Theo ông Nguyễn Hòa Bình (Viện trưởng VKSND Tối cao), việc dự thảo BLTTHS sửa đổi ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013. Đó là quy định “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Hạn chế án oan
“Dự thảo BLTTHS sửa đổi quy định suy đoán vô tội là một nguyên tắc tố tụng hình sự cơ bản và khẳng định rõ “mọi hoài nghi về tội của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu chưa được làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì phải xét xử theo hướng có lợi cho họ”” - ông Bình cho biết.
Điểm mới rất tiến bộ nói trên của dự thảo BLTTHS sửa đổi đã được tất cả đại biểu tại phiên họp lần thứ 18 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ủng hộ. Theo nhiều đại biểu, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được nhiều nước trên thế giới ghi nhận và đưa vào luật. Các nước này xem nguyên tắc suy đoán vô tội như “xương sống” của các hoạt động tố tụng hình sự bởi thực tế đã chứng minh là không phải lúc nào bên buộc tội cũng đúng. Vì thế muốn hạn chế được oan sai, tránh kéo dài vụ việc, trả hồ sơ tới lui nhiều lần do khó kết án vì chứng cứ yếu nhưng vẫn muốn buộc tội thì cơ quan tố tụng phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội.
Nếu BLTTHS ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội thì ông Tống Văn Thọ (nguyên giáo viên tiểu học) đã không bị TAND huyện Sông Hinh (Phú Yên) kết án hai năm tù về tội cưỡng dâm dù chưa đủ căn cứ vững chắc. Ảnh: T.LỘC
Hạn chế mớm cung, ép cung, dùng nhục hình
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia pháp lý rất hoan nghênh việc đưa nguyên tắc suy đoán vô tội vào BLTTHS. Theo họ, không chỉ hạn chế được oan sai, tránh kéo dài vụ án mà việc thực thi nguyên tắc này còn giúp hạn chế được chuyện mớm cung, ép cung, bức cung, dùng nhục hình. Bởi lẽ thực tế thời gian qua đã cho thấy có chuyện mớm cung, ép cung, bức cung, dùng nhục hình là do điều tra viên nôn nóng phá án hoặc cứ cố tìm chứng cứ chứng minh cho được bị can, bị cáo đã phạm tội.
“Đây là một nguyên tắc rất tiến bộ” - luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói. Theo ông, một khi nguyên tắc suy đoán vô tội được BLTTHS chính thức ghi nhận thì các cơ quan tố tụng, nhất là cơ quan điều tra và VKS sẽ phải thay đổi thói quen đối xử với nghi can như với người đã bị tòa án kết luận là có tội. Muốn chứng minh tội phạm thì các cơ quan buộc tội sẽ buộc phải nâng cao nghiệp vụ. Tại phiên tòa, nếu không đủ chứng cứ chứng minh bị cáo có tội thì HĐXX sẽ tuyên bị cáo vô tội và trả tự do ngay (trong trường hợp tạm giam) chứ không chỉ trả hồ sơ điều tra bổ sung (sơ thẩm) hoặc hủy án để điều tra, xét xử lại (phúc thẩm).
“Các cơ quan này cũng sẽ phải tạo điều kiện cho nghi can thực hiện quyền bào chữa, gỡ tội cho mình. Như vậy công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta sẽ có một bước tiến rất lớn trong việc đảm bảo hơn quyền con người và quyền công dân” - luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét.
Đừng để nghi can lửng lơ trong vòng tố tụng Tại hội thảo định hướng sửa đổi toàn diện BLTTHS do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại TP Đà Nẵng hồi tháng 12-2014, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đã nhấn mạnh: “BLTTHS sửa đổi cần phải quy định cụ thể rằng khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ thì các cơ quan tố tụng, nhất là tòa án phải tuyên bố là không đủ căn cứ buộc tội. Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại chỉ kéo rê vụ án, kéo dài thân phận pháp lý của người mà không biết có thực sự phạm tội hay không”. |