Mở rộng Tân Sơn Nhất: Giải pháp nào tối ưu? - Bài 3

‘Xây thêm sân đỗ, nhà ga phía Bắc’

Vấn đề chính của một sân bay nội đô như Tân Sơn Nhất (TSN) không phải là kỹ thuật mà là kinh tế và môi trường. Xem xét những điều này, tôi không đồng tình với việc mở đường băng mới để tăng công suất sân bay lên gấp đôi, gấp ba hiện nay. Thay vào đó, cần đầu tư thêm nhà ga, sân đỗ.

Không xây đường băng thứ ba

Tôi tin các chuyên gia khi đưa ra phương án xây thêm đường băng mới trên phần đất sân golf đã phải có những tính toán kỹ thuật cẩn thận. Họ còn phải nghiên cứu cả việc điều phối luồng tuyến bay, đảm bảo an toàn bay khi có ba đường băng cùng hoạt động.

Tuy nhiên, theo tôi vấn đề chính của TSN không phải là kỹ thuật mà là kinh tế và môi trường. Việc mở thêm đường băng, tăng công suất của một sân bay nội đô lên quá mức sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường về lâu dài. Lâu nay tiếng ồn và khí thải ra từ động cơ của máy bay đang là những tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến khu dân cư xung quanh sân bay. Việc tăng công suất TSN sẽ làm gia tăng hơn nữa các tác nhân gây ô nhiễm môi trường TP.

Cùng với ô nhiễm, ùn tắc giao thông cũng là vấn nạn liên quan đến môi trường sống. Với công suất hiện nay, giao thông khu vực quanh sân bay TSN đã bão hòa. Vào giờ cao điểm, hàng chục ngàn phương tiện chôn chân tại chỗ trên đường Trường Sơn, Cộng Hòa… thải vào không khí một lượng lớn khói, bụi. Nếu tăng công suất TSN lên gấp đôi thì điều gì sẽ xảy ra?

Riêng về yếu tố kinh tế, việc làm đường băng mới sẽ tốn chi phí rất lớn. Đồng thời việc kết nối giao thông khi tăng công suất của TSN sẽ rất tốn kém bởi kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ rất cao, gấp hàng chục lần kinh phí xây đường. Ngoài ra, việc tăng công suất sân bay TSN còn tạo thêm sức hút người dân nhập cư vào TP.HCM. Điều này không những làm gia tăng sức ép dân số mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về nhà ở, y tế, giáo dục, an ninh xã hội

Sân bay TSN đang quá tải nhưng TS-KTS Võ Kim Cương đề nghị không nên nâng công suất lên vì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Ảnh: HỒNG TRÂM

Thêm nhà ga quốc nội ở khu đất sân golf

Như phân tích ở trên, tôi nghĩ là không nên nâng công suất sân bay bằng việc mở đường băng. Thay vào đó, chúng ta nên đầu tư xây dựng nhà ga, sân đỗ để giảm bớt áp lực của TSN trong thời gian này.

Được biết theo quy hoạch của Bộ GTVT thì công suất của sân bay TSN đến năm 2025 là 25 triệu khách/năm. Tuy nhiên, con số thực tế đã vượt quá mức quy hoạch (năm 2016 là 32 triệu khách và dự kiến năm 2017 là 36 triệu khách). Vì vậy, TSN nên được đầu tư thêm bãi đỗ, nhà ga để giải quyết tình trạng quá tải trong thời gian chờ sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Theo tôi, phần đất sân golf nên được thu hồi để xây dựng nhà ga hành khách. Chúng ta có thể xây thêm nhà ga quốc nội ở đây để giảm bớt áp lực tại khu vực nhà ga hiện hữu. Đồng thời mở các cửa ra/vào từ đường Tân Sơn, Quang Trung để người dân có thể dễ dàng di chuyển vào nhà ga mới. Cùng đó nên đầu tư, mở rộng đường Quang Trung để kết nối dễ dàng đến khu vực nhà ga mới.

Lùi một bước, tiến hai bước

Tôi cho rằng trong tương lai TSN chỉ nên hoạt động ở mức năng suất tối đa là 35 triệu khách/năm (đã quá mức quy hoạch của Bộ GTVT). Trong thời gian tới, chúng ta nên tạm thời giảm nhu cầu bay để chờ Long Thành.

Cụ thể, nhu cầu bay của người dân chỉ mới tăng đột biến trong vài năm gần đây bởi sự phát triển của hàng không giá rẻ. Đây là một biểu hiện của phát triển không bền vững ở nước ta khi chưa đảm bảo đủ hạ tầng đã kích thích quá mức nhu cầu tiêu dùng.

Theo tôi, có thể điều tiết bớt lưu lượng từ hàng không qua đường sắt bằng các giải pháp. Dẫu biết việc đi lại thuận tiện là nhu cầu chính đáng của người dân nhưng với hoàn cảnh hạ tầng đang khó khăn như hiện nay thì nên cân nhắc việc tạm giảm bớt lượng hành khách đi lại bằng hàng không. Đây là giải pháp lùi một bước tiến hai bước.

Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp của các ngành hàng không, đường sắt, đường bộ để cùng ban hành các chính sách, biện pháp kích thích người dân chuyển đổi phương tiện, giảm nhu cầu bay.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành. Trong lúc Nhà nước đang gặp khó khăn về nguồn vốn, tôi đề xuất nên vận động người dân cũng hỗ trợ xây dựng sân bay. Ví dụ, người dân có đất sẽ góp vốn bằng đất vào dự án hoặc cho Nhà nước nợ tiền bồi thường một số năm. Nhà nước chỉ cần trả trước cho họ số tiền bằng lợi nhuận họ thu được trên đất hoặc bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng. Phải chú trọng thu hút nguồn vốn tư nhân để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, thay vì chỉ sử dụng ngân sách nhà nước.

TRÂM ANH ghi

2.000 tỉ đồng để cải tạo TSN

Trong báo cáo sẽ trình đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 28-6, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVC) dự kiến sẽ dành 2.000 tỉ đồng để đầu tư cho dự án mở rộng sân đỗ máy bay rộng 21 ha và nhà ga hành khách quốc tế của sân bay TSN. Trong năm 2017, ACV sẽ triển khai sáu dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng với tổng đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng.

ACV cũng sẽ đầu tư lớn cho việc mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ tại sân bay Phú Quốc nhằm nâng công suất phục vụ tại đây lên 5 triệu khách/năm, xây dựng nhà khách VIP tại sân bay Đà Nẵng để phục vụ APEC…

Hiện nay, ACV đang độc quyền kinh doanh, quản lý và vận hành 22 cảng hàng không quốc tế và quốc nội trong cả nước, với 65% doanh thu đến từ bán hàng miễn thuế tại các sân bay.

Tại đại hội lần này, ACV dự kiến bầu bổ sung một thành viên HĐQT là ông Lại Xuân Thanh, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Nguyên Hùng sẽ nghỉ hưu theo chế độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm