Mở rộng Tân Sơn Nhất: Giải pháp nào tối ưu? - Bài 2

‘Mở về hướng Bắc, dự phòng đường băng mới’

Đã có ba phương án được đề xuất nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), đó là mở rộng về phía Bắc, mở rộng về phía Nam và xây thêm đường băng mới (xem thêm trên Pháp Luật TP.HCMngày 20-6). Tuy nhiên, dù có làm đường băng thứ ba hay không thì tôi cho rằng phải mở rộng sân bay về phía Bắc.

Mở rộng về phía Nam sẽ rất tốn kém

Tôi đánh giá phương án xây hai nhà ga T3, T4 trên phần đất 21 ha do Bộ Quốc phòng vừa bàn giao (nằm ở phía Tây sân bay TSN - PV) để nâng năng suất sân bay là chưa ổn về quy hoạch đô thị. Nếu nhà ga đặt ở vị trí này thì các đường Cộng Hòa, Trường Chinh vốn đã kẹt xe thường xuyên sẽ rơi vào cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng hơn.

Việc làm nhà ga T3, T4 cùng phía với nhà ga T1, T2 nối ra đường Hoàng Hoa Thám (tức mở rộng về hướng Nam) sẽ rất tốn kém và không hiệu quả. Bởi vì chúng ta sẽ tốn chi phí lớn cho việc giải tỏa đường Hoàng Hoa Thám để kết nối giao thông. Bên cạnh đó, để giải tỏa ách tắc giao thông, trong tương lai cũng phải nghĩ đến việc mở rộng đường Cộng Hòa từ quốc lộ 1A (nút giao An Sương) cho đến nút giao Lăng Cha Cả.

Xây nhà ga mới trên đất sân golf

Như vậy, nhà ga mới phù hợp phải nằm ở vị trí sân golf hiện nay (phía Bắc sân bay - PV) và thiết kế các nhà ống để hành khách từ nhà ga có thể đi bộ thẳng ra máy bay, không cần phải bố trí xe buýt trung chuyển. Kèm theo đó là mở thêm cổng kết nối sân bay với bên ngoài tại các đường Tân Sơn, Quang Trung.

Giải pháp này rất có lợi bởi theo thống kê thì lượng khách ra/vào sân bay lớn nhất từ phía Bắc chứ không phải phía Nam. Khi đó hành khách từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, Bình Dương, Bình Phước có thể theo quốc lộ 1 để ra/vào sân bay thông qua các đường Tân Sơn, Quang Trung. Nhà ga mới ở vị trí vừa nêu còn giúp giảm tải đáng kể cho đường Trường Sơn - lối vào sân bay duy nhất hiện nay.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện quá tải nên việc cải tạo, mở rộng là rất cần thiết. Ảnh: TRUNG THANH

Như vậy, việc mở rộng TSN về hướng Bắc rất cần thiết vì sẽ đáp ứng được hai yếu tố: Kết nối giao thông đô thị và hiệu quả kinh tế.

Sẽ có ý kiến cho rằng xây nhà ga ở sân golf thì khoảng cách giữa các nhà ga cũ và mới xa hơn so với đặt ở phía Tây, không thuận lợi cho việc đi lại của hành khách. Tuy nhiên, đây là vấn đề đơn giản bởi hoàn toàn có thể kết nối các nhà ga bằng phương tiện công cộng. Nhiều sân bay trên thế giới đã làm như thế. Nếu có tiền thì làm đường ngầm dưới các đường băng, nếu không thì làm đường kết nối trên mặt đất. Hiện nay, trong sân bay Tân Sơn Nhất có một đường công vụ chạy ven tường rào, gần như vòng quanh sân bay thừa sức bố trí cho xe buýt chở khách qua lại giữa các nhà ga.

Dự phòng một đường băng mới

Là nhà quy hoạch đô thị, tôi cho rằng sân bay Long Thành vẫn là chiến lược tương lai tốt cho sự phát triển của TP. Tuy nhiên, chúng ta phải có phương án dự phòng trong điều kiện chưa có sân bay Long Thành. Ngoài việc mở rộng sân bay về phía Bắc, giải pháp xây dựng đường băng mới ở TSN vẫn nên được tính toán đến. Có thể bây giờ không xây ngay nhưng chúng ta phải lập quy hoạch đường băng số ba để dành đó, chờ thời điểm thích hợp.

Một vấn đề quan trọng nữa là hơn chục năm trở lại đây, khi bàn về giải pháp mở rộng hoặc cải tạo TSN, người ta thường chỉ nhìn vào sân bay thôi và quên một điều rất quan trọng là khu đô thị xung quanh. Trong khi lẽ ra quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị phải song hành với nhau. Mọi giải pháp cải tạo, mở rộng hay xây mới sân bay đều phải tính toán đến hiệu quả kết nối với đô thị như thế nào. Đáng tiếc rằng ở Việt Nam hiện chưa hề có “quy hoạch đô thị sân bay” nào và đây là điều phải khắc phục càng sớm càng tốt.

Tôi đề xuất lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và TP.HCM nên cùng ngồi lại bàn bạc phương án cải tạo sân bay TSN. Cần lắng nghe các ý kiến góp ý từ các chuyên gia, người dân. Việc thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm (trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ giao thông) đưa ra phương án mở rộng sân bay; tổ chức lại giao thông trong sân bay và giao thông đô thị ở khu vực quanh sân bay là hết sức cần thiết. Yêu cầu đặt ra phải rất cụ thể, đó là giảm tải hiệu quả cho TSN; khu vực trong và xung quanh sân bay không kẹt xe, không ngập lụt.

TRÂM ANH ghi

Bốn vấn đề chính khi mở rộng TSN

- Quy hoạch sân bay phải song hành với quy hoạch đô thị xung quanh, nếu không sẽ có lúc tắc nghẽn giao thông làm tê liệt hoạt động sân bay, thậm chí gián tiếp gây ra tai nạn hàng không.

- Cho dù có làm đường băng thứ ba hay không, vẫn cần phải gấp rút xây nhà ga phía Bắc và kết nối ra các đường Tân Sơn - Quang Trung - quốc lộ 1A và tuyến đường vành đai sân bay hai chiều.

- Đường băng thứ ba chưa cần xây ngay nhưng phải có sự tính toán, chuẩn bị trước cho tương lai. Khi cần thiết buộc phải xây dựng thì vẫn có thể làm được nhưng không phải đập bỏ các công trình nhà ga và đường lăn đã xây trước đó.

- Xây dựng sân bay Long Thành vẫn cần thiết cho chiến lược phát triển dài hạn, giúp giảm tải cho TSN. Khi lập kế hoạch tài chính xây dựng sân bay Long Thành thì phải tính toán cả kinh phí cho hạ tầng kết nối, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho khu lân cận sân bay.

____________________________

Kỳ tới: TS-KTS Võ Kim Cương: Không tăng năng suất TSN, đẩy nhanh xây dựng Long Thành

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm