Ngày 2-8, trong giờ làm việc nhưng tại Trường THPT Lê Quý Đôn (phường 4, TP Tân An), một trong những ngôi trường lớn của tỉnh, khu vực thi công xây dựng chỉ có vài công nhân làm cầm chừng, một chiếc xe tải chở đất và một chiếc xe ủi nằm chết gí ở góc sân trường. Cát đá, cây đổ, hố đào đất vung vãi như một bãi chiến trường.
Trường THPT Lê Quý Đôn xây hoài không xong. (Ảnh chụp ngày 2-8) Ảnh: HÙNG ANH
25 dự án trễ hạn
Giáo viên của trường cho biết: “Năm học mới sắp bắt đầu nhưng chủ đầu tư chỉ xây xong khu phòng học chính một trệt, hai lầu. Khu hành chính, phòng bộ môn và sân trường đang thi công dở dang. Những ngày mưa sân trường ngập nước, đi lại rất khó khăn. Tình hình này khó tránh khỏi cảnh thầy trò dạy và học trong cảnh ồn ào, bụi bặm của công trường xây dựng”.
Ông Huỳnh Ngọc Lưu, Giám đốc Ban Quản lý các dự án xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Long An, cho biết Trường Lê Quý Đôn có tổng vốn đầu tư hơn 40 tỉ đồng, khởi công xây dựng năm 2009, theo đúng tiến độ thì đến cuối năm 2010 phải hoàn thành nhưng hiện phải xin gia hạn đến năm 2012. Trong khi đó, ở Trung tâm GDTX tỉnh, sau hai năm xây dựng đến nay mới hoàn thành giai đoạn một nhưng thiếu phòng học trầm trọng, trong khi giai đoạn hai của dự án gồm khu phòng học lý thuyết bốn tầng và hội trường 500 chỗ ngồi chỉ xong phần thiết kế. Tương tự, dự án xây dựng Trường THPT Mộc Hóa cũng mới xong giai đoạn một, giai đoạn hai gồm 24 phòng học vẫn chưa triển khai.
Ông Lưu cho biết tất cả công trình xây dựng trường học có giá trị đầu tư thấp nhất là 15 tỉ đồng, cao nhất là hơn 160 tỉ đồng nhưng muốn biết tổng giá trị đầu tư của những dự án xây trường là bao nhiêu, đến nay thực hiện được bao nhiêu khối lượng công trình thì phải có thời gian tổng hợp vì có đến 25 dự án bị trễ hạn, phải chuyển tiếp vốn nhiều năm, sổ sách rất nhiều.
Cũng vì thiếu vốn
Theo Ban Quản lý các dự án xây dựng tỉnh Long An, tất cả công trình xây dựng trường học đều thuộc dự án nhóm C, thời gian từ khi khởi công đến khi hoàn thành quy định là hai năm nên rất nhiều dự án bị trễ hạn vì… thiếu vốn. Ông Lưu cho biết: “Hiện các công trình mới khởi công như Trường chuyên Long An, Trường Lạc Tấn (huyện Tân Trụ), Trường Mỹ Quý (huyện Đức Huệ)… dự kiến cuối năm 2012 hoàn thành nhưng chúng tôi biết trước là sẽ trễ hạn vì mỗi năm nguồn vốn của tỉnh phân bổ quá ít. Đơn cử, năm 2011, Sở Xây dựng xin tỉnh cấp vốn cho các công trình xây dựng trường học hơn 200 tỉ đồng nhưng tỉnh chỉ phê duyệt 102 tỉ đồng và đến ngày 1-8 mới giải ngân được gần 45 tỉ đồng. Hiện chúng tôi đang trình xin vốn của năm 2012 là 418 tỉ đồng nhưng chưa biết sẽ được giải ngân bao nhiêu”.
Theo lý giải của Ban Quản lý các dự án xây dựng tỉnh, do thiếu vốn đầu tư trong lúc giá nhân công, giá vật liệu xây dựng đều tăng chóng mặt nên các nhà thầu xây cầm chừng là điều khó tránh khỏi. Ông Lưu cho biết theo quy định, lẽ ra phải xem xét năng lực của các nhà thầu ở các dự án trường học bị trễ hạn để có biện pháp xử phạt hoặc cắt hợp đồng thi công nhưng đến nay Sở Xây dựng chưa xử lý nhà thầu nào. Bởi nếu cắt hợp đồng, đấu thầu lại thì chủ đầu tư sẽ phải chịu giá xây dựng mới cao hơn giá cũ và thời gian thi công sẽ tiếp tục kéo dài.
Trong khi Sở Xây dựng tỉnh Long An đang loay hoay với các dự án xây trường học trễ hạn thì Sở GD&ĐT tỉnh Long An dài cổ chờ trường, lớp mới. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An, ông Trần Hoàng Nhân, cho biết trường, lớp xây chậm nhiều năm qua ảnh hưởng rất nhiều đến việc giảng dạy, học tập của thầy cô và học sinh. Trước tình trạng này, Sở GD&ĐT nhiều lần đề nghị chuyển các dự án về cho Sở quản lý nhưng lãnh đạo tỉnh từ chối. “Điều tôi lo ngại là sẽ có nhiều trường, lớp xây xong, bàn giao cho ngành giáo dục nhưng nhiều hạng mục, trang thiết bị không phù hợp với việc giảng dạy, học tập vì ngành xây dựng làm sao biết được cụ thể các nhu cầu về trường, lớp, trang thiết bị của ngành giáo dục” - ông Nhân ưu tư.
Long An hiện có 23 dự án trường học và trường dạy nghề, Trung tâm GDTX sử dụng nguồn vốn xổ số kiến thiết thi công xây dựng, trong đó có ba công trình mới khởi công năm 2011, những công trình còn lại chuyển tiếp từ những năm trước. Trong đó có 18 công trình do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, năm công trình do ngành LĐ-TB&XH làm chủ đầu tư. Ngoài ra còn có tám công trình xây dựng từ nguồn vốn vượt thu ngân sách năm 2010, ba công trình xây dựng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và 10 công trình xây dựng từ vốn xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh (hầu hết đều do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư). (Nguồn: Ban Quản lý các dự án xây dựng tỉnh Long An) |
HÙNG ANH