Ông Nguyễn Văn Th. - xã viên HTX 19-5 đầu tư hai xe buýt từ năm 2004 đến 2007. Đến nay hai xe này đã xuống cấp trầm trọng. Mỗi lần xe chạy là xả khói đen mịt mù, đồng thời nếu xe chạy liên tục là… chết máy giữa chừng.
Chạy xe buýt bèo hơn xe… ôm
Theo ông Th., chi phí đại tu cho mỗi xe vào khoảng 80-100 triệu đồng, trong khi giá trị còn lại chỉ khoảng 150-200 triệu đồng/chiếc. “Tiền đại tu xe quá lớn nhưng giá bán xe thì quá bèo nên đành để vậy chạy được ngày nào hay ngày ấy” - ông Th. nói.
Ông Nguyễn Hùng, chủ ba xe buýt chạy tuyến Bến Thành - Bến xe An Sương, cho biết thêm vào năm 2014 mỗi chuyến xe còn thu được 100.000 đồng. Một ngày chạy 15-16 chuyến là đủ trả tiền công cho lái xe và tiếp viên. Nay khách giảm, tiền trợ giá trên từng chuyến xe cũng giảm, chỉ còn thu được chừng 60.000-70.000 đồng nên chủ xe luôn phải bù thêm. “Một chuyến xe buýt 80 chỗ mà tiền thu về còn thua một cuốc xe ôm (Bến Thành - Bến xe An Sương 90.000-100.000 đồng) thì còn ai dám “ôm buýt” nữa” - ông Hùng than vãn.
Trước việc kiếm tiền từ xe buýt ngày càng khó, nhiều chủ xe muốn giảm chuyến, cắt tuyến nhưng lại không được chấp thuận.
Thực tế này dẫn đến các chủ xe buông luôn chuyện chăm sóc, bảo dưỡng xe. Thực trạng này còn diễn ra ở doanh nghiệp xe buýt lớn nhất TP là Công ty Xe khách Sài Gòn (Sài Gòn buýt). Theo một lãnh đạo của Sài Gòn buýt, số tiền cần để sửa chữa, đại tu cho khoảng 500 đầu xe đã quá 10 năm tuổi không dưới 50 tỉ đồng. “Tiền nhiều nên phải lên kế hoạch sửa chữa lớn rồi trình các cơ quan, ban ngành liên quan. Chờ đến lúc được duyệt thì dàn xe đã nát tanh bành rồi” - vị này nói.
Xe buýt xuống cấp, xả khói đen mịt mù. Ảnh: HTD
Chuyển sang đi xe máy
Theo ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM (nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT), trong sáu tháng đầu năm 2015 chỉ có khoảng 152 triệu lượt người đi xe buýt, giảm 15 triệu so với cùng kỳ. “Hiện hoạt động của xe buýt bắt đầu chựng lại sau thời kỳ phục hồi và phát triển (2003-2013). Giai đoạn 2013-2015 là thời kỳ kém nhất” - ông Tính đánh giá.
Về phía người dân, chị Nguyễn Hằng (quận 4) cho biết trước đây chị thường xuyên đi xe buýt nhưng nay đã chuyển sang đi xe máy. “Từ nhà đi Thủ Đức tôi phải chuyển tuyến hai lần hết 12.000 đồng, cả đi về trong một ngày mất 24.000 đồng. Nhưng cũng với 24.000 đồng đổ xăng cho xe máy thì tôi có thể đi về bốn lượt trong hai ngày” - chị Hằng tính toán.
Còn bạn Huỳnh Kim Thu, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, cho biết thêm hiện nhiều xe đã xuống cấp, những tiếng kêu ọt ẹt không ngớt gây khó chịu cho hành khách, điều hòa không đủ mát… Chưa kể trên xe còn có kẻ xấu móc túi, quấy rối trà trộn nên Thu sợ đi xe buýt.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP, cũng cho rằng mặt đường hiện luôn nêm chặt xe máy nên hành trình của xe các tuyến trên 25 km trước thường chậm dưới 15 phút thì nay là trên một giờ. “Kẹt đường, xe buýt chỉ còn nước bò lết, công việc liên tục bị bê trễ nên tôi đành… bỏ xe buýt” - chị Hằng nói thêm về lý do từ bỏ xe buýt.
Giảm trợ giá, khách bỏ xe buýt Tổng mức trợ giá cho xe buýt trong vài năm gần đây giảm từ 1.400 tỉ đồng/năm xuống còn 1.200 tỉ đồng và dự kiến năm 2015 là 1.000 tỉ đồng. Từ đó, mức trợ giá bình quân cho một hành khách giảm từ 6.000 đồng/người xuống 5.000 đồng rồi 4.000 đồng/người. Do vậy, giá vé xe buýt tăng lên 4.000, 5.000 rồi 6.000 đồng/người. Theo ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, có tuyến hành khách trả đến 10.000-15.000 đồng/vé. Việc tăng giá vé là một lý do khiến người dân bỏ xe buýt chuyển sang đi xe máy. Xương sườn gãy, xương sống… liệt luôn TP đang nỗ lực xây dựng hệ thống metro, monorail, tramway, xe buýt nhanh sức chở lớn (BRT)… để tạo ra xương sống của vận tải hành khách công cộng. Nhưng với việc hệ thống xe buýt ngày càng èo uột, teo tóp, kém sức sống như hiện nay và chưa có định hướng cho phục hồi trong 5-10 năm tới thì khi metro, BRT đi vào hoạt động cũng sẽ không có khách. Vì thế khi xương sườn gãy thì xương sống cũng… liệt luôn! PGS-TS PHẠM XUÂN MAI, khoa Kỹ thuật giao thông |