Bàn luận xung quanh việc người đồng tính xâm hại trẻ em, một số ý kiến nhận định không dễ xử lý vì luật thiếu quy định (xem thêm bài trên Pháp Luật TP.HCM ngày 30-3). Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn có thể xử được.
Chỉ vướng ở một số tội
Trong xã hội phát triển như hiện nay, hiện tượng đồng tính nữ dụ dỗ trẻ em gái cũng như đồng tính nam dụ dỗ trẻ em trai không phải cá biệt, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, không ít ý kiến bảo việc xử lý rất khó vì bị vướng luật! Vì theo từ điển thì “giao hợp hay giao cấu thường chỉ hành vi đưa bộ phận sinh dục nam vào trong bộ phận sinh dục nữ”.
Một số chuyên gia cũng muốn định nghĩa lại khái niệm “giao cấu” cho “dễ xử lý” đối với một số trường hợp mà thực chất không phải là “giao cấu” như “Giao cấu được hiểu là việc đưa bộ phận sinh dục của người này chủ động tác động vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể người kia, không phân biệt là đồng giới hay khác giới. Như vậy, nếu một người chủ động sử dụng bộ phận sinh dục của mình để “quan hệ” với người khác (không nhất thiết phải là hai bộ phận sinh dục với nhau) thì là giao cấu”. Nếu theo cách định nghĩa này thì “giao cấu” thực chất là “quan hệ tình dục”.
Từ đó họ đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng điều chỉnh quy định và định nghĩa về “giao cấu”. Thay vì quy định “giao cấu” thì đổi thành “quan hệ tình dục” như đã nêu trên thì mới có thể xử lý nghiêm, đủ sức răn đe với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Tuy nhiên, đối với các tội như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em… mới cần phải định nghĩa thế nào là “giao cấu”. Thực tiễn xét xử đối với loại tội phạm này chỉ vướng ở trường hợp chủ thể là nam “giao cấu” với nam, nữ giao cấu với nữ.
Xử lý về tội dâm ô…
Nếu mở rộng khái niệm “giao cấu” đồng nghĩa với “quan hệ tình dục” thì không chỉ trái với lý luận mà sẽ dẫn đến tùy tiện trong việc phân biệt tội hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em… với các tội xâm phạm tình dục trẻ em. Không nên vì muốn trừng trị mà cố tình làm méo mó một khái niệm đã được cả thế giới thừa nhận!
Thực tế thì hành vi xâm phạm tình dục trẻ em đâu chỉ có hành vi phạm tội hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em… mà còn có cả hành vi khác như hành vi “dâm ô”.
Hành vi dâm ô được thể hiện như sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.
Như vậy, hành vi dụ dỗ trẻ em gái hay trẻ em trai để thỏa mãn dục vọng vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự được chứ không phải khó xử lý hay vướng luật. Vấn đề là cơ quan điều tra cần phải chứng minh những người đã dụ dỗ các trẻ em đó có hành vi “dâm ô” hay không. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Hình sự, chỉ người nào đã thành niên (đủ 18 tuổi) không phân biệt nam nữ mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em mới là chủ thể của tội dâm ô đối với trẻ em. Còn đối với người chưa đủ 18 tuổi thì chỉ có thể xử lý bằng biện pháp hành chính.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao
Bị phạt tù đến 12 năm Theo quy định của Bộ luật Hình sự, phạm tội dâm ô đối với một trẻ em thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 116, có khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù. Nếu thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội nhiều lần; đối với nhiều trẻ em; đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm thì có thể bị xử phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến 12 năm. |