Xếp hạng đại học (ĐH) toàn cầu không chỉ là để xác định trường nào nhất nhì mà còn là cách để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Việc xếp hạng các trường ĐH trên thế giới hiện nay nhận được sự chấp thuận từ xã hội, và việc có một hệ thống xếp hạng với các tiêu chuẩn rõ ràng sẽ tạo ra sự cạnh tranh đối với các trường ĐH.
Tôi nghĩ rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của xếp hạng ĐH toàn cầu là để đưa ra cho các nhà giáo dục một chuẩn mực nào đó về sự “ưu tú”. Thật vậy, trường nào có thứ hạng cao hơn sẽ là trường ưu tú hơn. Trong công việc đánh giá một trường ĐH, có rất nhiều yếu tố cần được xem xét. Chẳng hạn như các công trình nghiên cứu, số lượng người đoạt giải Nobel, thành tựu của cựu sinh viên…
Xếp hạng hiệu trưởng
Đầu tiên và trên hết, tôi cho rằng vai trò của hiệu trưởng các trường ĐH là tối quan trọng, bởi họ luôn tác động lớn đến phương hướng của trường. Chiều sâu tri thức, sự tao nhã, tầm nhìn và quan trọng nhất, lòng can đảm của người hiệu trưởng là sự phản ánh trực tiếp chất lượng trường ĐH của họ. Trong lịch sử, các trường ĐH lớn luôn được dẫn dắt bới những hiệu trưởng lớn. Tại Bắc Kinh, tháng 8 năm 2004, TS Richard Levin, Hiệu trưởng ĐH Yale, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hiệu trưởng Trung Quốc và quốc tế, đã nói rằng, nếu không có công lao của Hiệu trưởng Charles William Elliot vào khoảng nửa sau thế kỷ 19, Trường ĐH Harvard sẽ không có chỗ đứng ngày hôm nay. Các hiệu trưởng ĐH phải gánh trên vai những trách nhiệm ngày càng nặng nề. Tầm nhìn để biến đổi trường ĐH từ một cổ máy tri thức thuần túy sang một cỗ máy tri thức - kinh tế là một trong những trách nhiệm của cá nhân này.
Nói về điểm này, tôi muốn nhắc đến trường hợp của ĐH Bắc Kinh (PKU). Một trong những hiệu trưởng đầu tiên cua PKU là một người không nổi tiếng lắm ở phương Tây (dù rằng ông đáng được nổi tiếng), tên ông là Cai Yuan Pei. Tôi nghĩ rằng cũng như Elliot của Harvard, PKU sẽ không có ngày hôm nay nếu không được ông Cai Yuan Pei lèo lái từ những ngày đầu. Thật vậy, dưới sự lãnh đạo của ông Cai Yuan Pei, PKU không chỉ trở thành linh hồn của cộng đồng ĐH Trung Quốc, mà còn là một phần của lịch sử và văn hóa Trung Hoa thế kỷ 20. Có hợp lý không khi cho rằng PKU không phải là một ĐH đẳng cấp quốc tế trong khi nó có ảnh hưởng to lớn đến Trung Quốc?
Do đó tôi có thể nói một cách tự tin rằng, nếu người lãnh đạo trường ĐH yếu kém thì trường ĐH đó cũng sẽ như vậy. Vì lý do này, tôi cho rằng một thành phần then chốt của xếp hạng đại học toàn cầu là xếp hạng các hiệu trưởng.
Khả năng cải thiện cuộc sống nhân loại
Có một điều rất rõ ràng: một trường ĐH lớn thì phải sản sinh ra những tên tuổi lớn. Điều này đúng ở Anh Quốc, ở Trung Quốc, ở Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Một trong những lý do cơ bản của sự tồn tại của các trường ĐH là vì chúng có thể, và cần phải, sản sinh ra những công dân có khả năng cải thiện cuộc sống cho nhân loại. Điều này có nghĩa là một trường ĐH lớn phải truyền đạt cho sinh viên của nó tầm nhìn quốc tế và lòng tôn trọng sâu sắc đối với con người và các giá trị nhân văn.
Thật vậy, trường ĐH là nơi thanh niên nam nữ sẽ được khai sáng, theo nghĩa rộng nhất của từ này, chứ không chỉ được giáo dục hay huấn luyện. Trường ĐH cần phải trở thành cái nền nơi họ học cách liên kết những dấu chấm, cho dù các dấu chấm đó có vẻ hoàn toàn không liên quan gì đến nhau. Tạo ra những sinh viên nổi bật như vậy, theo tôi là một đặc điểm chung của các trường ĐH lớn. Do đó, với tư cách là nhà giáo dục, tôi tin rằng, chúng ta nhất thiết phải tìm cách “thống nhất hóa” đánh giá chất lượng sinh viên trên toàn cầu. Tôi biết rằng đây không phải là một việc dễ dàng và có thể cần thời gian để tích hợp dữ liệu.
Trọng trách chưa từng có của giáo dục đại học
Tôi xin phép được kết thúc bằng vài ý về nhiệm vụ của giáo dục ĐH, đặc biệt là đối với các ĐH nghiên cứu, trong thiên niên kỷ mở này.
Dù chỉ mới bước vào thế kỷ 21, chúng ta đã phải đối đầu với những thách thức toàn cầu về kinh tế, tri thức, kỹ thuật, sinh thái cũng như quân sự, và vì vậy, giáo dục ĐH đang mang trọng trách trước đây chưa từng có.
Người Trung Quốc có một từ có thể diễn tả chính xác hoàn cảnh toàn cầu hiện nay, đó là “we-ji”, tức là “ thời cơ nguy hiểm”. Thật vậy, có vô số cơ hội trong việc tìm kiếm giải pháp và các cơ hội làm ăn cho các thử thách toàn cầu phức tạp này. Có người cho rằng kỹ thuật sẽ giải quyết tất cả những vấn đề này. Không đúng như vậy. Để giải quyết những vấn đề tầm vóc quốc tế, cần những con người có suy nghĩ và quan điểm toàn cầu; cần có những sáng tạo và đổi mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Tôi hy vọng mục tiêu cuối cùng của xếp hạng ĐH toàn cầu không chỉ là để xác định trường nào là nhất nhì mà còn là cách để nâng cao chất lượng của các trường ĐH ở mọi nơi trên thế giới.
* Phó hiệu trưởng Nghiên cứu và Giáo dục sau đại học - Đại học Texas ( Dallas, Mỹ)
Theo GS Da Hsuan Feng*(Tạp chí Người Đô Thị)