, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng để giải quyết. Các doanh nghiệp đưa lao động ra ngoài nước làm việc và doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm trong vấn đề đưa lao động về Việt Nam.

Cũng theo ông Hòa, trước khi vào TP.HCM công tác, ông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ gấp rút vào cuộc. Ông cũng lưu ý Bộ và cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm, sai phạm của NLĐ và doanh nghiệp đưa lao động ra ngoài nước làm việc. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa đánh giá trong thời gian qua báo Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều thông tin về các hoạt động đưa lao động đi làm việc ngoài nước và thông tin về thị trường lao động ngoài nước nói riêng và tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nói chung. Ông mong muốn thời gian tới báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục hợp tác cùng Bộ để thông tin, tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến NLĐ.

Cần giữ thể diện lao động Việt Nam

Đơn vị đưa lao động không cung cấp thông tin đầy đủ và vi phạm các nội dung trong hợp đồng lao động thì phải chịu trách nhiệm đưa lao động về Việt Nam. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc thể hiện vai trò quản lý lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động ngoài nước đầy đủ và điều quan trọng là giữ thể diện hình ảnh lao động Việt Nam.

Ông BÙI SỸ LỢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

__________________________________

Ngày 18-5, nhiều gia đình NLĐ gửi đơn cầu cứu đến báo Pháp Luật TP.HCM và các cơ quan chức năng tố cáo việc con em bị lừa đưa sang Nga lao động khổ sai, mỗi ngày làm việc từ 12 đến 14 giờ, không có lương, ăn uống kham khổ, bị nhốt trong xưởng may.

Ngày 24-5, cô Nguyễn Duy Thanh Nhân là người đầu tiên được “giải thoát” khỏi xưởng may Vinastar về Việt Nam.

Tháng 6-2012, Nguyễn Anh Tuấn (Thái Nguyên) bị bệnh xin về nước, chủ yêu cầu phải bồi thường 2.500 USD. Anh vay mượn nộp 1.000 USD, số còn lại 1.500 USD vợ anh phải ở lại làm trả nợ.

Trước đó, chị Nguyễn Thị Thược (Thái Bình) sau ba tháng làm việc tại xưởng may Vinastar bị ho ra máu, sụt 15 kg (từ 57 xuống 42 kg) nhưng vẫn phải đi làm. Chồng chị phải bán nhà nộp 1.000 USD mới được về. Gia đình chị Trần Thị Tuyền (Thái Bình) gồm hai vợ chồng chị và em chồng cùng làm xưởng may Vinastar. Chồng chị xin cho vợ về, chủ đòi bồi thường 4.500 USD. Gia đình chạy được 2.000 USD, chồng chị phải ký nhận số nợ 2.500 USD.

Sáng 25-5, các gia đình người lao động, chính quyền xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã có buổi đối thoại với đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội (HICC1), đơn vị đưa lao động sang xưởng may Vinastar làm việc, để yêu cầu HICC1 đưa con em họ về nước.

Ngày 28-5, đại diện 40 gia đình có con em làm việc tại xưởng may Vinastar đã gửi đơn cầu cứu đến Bộ Ngoại giao.

Ngày 29-5, ông Nguyễn Hùng Anh, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đến xưởng may Vinastar đối thoại với các công nhân và đại diện công ty.

Ngày 19-6, hai nữ công nhân quê Hà Tĩnh phải bỏ ra 1.400 USD (Vinastar gọi là tiền nhân khẩu) để được về nước.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm