Xe máy chở hàng cồng kềnh bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 168/2024 quy định phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe có hành vi:
Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh.
Trường hợp, người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh mà gây tai nạn giao thông thì mức phạt sẽ từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người điều khiển xe có hành vi chở hàng cồng kềnh sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng, trường hợp chở hàng cồng kềnh mà gây tai nạn thì mức phạt là từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Quy định về chiều dài, chiều rộng của hàng hóa được xếp trên xe máy năm 2025
Theo khoản 4 Điều 17 Thông tư 39/2024 của Bộ GTVT thì xe mô tô, xe gắn máy: chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Cụ thể:
Điều 33. Người lái xe, người được chở, hàng hóa xếp trên xe mô tô, xe gắn máy
…
5. Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa vượt quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5 mét theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 02 mét.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, xe máy không được xếp hàng hóa vượt quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5 mét theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 02 mét
Quy định chung về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ
Quy định chung về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 13 Thông tư 39/2024 như sau:
- Đơn vị vận tải phải lựa chọn phương tiện phù hợp với kích thước, khối lượng hàng hóa vận chuyển. Hàng hóa được vận chuyển phải phù hợp với kết cấu của khoang chứa hàng và công năng của phương tiện vận chuyển.
- Việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ phải tuân thủ các quy định về khối lượng toàn bộ của xe, tải trọng trục xe, cụm trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa cho phép của xe quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Thông tư 39/2024 và không vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trừ trường hợp được cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ.
- Hàng hóa xếp trên phương tiện phải được xếp đặt gọn gàng, xếp dàn đều, chằng buộc chắc chắn, chèn, lót đảm bảo không bị xê dịch theo các phương ngang, phương dọc và phương thẳng đứng; đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường; không để rơi vãi khi phương tiện tham gia giao thông; không cản trở tầm nhìn của lái xe; không làm mất thăng bằng của phương tiện hoặc gây khó khăn cho lái xe khi điều khiển; không che khuất đèn, biển số đăng ký và các cảnh báo an toàn của phương tiện. Một số trang thiết bị thường dùng để gia cố, chằng buộc, chèn, lót hàng hóa được hướng dẫn tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư 39/2024.
- Đối với các loại hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông, trước khi xếp lên phương tiện phải rút hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa. Phương pháp xếp hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông được hướng dẫn tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 39/2024.
- Việc xếp hàng hóa trên phương tiện đối với các loại hàng hóa đã được đóng gói thành bao, kiện, thùng, cuộn, khối thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Việc xếp các loại hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện thực hiện theo quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và quy định tại Chương này.