Đại lộ Thăng Long là một trong những tuyến cao tốc hiện đại bậc nhất của Hà Nội. Thiết kế tuyến đường này cho phép phương tiện chạy tối đa lên đến 100 km/giờ. Đường cũng được xây dựng gồm hai phần dành riêng cho xe máy và ô tô.
Đi vào cao tốc như… đường làng
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng người dân chạy xe máy thay vì đi đúng phần đường của mình thì lại ngang nhiên chạy vào cao tốc. Mật độ ô tô, xe tải dày đặc, cộng thêm tốc độ các phương tiện rất lớn khi di chuyển trên phần đường này. Nó không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người sử dụng xe máy mà còn khiến các tài xế ô tô không khỏi toát mồ hôi. Bởi một khi xảy ra tai nạn giao thông, các phương tiện sẽ bị vạ lây, trở thành nạn nhân của việc vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Nhằm xử lý tình trạng trên, các đội CSGT số 6, số 11 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nhưng vi phạm vẫn diễn ra hằng ngày.
Ghi nhận chiều 11-8, chỉ trong vòng 30 phút, lực lượng CSGT Đội số 11 đã phát hiện khoảng 20 chiếc xe máy đang “lao như thiêu thân” trên tuyến cao tốc. Đáng ngại, có những trường hợp cả một đoàn 4-5 chiếc nối đuôi nhau vi phạm.
Một chiến sĩ Đội CSGT số 11 cho biết tần suất người dân vi phạm tập trung cao tại các khung giờ cao điểm, khi họ từ ngoại thành vào nội thành đi làm và ngược lại.
Bị dừng xe xử lý, những người này đưa ra đủ các lý do, ví dụ như vội đi đón con, đang đi khám bệnh, đường dành cho xe máy bị tắc… Thậm chí có những ông bố chở theo hai con nhỏ không hề đội mũ bảo hiểm nhưng vẫn bất chấp nguy hiểm lao vun vút trên cao tốc, mặc cho dòng xe tải đang ầm ầm chạy với tốc độ hàng trăm km/giờ.
Xe máy đi vào cao tốc đã quay đầu bỏ chạy khi thấy CSGT. Ảnh: TUYẾN PHAN
Tông CSGT, chạy ngược chiều
Đáng lo ngại, khi phát hiện CSGT, hầu hết những người chạy xe máy lựa chọn cách đối phó thay vì chấp hành bị xử phạt. Trực tiếp chứng kiến quá trình tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút, liên tiếp nhiều hành vi chống đối đã diễn ra.
Điển hình như một nam thanh niên chừng 30 tuổi, dù khoảng cách với CSGT chỉ còn 10 m, người này bất chấp nguy hiểm đã thắng đột ngột, quay đầu xe bỏ chạy. Tiếp đó, mặc cho hai chiến sĩ CSGT chạy ra chặn lại, tài xế vẫn rú ga, lạng lách rồi phóng ngược chiều trên cao tốc.
Hoặc như một thanh niên khác, khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, thay vì chấp hành thì lập tức tăng ga, lao thẳng về phía lực lượng chức năng. Nhận thấy nguy hiểm cho chính bản thân cũng như tài xế, chiến sĩ CSGT buộc phải nhảy sang một bên. Chạy thoát khỏi chốt, người này còn liên tục đánh võng trên đường để “ăn mừng” và thách thức.
Hay như một đôi nam nữ không đội mũ bảo hiểm, mặc dù có tới hai CSGT khóa đầu và đuôi nhưng vẫn liều mình tăng ga về phía cảnh sát, buộc lực lượng chức năng phải tránh vội sang một bên. “Tinh quái” hơn, nhiều tài xế khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe thì chủ động giảm tốc độ nhưng đến gần thì bất ngờ tạt đầu ô tô, đi sát vào mép đường bên trái để tận dụng các phương tiện khác làm “lá chắn”.
Một chiến sĩ Đội CSGT số 11 cho hay do các phương tiện này đang chạy với tốc độ cao, cảnh sát không thể chặn lại bằng mọi giá vì sẽ gây nguy hiểm cho tài xế cũng như chính CSGT.
Ý thức giao thông của người dân còn rất kém Trung tá Phạm Ngọc Xướng, Đội CSGT số 11, cho hay người vi phạm thường xuyên sử dụng “chiêu trò” để đối phó với CSGT. Đơn cử như họ viện lý do vội công chuyện, rút ngắn thời gian di chuyển… để biện hộ cho hành vi vi phạm. Thêm vào đó, khi bị CSGT xử lý, các tài xế sẵn sàng chống đối. Hình thức có thể là quay đầu xe rồi chạy ngược chiều trên cao tốc, phóng nhanh qua chốt, thậm chí là tông thẳng vào lực lượng làm nhiệm vụ. Do tuyến cao tốc chỉ cho phép ô tô chạy và lưu thông với tốc độ cao, việc các phương tiện xe máy ngang nhiên đi vào không khác gì tự sát. Đội thường xuyên cắt cử lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý. “Tuy nhiên, tình trạng không mấy khả quan, bởi ý thức tham gia giao thông của người dân còn rất kém” - Trung tá Phạm Ngọc Xướng cho hay. |