Bên hành lang QH sáng 13-6, nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nhận định quyết định của Thủ tướng sau cuộc họp chiều 12-6 về việc khẩn trương nghiên cứu làm thêm đường băng số 3 tại sân bay Tân Sơn Nhất thể hiện cách nhìn toàn diện, vừa đáp ứng được yêu cầu bức xúc của xã hội, đồng thời hướng tới giải pháp căn bản, lâu dài.
. Bức xúc về sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là câu chuyện về tình trạng tắc nghẽn giao thông mà còn liên quan đến sân golf bên cạnh sân bay, nằm trên phần diện tích quốc phòng. Ông bình luận như thế nào về câu chuyện những sân golf mọc trên đất quốc phòng như ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hay cả ở sân bay Gia Lâm (Hà Nội)?
+ Hiện nay có những cách giải thích khác nhau và chúng tôi là người tham gia giám sát thì phải nghe từ nhiều phía. Hơn nữa, những cơ quan có trách nhiệm phải lên tiếng cuối cùng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói rằng sẵn sàng giao đất nếu có lệnh của cấp trên. Còn mỗi người có quyền đưa ra những phương án khác nhau để khai thác tốt nhất không gian sân bay. Nhưng còn lợi ích đặt giữa lợi ích chung và lợi ích riêng là một bài toán lớn hơn và những cơ quan có trách nhiệm cao hơn phải tính.
Nhưng giải pháp cụ thể là như thế nào? Tại sao một người có trách nhiệm như bộ trưởng Bộ GTVT lại nói rằng khai thác khu vực phía Bắc không thích hợp với quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Câu hỏi đó phải được trả lời bằng khoa học. Những phản biện của xã hội chúng ta đã lắng nghe và phải có tiếng nói cuối cùng của cơ quan có trách nhiệm.
Cho nên giải pháp của Thủ tướng rất đáng hoan nghênh. Đó là cho thẩm định độc lập, kể cả thẩm định nước ngoài. Thẩm định nước ngoài không bị ràng buộc bởi bất cứ lợi ích nào cả. Họ nói tiếng nói khách quan nhất làm cơ sở cho những người lãnh đạo có quyết định cuối cùng. Tôi cho rằng đó là bước đi tích cực.
ĐBQH Dương Trung Quốc trả lời báo chí sáng 13-6.
. Có ý kiến cho rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bằng 157 ha sân golf, đồng thời cho xây dựng sân bay Long Thành sẽ đặt một gánh nặng quá lớn lên ngân sách nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
+ Tôi chú ý tới chỉ thị của Thủ tướng là chúng ta phải tìm mọi cách để nâng cao hiệu quả của sân bay đang có nhưng đừng quên rằng sân bay Long Thành vẫn là một yêu cầu quan trọng. Rõ ràng phải cùng lúc làm hai việc, vừa ứng phó trước mắt vừa ứng phó lâu dài. Nếu không chúng ta cứ nhìn ngắn hạn thì chúng ta sẽ luôn luôn rơi vào thế bị động như thế này. Chắc chắn với sân bay Long Thành nếu chuẩn bị tốt hơn, triển khai sớm hơn thì mọi chuyện sẽ đỡ hơn rất nhiều. Đương nhiên, nó còn phụ thuộc vào yếu tố rất khách quan nữa là nguồn lực của chúng ta.
Trong thời gian đó, chúng ta bắt buộc phải xoay xở với sân bay hiện có. Vậy phải có giải pháp nào đó. Lòng dân là cơ bản. Nhưng lòng dân phải dựa trên cơ sở một giải pháp mang tính khoa học thì mới có hiệu quả cuối cùng.
.Với tư cách là một nhà sử học, ông bình luận như thế nào khi quỹ đất của sân bay Tân Sơn Nhất năm 1975 là 3.600 ha nhưng sau 40 năm chỉ còn 1.500 ha?
+ Đó là kết quả của cả một quá trình lâu dài. Chúng ta không có quy hoạch, không có tư duy dự trữ lâu dài nhưng lại bị ảnh hưởng bởi những nhu cầu của đời sống trước mắt và cái lỏng lẻo trong quản lý.
Liên quan đến câu chuyện Đồng Tâm, tôi cho rằng đã đến lúc phải nhận thức đất quốc phòng là gì. Đất quốc phòng không phải là đất của Bộ Quốc phòng. Đất quốc phòng là đất Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng để thực hiện chức năng quốc phòng.
Câu chuyện liên quan đến Tân Sơn Nhất cách đây 40 năm và đến bây giờ rõ ràng là hệ quả của một quá trình mà bây giờ chúng ta phải chấp nhận nó như một sự đã rồi.
Những vùng đất thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng nhưng hiện giờ không cần thiết cho an ninh quốc gia nữa thì nên quản lý như thế nào? Liệu rằng Bộ Quốc phòng có nên trả lại cho Nhà nước để phục vụ nhu cầu dân sinh hay không?
Điều đó phải là một tính toán lớn. Với câu chuyện này, tôi xin nhắc lại một sự thực. Thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ tại miền Bắc, người dân đã sẵn sàng hy sinh rất nhiều đất đai để xây dựng các bãi pháo, bãi tên lửa. Lẽ ra kết thúc chiến tranh thì trả lại cho dân, để rồi khi có động sự, dân lại đóng góp.
Nhưng ngay sau chiến tranh, nó lại biến thành đất quốc phòng và được sử dụng một cách tùy tiện, biến thành đất ở, phân lô, chia nền... Tự nhiên, nó phản cảm và người dân mất lòng tin. Người ta sẽ đặt câu hỏi là sau này liệu có huy động được không nếu nhìn từ góc độ lòng dân?