200 học sinh tiếp tục đi học nhờ vì nỗi lo sạt lở
Trường phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở (PTDTBT – THCS) Trung Thành được đầu tư xây mới với tổng số tiền gần 14 tỉ đồng. Công trình do UBND huyện Quan Hóa làm chủ đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2020.
Công trình gồm có nhà hiệu bộ, 8 phòng học (2 tầng), 2 phòng học bộ môn, 5 phòng nhà công vụ, 10 phòng bán trú cho học sinh và hệ thống bếp; nhà ăn... nhằm phục vụ cho khoảng 200 học sinh của xã Trung Thành.
Tuy nhiên, khi niềm vui được học tại ngôi trường mới chỉ vẹn vẻn hơn nửa kỳ học của năm học 2020-2021 thì bất ngờ xảy ra hiện tượng sạt lở đã bị rạn nứt, sụt lún, khiến cho toàn bộ học sinh, thầy cô buộc phải chuyển đến nơi học tạm tại Trường Tiểu học Trung Thành.
Công trình hơn 14 tỉ đồng bỏ hoang do mất an toàn vì tình trạng sạt lở, rạn nứt, sụt lún. Ảnh: Đ.TRUNG |
Để bảo vệ an toàn cho học sinh, thầy cô tháng 5-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thực hiện dự án kè chống sạt lở, xây dựng bờ kè dọc sườn đồi để đảm bảo an toàn cho trường với mức đầu tư hơn 36 tỷ đồng.
Chỉ trong khoảng 3 tháng triển khai thì công trình kè cơ bản hoàn thành, thầy và trò Trường PTDTBT - THCS Trung Thành được chuyển về trường để bắt đầu năm học mới 2021 – 2022. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thì vào tháng 7-2022 tình trạng rạn nứt, sụt lún tiếp tục xảy ra.
Nhà trường rào cổng để ngăn trâu bò phá hoại, sau khi ngôi trường bị đóng cửa khi phát hiện sạt lở, rạn nứt núi. Ảnh: Đ. TRUNG |
Đến năm 2022 - 2023 toàn bộ học sinh và giáo viên của trường tiếp tục phải đi học nhờ tại Trường tiểu học Trung Thành.
Theo tìm hiểu của PLO, sau khi phát hiện tình trạng sạt lở, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho huyện Quan Hóa, các ngành chức năng kiểm tra, giám sát, tiếp tục thực hiện các công tác khoan trắc để có phương án xử lý dứt điểm khu vực sạt lở nói trên nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Gần 200 học sinh, thầy cô buộc phải rời bỏ ngôi trường mới vừa xây xong để đi học nhờ tại trường tiểu học của xã Trung Thành. Ảnh: Đ. TRUNG |
Ông Lê Văn Viện, Hiệu trưởng Trường PTDTBT – THCS Trung Thành, chia sẻ: “Việc giảng dạy của nhà trường đang trong giai đoạn rất khó khăn. Hơn một năm qua, việc sạt lở không có diễn biến thêm nên mong các cấp chính quyền cho học sinh quay lại các phòng học một buổi. Riêng đối với học sinh bán trú, cán bộ giáo viên vẫn ăn tạm dưới nhà dân.
Tập thể giáo viên, học sinh mong sớm được trở lại trường để học tập, từ đó nhằm đảm bảo công tác giảng dạy, cũng như tránh tình trạng hư hỏng cơ sở vật chất”, ông Viện nói.
Dãy nhà bán trú dành cho học sinh đang ngày càng xuống cấp do lâu ngày không sử dụng. Ảnh: Đ. TRUNG |
Tỉnh khắc phục sạt lở, sớm đưa HS trở lại trường
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết, 2 năm qua hơn 200 học sinh và cán bộ giáo viên của Trường PTDTBT - THCS Trung Thành tiếp tục phải đi học nhờ, nhưng vào năm học mới 2023-2024 thì rất khó khăn vì thiếu phòng học, thiết bị dạy học trầm trọng.
Theo ông Kim, mặc dù hiện nay nhà trường đã phải dồn hết phòng thiết bị, văn phòng làm việc của giáo viên để có thêm phòng học, các lớp phải ngồi dồn lại với nhau nên khó khăn trong công tác giảng dạy lại càng khó khăn.
Hình ảnh ngôi trường dưới chân núi nơi xảy ra tình trạng sạt lở. Ảnh: Đ. TRUNG |
Hiện nay, chính quyền địa phương đã xin ý kiến UBND huyện xem xét cho học sinh quay lại trường học, tuy nhiên huyện chưa đồng ý và phải tiếp tục theo dõi sạt lở.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, thông tin, tỉnh đang giao các sở, ngành sớm khắc phục triệt để về vấn đề sạt lở để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của người dân.
Kè chống sạt lở, xây dựng bờ kè quy mô hoành tráng nhưng suốt 2 năm qua dường như vẫn chưa được khắc phục cơ bản, vì thế học sinh tiếp tục phải đi học nhờ. Ảnh: Đ. TRUNG |
Ngày 23-8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm, đã có văn bản gửi huyện và các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện công tác quan trắc, hoàn thành báo cáo phương án xử lý trước ngày 15-11. Trước mắt, vào năm học mới việc học tạm vẫn phải thực hiện.
Nhiều người dân địa phương tỏ ra tiếc nuối đối với ngôi trường được đầu tư xây dựng mới nhưng con em học sinh không được học tập vì lo sạt lở đất, nhất là vào mùa mưa. Ảnh: Đ. TRUNG |
"Huyện cũng đã chỉ đạo phòng Giáo dục - Đào tạo tập trung hỗ trợ, ưu tiên thực hiện giải quyết những khó khăn trước mắt tại trường Tiểu học Trung Thành để thầy trò phần nào yên tâm trong công tác dạy và học”, ông Dũng thông tin thêm.
Trước đó vào tháng 7-2022, PLO đưa tin công trình chống sạt lở khẩn cấp nhằm bảo vệ công sở xã Trung Thành và Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Thành (Quan Hóa, Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư 37 tỉ đồng.
Mục tiêu của dự án là khắc phục tình trạng sạt lở, qua đó đảm bảo an toàn lâu dài cho cụm công trình là trường học, công sở của xã Trung Thành.
Tuy nhiên, công trình chống sạt lở khẩn cấp vừa hoàn thành đã nứt toác nhiều nơi đe dọa vùi lấp công sở, trường học bất cứ lúc nào.
Đây là công trình do UBND huyện Quan Hóa làm chủ đầu tư với thời gian thực hiện trong hai năm 2021-2022 và đơn vị được chỉ định thầu thi công là Công ty Sun Việt có trụ sở ở phường Đông Cương, TP Thanh Hóa.