GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, chuyên gia cao cấp Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia, đề xuất tại buổi hội thảo sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong mới tổ chức ở Cần Thơ.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cũng cho rằng thử thách nước biển dâng và xâm nhập mặn vẫn có thể là cơ hội. Theo đó, chúng ta có thể khai thác những lợi thế mà nó có khả năng mang lại cho cư dân vùng ven biển. Cạnh đó vẫn có các giải pháp khai thác nguồn nước mặn, nước lợ. “Đây có thể xem như một nguồn tài nguyên nước có những lợi thế tiềm năng” - PGS Tuấn nói.
Theo PGS Tuấn, sự mở rộng diện tích đất nhiễm mặn là cơ hội tốt cho đa dạng hóa ngành nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên nghiệp hơn. Riêng vùng ven biển ĐBSCL, các nhà khoa học đã thống kê có đến 260 loài cá và các loài thủy sản có giá trị kinh tế khác. “Hệ sinh thái vùng ven biển ở mặt nào đó có thể bị biến đổi khí hậu tác động tiêu cực nhưng nếu mở rộng diện tích nhiễm mặn với sự quản lý khôn ngoan trong phục hồi rừng thì hơn 98 loài cây rừng ngập mặn, 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và sáu loài lưỡng cư sinh sống chung quanh và dưới những tán rừng ngập mặn vẫn có cơ hội chống chịu và phát triển bền vững” - ông nhấn mạnh.