TP.HCM: Nhiều giải pháp khi F0 tăng trở lại

Chiều 25-11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.

Đưa nhân viên y tế đến nơi có F0 tăng

Tại cuộc họp báo, trả lời về câu hỏi liên quan đến các giải pháp khi F0 tăng trở lại, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho rằng đây là diễn biến đã lường trước khi TP mở cửa. Mặc dù ngành y tế TP.HCM đã có nhiều biện pháp kiểm soát dịch nhưng số ca mắc COVID-19 vẫn có sự gia tăng nhẹ.

Trong ba ngày gần nhất, số ca mắc dao động trên 1.500 ca, cụ thể ngày 23-11 có 1.594 ca, ngày 24-11 có 1.582 ca và ngày 25-11 có 1.666 ca. Dự kiến trong những ngày tới còn nhích lên nữa. Theo bà, số F0 gia tăng, kéo theo tỉ lệ tử vong cũng gia tăng, chủ yếu ở người trên 65 tuổi có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine.

Do vậy, bà Mai cho biết Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP chiến lược y tế cũng như thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19; quy chế phối hợp quản lý F0 tại nhà và tại các địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức. Sở Y tế cũng đã có hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các trường hợp F0 tại nhà, ban hành hướng dẫn về chăm sóc F0 cụ thể trong tình hình mới, đặc biệt là hướng dẫn sử dụng các túi thuốc A, B và C.

Cùng với đó, Sở Y tế TP.HCM cũng phối hợp với các sở, ngành giám sát các hoạt động tại trạm y tế lưu động. “Sở Y tế đã thành lập tám group Zalo phân theo từng khu vực quận, huyện và TP Thủ Đức, trong đó có các lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM trao đổi thường xuyên về hoạt động chuyên môn, cũng như việc điều chuyển bệnh để hỗ trợ tốt nhất cho người dân, đặc biệt là F0 điều trị tại nhà” - bà Mai nói.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng thành lập 10 tổ kiểm tra các hoạt động phòng chống dịch tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để kiểm tra các trạm, nắm bắt sớm các tình hình và xử lý kịp thời nhu cầu người dân. Đồng thời củng cố lại đường dây nóng 1022; tái lập hệ thống mạng lưới thầy thuốc đồng hành, từ đó có thể hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà cũng như F0 đang được thu dung tại các bệnh viện (BV).

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã có văn bản chấn chỉnh những BV không tiếp nhận bệnh nhân, không đáp ứng được nhu cầu người bệnh, các hệ thống khu vực, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Đặc biệt, bà Mai cho biết Sở Y tế TP.HCM cũng điều động, tăng cường nhân viên y tế đến các BV dã chiến đa tầng, trạm y tế lưu động ở khu vực có F0 gia tăng như huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh…

Nhân viên trạm y tế lưu động thăm khám, xét nghiệm cho FO điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các BV dã chiến sẽ không quá tải

Tại buổi họp báo, PV cũng đặt câu hỏi về việc các BV dã chiến hiện nay vừa điều trị các bệnh lý thông thường lẫn bệnh nhân COVID-19 thì có dẫn đến quá tải hay không?

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định các BV sẽ không quá tải. Bởi vì trường hợp bệnh nhân có bệnh lý thông thường nhưng đến BV dã chiến gần nơi ở cũng sẽ được tiếp nhận. Sau đó, người bệnh sẽ được chuyển đến BV có chức năng chữa trị phù hợp cho bệnh nhân. 

Nhiều F0 chưa tiếp cận được trạm y tế địa phương

Trả lời về câu hỏi liên quan đến việc nếu không phát hiện, quản lý F0 trong 24 giờ thì TP.HCM phải xử lý ra sao, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết việc phát hiện, quản lý F0 trong 24 giờ nằm trong quy trình, chủ trương của ngành y tế.

“Các trường hợp F0 sau khi được tiếp nhận sẽ được chăm sóc tốt, hạn chế lây lan” - ông Tâm nói và thừa nhận vẫn có trường hợp không được tiếp nhận đúng trong thời gian này.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, khẳng định quan điểm của TP.HCM khi bất cứ ai phát hiện mình là F0 cần nhanh nhất tiếp cận được trạm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động. Việc tiếp cận này nhằm giúp F0 được hướng dẫn cụ thể và được nhận túi thuốc và tư vấn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Theo ông Hải, số liệu những ngày gần đây cho thấy TP.HCM hiện đang có khoảng 57.000 F0 điều trị tại nhà. “Có thể do lực lượng còn ít, trong khi số lượng F0 đông như thế nên chưa tiếp cận được trạm y tế địa phương; hoặc do điện thoại trục trặc nên không tiếp cận nhanh được” - ông Hải nói và cho biết TP đang nỗ lực để giúp số F0 này được tiếp cận với trạm y tế, trạm y tế lưu động.

Trong thời gian tới, ông Hải cho biết TP.HCM đang có giải pháp tăng cường nhân lực cho trạm y tế lưu động và trạm y tế phường, xã; đưa lực lượng quân y, dân quân trực cùng nhân viên trạm y tế lưu động nhằm giúp người dân tiếp cận trạm y tế một cách nhanh nhất.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Đánh giá cấp độ dịch qua số ca nhập viện, nặng, tử vong

Sáng 25-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về sơ kết điều trị COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chủ trì hội nghị với điểm cầu 63 tỉnh, TP.

Phát biểu mở đầu, ông Sơn thông tin trong ngày 25-11, Việt Nam sẽ nhận thêm 1 triệu liều thuốc điều trị COVID-19 (thuốc kháng virus Avigan) do Nhật Bản gửi tặng.

Ông nhấn mạnh vai trò của các loại thuốc điều trị COVID-19, theo đó suốt quá trình chống dịch, nhất là trong đợt dịch thứ tư, có thời điểm số ca tử vong do COVID-19 ở mức ba con số liên tục trong một tháng, song đến nay số ca tử vong đã có những lúc giảm xuống dưới ba con số.

Thứ trưởng đánh giá đây là đóng góp to lớn của ngành y tế, một phần nhờ vào tác dụng của thuốc Molnupiravir và tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Sắp tới, tiêu chí số ca mắc mới trên 100.000 dân/tuần không còn quan trọng, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn chú trọng đánh giá cấp độ dịch qua số liệu ca nhập viện, ca bệnh nặng và tử vong. Bên cạnh đó, tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương cũng được chú trọng để đánh giá tình hình dịch bệnh. HÀ PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm