Ông bảo lớp tướng già như ông đến bây giờ vẫn còn nhiều trăn trở về cuộc chiến giữ từng tấc đất Tây Nam chống lại bè lũ Pol Pot. Cuộc chiến chính nghĩa này đã để hao tổn nhiều máu xương và nhiều bài học đắt giá.
Năm 1977, tướng Phong được đề bạt làm tham mưu trưởng Quân đoàn 4. Thời điểm này thủ lĩnh Khơme Đỏ bắt đầu âm mưu lấn chiếm biên giới, tổ chức tập kích, bắn phá vào làng mạc, sát hại nhân dân dọc biên giới Tây Nam.
Quân tình nguyện Việt Nam cùng các lực lượng cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng Phnom Pênh trưa ngày 7-1-1979 - Ảnh: Harish & Julie Mehta
Vị tướng già chiêm nghiệm, suốt chiều dài lịch sử, chúng ta đối đầu với nhiều kẻ thù hùng mạnh và luôn giành chiến thắng, nhưng với tập đoàn Pol Pot để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần cảnh giác.
Trong tình cảnh phên dậu tổ quốc lâm nguy chúng ta đã làm gì? Ông kể tiếp lúc đó Pol Pot xua 19 sư đoàn ra sát bên giới Tây Nam. Chúng ta cũng huy động các lực lượng chủ lực gồm Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4, Quân khu 5,… để hành động đáp trả, bảo vệ chính nghĩa của mình trước sự xâm chiếm biên giới, tàn sát dân lành Nam Bộ. “Tuy thế đến khi bạn đề nghị thì ta mới hành động mới hợp lý, và chúng ta đã tấn công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh ngày 7-1-1979”, tướng Phong nói chắc nịch.
Trung tướng Lê Nam Phong thuật lại, giai đoạn đầu quân ta chỉ đánh trả quân xâm lược trên lãnh thổ của ta. Thế nhưng, Pol Pot được thế làm tới buộc ta phải tiến công đánh đuối sang hẳn biên giới. Bộ Tổng tham mưu thành lập Bộ chỉ huy tiền phương để trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến biên giới Tây Nam.
Ông nhớ lại trong cuộc giao ban với chỉ huy các Quân khu, Quân đoàn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lê Trọng Tấn dặn: “Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, ta không còn cách nào khác là kiên quyết phản công và tiến công, đẩy địch qua biên giới. Nếu bọn Pol Pot cố tình tiến hành chiến tranh thì theo yêu cầu của nhân dân cách mạng Campuchia, vì quyền lợi lâu dài của hai dân tộc, ta buộc phải đánh trả trên đất chúng”.
Năm 1978, theo yêu cầu của bạn, quân ta được lệnh mở rộng địa bàn, mở rộng hành lang liên kết các lực lượng nổi dậy ở nhiều nơi, giúp đỡ các lực lượng nổi dậy tạo thế và lực để phát triển.
Quân tình nguyện Việt Nam gắn bó với nhân dân Campuchia. Ảnh tư liệu
Quân đoàn 4 (hay còn gọi là Binh đoàn Cửu Long) được giao nhiệm vụ tiêu diệt sư đoàn 209, kềm sư đoàn 3, phát triển đánh sư đoàn 703 ở Kongpong Trạch, mở hành lang giúp lực lượng nổi dậy. Ông kể tiếp mùa mưa, cuộc chiến trên biên giới Tây Nam cực kỳ khó khăn, vất vả nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường đánh trả quyết liệt. Trên chiến tuyến, quân ta khó thì quân địch cũng khó. Trên toàn chiến trường quân địch hao hụt nghiêm trọng, chúng phải sử dụng dân loại hai đẩy vào lính.
Bộ chỉ huy dự kiến ngày 6-1-1979, ta phải vào được Phnôm Pênh, nhưng hệ thống đường giao thông hư hỏng, xe cơ giới không cơ động được, hạn chế tốc độ tiến quân, các đơn vị cơ giới mỗi ngày chỉ hành quân khoảng 10 km.
Đến sáng 7-1-1979, hàng trăm xe tăng, thiết giáp, vận tải các loại, cùng hàng vạn bộ binh của Binh đoàn Cửu Long vượt sông Mê Kông. Cuộc vượt sông này được tướng Phong đánh giá là hùng mạnh và quy mô nhất của Quân đoàn 4 kể từ khi tham chiến bảo vệ biên giới Tây Nam.
Khoảng 9 giờ sáng 7-1, máy bay trinh sát L-19 của ta báo tin hàng trăm xe kéo pháo, vận tải và xe tăng của địch đang tháo chạy khỏi Phnôm Pênh.
11 giờ ngày 7-1-1979, những đơn vị đầu tiên của ta đã vào đến thủ đô Phôm Pênh.
Đường vào Phôm Pênh trận địa pháo 130 ly, 122 ly, 85 ly đã lên nòng nằm vương vãi. Đạn dược, sung ống các loại nằm ngỗn ngang. Đó là thời điểm lịch sử, đánh dấu sự tan rã, ngày tàn chế độ diệt Pol Pot- Iêng Xari.
Và trong hồi ký “Cuộc đời và chiến trận” của mình, vị tướng già hồi tưởng “Tôi đi trong thành phố vắng lặng, một thành phố “chết” khi ta vào tiếp quản. Đây là lần thứ ba tôi có vinh dự đi tiếp quản thủ đô, mà là thủ đô nước bạn. Trước đó Hà Nội -1954, rồi TP.HCM năm 1975 và nay ngày 7-1-1979 thủ đô Phôm Pênh”
Chia tay, vị tướng già bảo ngót 40 năm sau cuộc chiến, ông chưa có dịp quay lại chiến trường xưa nơi ông một thời chinh chiến, có nhiều ân tình với nhân dân xứ Angkor. Ông cũng bật mí dù có nhiều lời mời theo đoàn sang thăm lại những vùng đất mình đã đi qua chứ chưa chính danh, dù ngày ấy ông là người trực tiếp làm việc với các vị lãnh đạo cầm quyền của chính phủ đương nhiệm, nhưng với ông ân tình với đồng bào Campuchia thì vẫn đậm sâu như thuở đi thực địa chứng kiến những cảnh tàn sát tàn khốc của tập đoàn Pol Pot.
Và cũng vị tướng già, khi khói lửa chiến tranh biên giới Tây Nam vẫn còn chưa hết mùi khét, ông lại được cấp trên điều đồng ra chiến tuyến phía Bắc, tháng 2-1979 với cương vị Tư lệnh Quân đoàn 1. Ông nói dí dỏm “đời mình là một khúc quân hành”.