“Vào ngày thường cũng như thứ Bảy, Chủ nhật, trên tuyến tỉnh lộ 10 (còn gọi đường Trần Văn Giàu) luôn có hàng đoàn xe ben chở quá tải lưu thông. Nhộn nhịp nhất là khu vực giao lộ trước cầu Xáng, huyện Bình Chánh” - đó là ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM về tình trạng xe quá tải vẫn tung hoành ở khu vực giáp ranh.
Xe “hổ vồ” tung hoành
Tại vùng giáp ranh TP.HCM - Long An luôn có các dòng xe tải từ hướng huyện Đức Hòa và Đức Huệ, tỉnh Long An đổ về, rẽ phải để sang đường Thanh Niên xuống khu bến sỏi, cát gần chùa Phật Cô đơn “ăn hàng”. Sau khi lên hàng xong, đoàn xe đi về hướng Khu công nghiệp Vĩnh Lộc; sang đường Mai Bá Hương hoặc rẽ trái về lại Đức Hòa, Đức Huệ.
Sáng Chủ nhật 3-8, chúng tôi bắt gặp một đoàn xe ben Howo (xuất xứ Trung Quốc, dân ta quen gọi là xe “hổ vồ”) có hàng chữ Nam Nguyên to đùng ở đầu xe từ hướng đường Thanh Niên đi lên. Khi nhập về, loại xe ben tự đổ ba trục này chỉ được cấp phép chở tối đa 24 tấn, dù với loại thùng nguyên thủy xe chở được đến 30-40 tấn. Tuy nhiên, đoàn xe chúng tôi bắt gặp còn được cơi nới thùng cao thêm 40 cm, phía trên chở đầy đá.
Đoàn xe bấm còi inh ỏi để giành đường vào vòng xoay trước cầu Xáng, qua cầu rồi lao vun vút trên tỉnh lộ 10. Đoạn tỉnh lộ 10 giáp ranh với tỉnh Long An đang thi công, mặt đường lổn nhổn đá dăm, ổ gà. Thế nhưng đoàn xe “hổ vồ” màu xanh Nam Nguyên vẫn lao đi với tốc độ trên 50 km/giờ dù phía trước có cắm biển báo công trường, tốc độ 15 km/giờ. Bỏ lại phía sau những đám bụi tung mù mịt, đoàn xe tiếp tục lao nhanh rồi mất dạng trong các đường nhánh của Khu công nghiệp Đức Hòa, Đức Huệ. “Nhiều lần xe của thanh tra giao thông, CSGT TP.HCM đuổi đến đây cũng phải quay về vì bên kia cầu là đất Long An rồi” - anh Trần Đức, ngụ khu vực này cho biết.
Xe “hổ vồ” màu xanh mang dòng chữ Nam Nguyên của Hamico chạy trên tỉnh lộ 10, giáp ranh tỉnh Long An. Ảnh: L.ĐỨC
Đoàn xe quá tải của ông chủ tịch Hiệp Hội Vận tải hàng hóa TP.HCM tại bến Tân Quy, đường Trần Xuân Soạn, quận 7. Ảnh: L.ĐỨC
Tìm hiểu trên hồ sơ, chúng tôi được biết đây là những chiếc xe của Công ty Cổ phần Thương mại Hamico, mới được đăng ký hồi tháng 5-2014 tại tỉnh Hà Nam. Tiếp cận một số tài xế lái đoàn xe Nam Nguyên, chúng tôi được họ cho biết: “Chúng em mới vào Nam từ tháng 6”.
Cày nát đường trước bến Tân Quy
Bến Tân Quy nằm bên kênh Tẻ thuộc phường Tân Kiểng, quận 7 là bến sông lâu năm, chuyên trung chuyển gạo, phân, các loại nông sản từ miền Tây về để xuống cảng Sài Gòn, Tân Thuận và ngược lại. Dọc theo đường Trần Xuân Soạn và các đường nhánh cận kề trong khoảng 2-3 km là hệ thống kho phục vụ cho việc trung chuyển hàng.
Từ lâu đoạn đường Trần Xuân Soạn dài 2-3 km trước bến Tân Quy luôn bị băm nát vì các đoàn xe quá tải lên xuống hàng mỗi ngày. Từ tháng 4, khi cả nước bắt đầu siết tải trọng, tình hình ở đây vẫn không cải thiện. Hằng ngày vẫn có những đoàn xe tải chất các bao phân, gạo cao gấp đôi thành thùng lên xuống bến, kho. Mỗi khi các xe này ôm cua để rẽ vào các đường Bế Văn Cấm, Lê Văn Lương, các bao gạo, phân chất nghễu nghện trên xe không được ràng cột luôn “sẵn sàng” đổ ụp xuống đường. Rất nhiều người đi xe máy khi thấy đoàn xe này phải tấp vội vào lề, không dám đi tiếp.
Đáng chú ý, trong đoàn xe quá tải hoạt động ở khu vực bến, kho này thì xe của Công ty TNHH Vận tải Thương mại Dịch vụ Vinh Quản chiếm số đông. Theo hồ sơ, Công ty Vinh Quản do ông Bùi Văn Quản làm chủ tịch hội đồng quản trị. Bất ngờ hơn, ông Quản lại chính là chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM. Khi cả nước thực hiện siết tải trọng, chính hiệp hội là nơi hưởng ứng mạnh với nhiều văn bản, lời kêu gọi các đơn vị thành viên chở đúng tải!
Ngại kiểm tra vì “chỗ quen biết”
Nhiều tháng qua, đường Vành đai 2 đoạn từ vòng xoay Cát Lái lên cầu Phú Mỹ được sửa chữa, mở rộng. Tại đây luôn xuất hiện đoàn xe “hổ vồ” màu đỏ, có chữ BMT phía trước và bên cánh cửa, chuyên chở bê tông nhựa nóng. Như đã nêu, loại xe này có tổng tải trọng cho phép chỉ 24 tấn nhưng sức chở lên tới 35-40 tấn. “Do tỉ trọng riêng của bê tông nhựa nóng cao nên qua cân kiểm tra thì đoàn xe này đều chở tới 40-45 tấn, dù hàng chỉ cao bằng thành thùng” - một thanh tra giao thông cho biết.
Tra cứu hồ sơ, chúng tôi được biết đoàn xe “hổ vồ” màu đỏ có chữ BMT là của Công ty Cổ phần Vận tải Bình Minh, 36 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3. Công ty Bình Minh là công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng BMT (Công ty BMT), ở cùng địa chỉ trên. Tra cứu trang web của Công ty BMT, chúng tôi được biết tổng giám đốc Công ty BMT là ông Nguyễn Việt Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT.
Địa bàn, lộ trình hoạt động của đoàn xe “hổ vồ” màu đỏ BMT khá rộng, trải từ miền Đông đến TP.HCM rồi tỏa xuống miền Tây. Ông Lê Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT số 5, khẳng định nếu phát hiện đoàn xe này chở quá tải, lực lượng thanh tra giao thông vẫn phạt như các xe khác. Tuy nhiên, trên thực tế một thanh tra giao thông cho hay: “Nhiều khi biết rõ xe của anh Sơn chở quá tải từ Dầu Giây, Dĩ An về hoặc từ Bến Lức lên nhưng chúng tôi cũng ngại kiểm tra vì dù sao ảnh cũng là lãnh đạo cũ”.
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN
Kiến nghị ngừng nhập xe “hổ vồ” Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tới đây cơ quan đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận hồ sơ thiết kế hoặc xác nhận hồ sơ nhập khẩu với các phương tiện không hợp lý về kích thước, khả năng chịu tải của lốp, sự phân bố khối lượng toàn bộ lên các trục dẫn đến khả năng chở quá tải trục so với quy định. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT tạm dừng cho phép nhập khẩu một số mẫu xe không hợp lý giữa kết cấu thùng và tổng thể xe (điển hình như loại xe Howo). Mục đích nhằm hạn chế tình trạng chủ xe sau khi mua xe chở quá tải cho phép (dù không chất cao, rộng hơn kích thước thùng) hoặc tự ý cơi nới thùng. ________________________________________ Sở GTVT không đủ lực lượng thanh tra viên để kiểm tra xe quá tải ở các cảng nhỏ, bến sông. Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Chúng tôi từng tổ chức đón lõng đoàn xe "hổ vồ" Nam Nguyên ở khu vực giáp ranh. Nhưng khi qua đây, đoàn xe luôn phóng ào ào, vọt nhanh qua bên kia cầu giáp ranh (cầu Kênh Ranh - PV), anh em không sao đuổi kịp. Ông LÂM TRƯỜNG SƠN, Đội trưởng Đội TTGT số 4 |