Sáng 24-10, tại Trại tạm giam Quân khu 3, Tòa án quân sự Quân khu 3 đã xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về quản lý đất đai xảy ra tại khu đất rộng hơn 5 ha ở phường Thành Tô (quận Hải An, TP Hải Phòng) do Sư đoàn 363 quản lý.
Xẻ thịt đất quốc phòng
Trong số năm bị cáo có hai người từng là cán bộ cấp tá gồm cựu đại tá Nguyễn Văn Khuây (64 tuổi, nguyên sư đoàn trưởng) và cựu thượng tá Vũ Duy An (61 tuổi, nguyên chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân). Hai bị cáo khác nguyên là cán bộ nhà nước gồm Đỗ Công Mên (nguyên chủ tịch UBND phường Thành Tô), Nguyễn Phú Doanh (phó phòng thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở TN&MT TP Hải Phòng). Bị cáo còn lại là Phạm Văn Bình (chủ một doanh nghiệp). Hai bị cáo Khuây, Mên được tại ngoại, ba bị cáo còn lại bị tạm giam.
Theo cáo trạng của VKS quân sự Trung ương, từ năm 1996, Sư đoàn 363 được giao quản lý, sử dụng hơn 1 triệu m2 đất vào mục đích quốc phòng tại hai phường Thành Tô và Tràng Cát (quận Hải An). Sư đoàn 363 giao cho Phòng Hậu cần quản lý, khai thác số đất này. Phòng Hậu cần đã thành lập tổ tăng gia do ông Lưu Đức Tài làm tổ trưởng trực tiếp quản lý khu đất.Với ý định chuyển đổi mục đích đất quốc phòng thành đất nhà ở cho cán bộ, từ năm 2004, cựu đại tá Khuây đã có hai báo cáo đề nghị cho khảo sát, lập quy hoạch nhưng Quân chủng Phòng không - Không quân chưa phê duyệt.
Tháng 9-2009, lấy lý do người dân đổ phế thải vào khu Đồng Xá (phường Thành Tô), ông Khuây đã chỉ đạo thượng tá An (chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn 363) cho đo đất, giao cho phường Thành Tô quản lý. Ông An đã chỉ đạo ông Tài phối hợp với một trợ lý tác chiến sư đoàn đi cắm mốc giới khu đất hơn 5 ha.
Có biên bản cắm mốc giới, ông Khuây ký, đóng dấu rồi đưa cho ông Mên (nguyên chủ tịch UBND phường Thành Tô) ký, đóng dấu. Tiếp đó, ông Khuây, ông Mên ký vào bản đồ phân lô.
Ông An ký cho vợ của Phạm Văn Bình thuê 3,3 ha đất làm kho thủy sản với thời hạn 30 năm. Ông Bình đã thuê người đo vẽ bản đồ 3,3 ha đất này rồi đưa cho ông Khuây ký, đóng dấu. Sau khi phun cát, lấy lý do có chồng lấn với khu đất của đơn vị khác nên ông Bình dừng, không thuê 3,3 ha đất nữa, chỉ ký thuê 1,6 ha.
Tuy nhiên, trên diện tích 3,3 ha này, ông Bình cho ông Doanh lập quy hoạch làm sân bóng. Ông Doanh thuê người phun cát, làm đường, sau khi san lấp đã tổ chức bán 16 lô đất, thu hơn 6,4 tỉ đồng.
Ông Bình thuê lắp điện, nước, sau đó khu đất trên được đấu nối điện, nước. Ông Bình thu của các hộ dân lắp điện, nước số tiền hơn 300 triệu đồng (mỗi hộ 14-15 triệu đồng). Ông Bình còn chiếm dụng 300 m2 đất để vợ cho thuê làm xưởng giày, thu hơn 200 triệu đồng...
Nguyên sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Khuây tại phiên tòa. Ảnh: ĐH
Thiệt hại ít nhất 32 tỉ đồng
Khi điều tra vụ án này, cơ quan tố tụng đã khám nghiệm hiện trường, xác định khu đất rộng hơn 5 ha được làm hai đường trục dọc, sáu đường ngang trải nhựa, có vỉa hè. Trên khu đất này đã có 127 căn nhà được xây dựng trái phép.
Theo đại diện VKS quân sự, khu đất quốc phòng bị san lấp, chia lô, thửa xây dựng trái phép không chỉ khiến đất quốc phòng bị chiếm dụng không thu hồi được mà còn gây mất an ninh trật tự. Cạnh đó, tính theo mức giá đất thấp nhất tại khu vực phường Thành Tô thời điểm đó, hành vi “xẻ thịt” 5 ha đất quốc phòng của các bị cáo đã làm thất thoát của Nhà nước ít nhất 32 tỉ đồng.
Do các bị cáo phạm tội ở thời điểm trước khi BLHS 2015 có hiệu lực nên VKS quân sự áp dụng có lợi cho các bị cáo, truy tố các bị cáo theo điểm a khoản 3 Điều 174 BLHS cũ (khung hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù).
Trong vụ án này, CQĐT và VKS quân sự đã tách hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ra để điều tra riêng. Đối với Lưu Đức Tài (tổ trưởng tăng gia Sư đoàn 363), do khi đo mốc không biết việc giao đất trái pháp luật này nên CQĐT và VKS quân sự kết luận chưa đủ căn cứ để xử lý.
Bị cáo khai lãnh đạo quận chỉ đạo không xử lý
Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của VKS quân sự truy tố.
Bị cáo An khai bị cáo ký hợp đồng cho thuê đất là do chỉ huy sư đoàn đồng ý, các văn bản bị cáo ký đều được chỉ huy cho phép. Bị cáo không hưởng lợi. Theo bị cáo, khi bàn giao khu đất cho bên ngoài là bộ phận tham mưu của sư đoàn chứ không phải Phòng Hậu cần.
Bị cáo Mên khai do có các giấy tờ của sư đoàn nên bị cáo tưởng rằng hợp pháp. Bị cáo Mên thừa nhận đã ký hàng chục trích đo các lô đất là sai. Khi phát hiện việc phun cát san lấp, phường ra ngăn chặn nhưng lãnh đạo quận Hải An có chỉ đạo không xử lý để Sư đoàn 363 làm nhà ở cho cán bộ. “Trên tôi còn lãnh đạo quận rồi các phòng chức năng. Chủ tịch, phó chủ tịch quận chỉ đạo bằng miệng như vậy nên chúng tôi thôi” - bị cáo Mên nói.
Theo đại diện VKS quân sự, bị cáo Khuây được giao quản lý đã ký cho thuê trái phép nên giữ vai trò cầm đầu. Đại diện VKS đề nghị tòa xử bị cáo Khuây mức án 42-48 tháng tù. Bị cáo An ký hợp đồng cho thuê đất trái phép, chỉ đạo đi cắm mốc giới, ký phê duyệt bản đồ, trích đo, xác nhận để đấu điện, nước, có vai trò sau bị cáo Khuây, bị đề nghị mức án 36-42 tháng tù. Ba bị cáo Mên, Doanh, Bình có vai trò giúp sức và thực hành tích cực, bị đề nghị mức án 30-36 tháng tù.
HĐXX nhận định các bị cáo đã phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý đất đai như cáo buộc của VKS và tuyên phạt bị cáo Khuây 42 tháng tù, bị cáo An 36 tháng tù, ba bị cáo Mên, Bình, Doanh mỗi người 30 tháng tù. Ngoài ra, HĐXX còn buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Thu hồi tiền do phạm tội mà có Tại phiên tòa, đại diện VKS quân sự đã đề nghị HĐXX thu hồi số tiền 6,4 tỉ đồng là tiền bị cáo Doanh bán đất trái pháp luật. Luật sư của bị cáo Doanh cho rằng số tiền bị cáo bán đất này cần tách ra để có thể giải quyết trong vụ án dân sự khác vì đây là giao dịch giữa bị cáo và người mua. Tuy nhiên, đại diện VKS quân sự khẳng định đây là số tiền các bị cáo phạm tội mà có nên cần phải được thu hồi. |