Rác thải bừa bãi, người dân thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, nếp văn minh còn hạn chế là thực tại dai dẳng ở nhiều đô thị lớn trong cả nước.
Hiện nay, TP.HCM vẫn phải căng mình chống chọi với vấn đề văn minh đô thị xuống cấp nghiêm trọng. Dù rằng quăng ra một bao rác có thể bị xử phạt đến tiền triệu nhưng những người vô ý thức vẫn không ngán ngại. Vì sao lại như vậy?
TP nhếch nhác: Phạt ai, ai phạt?
Dạo quanh một vòng TP, trừ các quận trung tâm đường sá còn sáng sủa, sạch sẽ thì ở những quận/huyện khác, cảnh nhếch nhác vẫn còn nhiều, người xả rác, phóng uế bừa bãi có mặt ở mọi nơi.
Theo ghi nhận của PV, ngay khu vực ngã tư Nguyễn Tri Phương-Nguyễn Trãi (quận 5), dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc, những góc cua đường Phổ Quang (Tân Bình) dù đông đúc người, xe vẫn có những thanh niên, kể cả phụ nữ xem lề đường là nhà vệ sinh công cộng.
Trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình), chỉ cần một cơn gió thổi mạnh là túi nylon, mùi rác rến bốc lên, xộc thẳng vào người đi đường. Dọc tuyến đường CN1, Bình Long (quận Tân Phú) rác chất đống thành ụ, phế liệu, rác thải sinh hoạt lẫn công nghiệp tràn lan. Đường vào khu dân cư thuộc phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) dù có biển cấm đổ rác nhưng dưới chân tấm bảng là một đống rác to. Những nơi tập trung hàng quán thì rác, thức ăn thừa… tắc nghẽn ngay trên miệng cống thoát nước. Nước mưa đọng lại trong những bao rác lâu ngày bốc mùi hôi thối.
Khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP ra đời, mức phạt các hành vi vi phạm về môi trường tăng lên gấp bội, đem đến hy vọng trấn áp hoàn toàn được người thiếu ý thức. Thế nhưng như ông Nguyễn Minh Sơn, Tổ phó Tổ trật tự đô thị phường Bến Nghé (quận 1), từng chia sẻ: Mức phạt cao lại khiến phường gặp khó khăn khi thực hiện, cuối cùng chỉ đành nhắc nhở là chính.
Về lực lượng giám sát để bắt quả tang vi phạm thì hầu hết các quận/huyện đều kêu trời vì không đủ người để thực hiện thường xuyên. Ông Trần Duy Long, Chủ tịch UBND phường Linh Xuân (quận Thủ Đức), chia sẻ thực tế: “Hiện phường chỉ có một người chuyên trách, còn lại phải huy động anh em từ nhiều bộ phận khác, không có lực lượng cố định”. Trong khi đó, phường Hiệp Bình Phước phải lấy nhân lực ở Phòng Quản lý kinh tế phối hợp với công an phường, tận dụng thời gian ngoài giờ để đi kiểm tra thực tế ở các điểm đen trên địa bàn.
Một vướng mắc lớn nữa là với các hành vi xả rác bừa bãi, tiểu tiện nơi công cộng… khi cán bộ lập biên bản vi phạm không có gì để tạm giữ, cũng không thể phạt tiền trực tiếp vì vướng thẩm quyền. Chính vì thế, tình trạng xấu xí này vẫn tiếp tục tồn tại bởi phạt ai, ai phạt bây giờ?
Người dân vô tư xả rác, phóng uế và những đống rác ngay dưới biển cấm nhan nhản khắp nơi. Ảnh trong bài: HTD - VH - KC
Sự trợ lực của công nghệ
Để giảm tải cho lực lượng giám sát trực tiếp, mới đây Sở TN&MT TP.HCM đã kiến nghị UBND TP cho phép các quận/huyện sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera để làm căn cứ phạt nguội người vi phạm.
Vì còn khá mới nên phương pháp này chưa thu được kết quả cao. Đại diện phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) cho biết: “Áp dụng theo dõi qua camera, tình hình người dân xả rác có giảm nhưng không đáng kể. Họ biết cách đối phó bằng cách che kín mặt, đội nón, chạy xe tới rồi đi ngay. Nhiều trường hợp biết rõ người vi phạm nhưng không phạt được vì trong hình ảnh camera không thuyết phục 100%. Chưa kể với người vãng lai, việc truy tìm qua nhân dạng, biển số xe rất mất thời gian và không đơn giản”.
Chủ tịch UBND phường Linh Xuân lạc quan hơn, ông nhận định: “Phạt nguội qua camera là ý tưởng hay nhưng cần hơn nữa là sự mạnh tay từ phía chính quyền và sự hợp tác của người dân. Người dân phải có ý thức hơn, mạnh dạn báo tin thì chính quyền mới chủ động xử lý được”.
Việc gắn camera tỏ rõ hiệu quả ở những điểm đen cố định, do đó các địa phương cần ưu tiên bố trí máy theo trọng điểm rồi mới lan tỏa trên diện rộng. Ông Huỳnh Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phú (quận 9), khẳng định: “Phường đã tăng cường lắp đặt camera ở những điểm đen vứt rác trộm của người dân để đảm bảo an ninh. Đây cũng như là công cụ để răn đe hiệu quả với hành vi này. Nếu các nơi cùng đồng loạt triển khai, tin rằng nạn xả rác sẽ giảm hẳn”.
Song song đó, một số quận/huyện như quận 8, quận 9, Bình Thạnh, Nhà Bè, Hóc Môn, Tân Phú… đã xây dựng xong phần mềm quản lý trật tự đô thị, áp dụng trên điện thoại thông minh. Người dân chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại là có thể phản ánh ngay các vấn đề về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trực tiếp đến cơ quan hữu quan, thông tin của người phản ánh đều được bảo mật. Đây được xem là một công cụ hữu hiệu, nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng.
Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, phản ánh của người dân sẽ được các tổ tiếp nhận thông tin từng cấp xử lý, giải quyết trong 24 giờ. “Qua việc này, tình hình trật tự, vệ sinh trên địa bàn quận chuyển biến đáng kể. Phần mềm này mang lại hiệu quả cao vì người dân đã chủ động hưởng ứng, mạnh dạn báo tin cho chính quyền” - ông Tuấn Anh chia sẻ.
Dù hiện nay việc báo tin vi phạm quả tang còn hạn chế nhưng khi các phần mềm được nâng cấp tiện ích hơn, người dân đã quen dùng thì đây sẽ là một trong những nguồn tin báo thực tế, sát sao nhất từ quần chúng cho cơ quan chức năng.