Xét xử vợ chồng nữ giám đốc ở Vũng Tàu trốn thuế: Đề nghị trả lại 4 con tàu

(PLO)- Các bị cáo thừa nhận hành vi trốn thuế nhưng đề nghị HĐXX xem xét tuyên trả lại 4 con tàu vì bị kê biên không đúng quy định pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-3, liên quan đến vụ xét xử chồng nữ giám đốc ở Vũng Tàu cùng 30 bị cáo hầu tòa vụ trốn thuế, TAND tỉnh Đồng Nai tiến hành nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 1-4.

Trốn thuế hơn 15,2 tỉ đồng.

Theo cáo trạng truy tố, bị cáo Mai Thị Dần cùng chồng là Nguyễn Đức Chuyên thành lập Công ty TNHH Hà Lộc (gọi tắt Công ty Hà Lộc, TP Vũng Tàu) với ngành nghề kinh doanh là mua bán xăng, vận tải xăng, dầu đường biển và đường bộ.

Năm 2018, được sự đồng ý của Dần, Chuyên và Nguyễn Đức Dần (cháu của Chuyên) đã thành lập Công ty Đầu tư thương mại dịch vụ vận tải Hà Anh (gọi tắt Công ty Hà Anh) với mục đích dùng tàu biển tách ra khỏi Công ty Hà Lộc để hoạt động riêng.

Sau đó Đức Dần đã điều động tàu ra biển thuộc vùng biển Việt Nam để mua xăng, dầu từ các tàu (chưa xác định rõ quốc tịch) rồi đem bán ra thị trường Việt Nam.

Trong khoảng thời gian từ ngày 6-7-2020 đến 8-10-2021, Đức Dần đã mua tổng cộng hơn 7,4 triệu lít xăng và hơn 2,1 triệu lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ nhập vào kho xăng, dầu của Công ty Hà Lộc. Các bị cáo đã trốn thuế tổng số tiền hơn 15,2 tỉ đồng.

Tại phiên toà các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Trốn thuế.jpg
Các bị cáo tại toà. Ảnh: VŨ HỘI.

Tuy nhiên tại toà các bị cáo đều khẳng định về việc giữa các bị cáo không có sự bàn bạc, phân chia vai trò. Bị cáo Đức Dần chỉ là xin bị cáo Chuyên và Dần tạo điều kiện cho phép được sử dụng tàu và kho, nhân viên cho việc mua bán xăng không có hóa đơn chứng từ. Vì vậy cáo trạng cho rằng các bị cáo có sự bàn bạc là không chính xác.

“Mọi hoạt động khởi xướng, trực tiếp điều hành hoạt động mua bán xăng dầu không có hóa đơn chứng từ là bị cáo Đức Dần trực tiếp thực hiện, bị cáo không tham gia. Bản thân bị cáo Đức Dần đã thừa nhận”, bị cáo Chuyên trình bày.

Đề nghị HĐXX tuyên trả lại 4 con tàu

Ngoài ra, luật sư bảo vệ cho các bị cáo cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng đang tạm giữ, kê biên đối với 4 tàu biển thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty Hà Anh là không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì quá trình điều tra đã làm rõ, chủ sở hữu hợp pháp đối với 4 tàu biển là Công ty Hà Anh, không phải Chuyên hay cá nhân nào. Do đó, công ty Hà Anh không phải liên quan đến vụ án.

“Đây là vụ án trốn thuế, hành vi phạm tội của các bị cáo được xác định là việc không có hóa đơn chứng từ đối với lượng hàng hóa mua bán để trốn nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Do đó, mặc dù các con tàu này dùng để chở xăng dầu nhưng đây không phải là vật chứng của vụ án. Ngoài ra các bị cáo cũng đã tự nguyện nộp đủ số tiền được xác định là trốn thuế để bồi thường cho ngân sách nhà nước”, luật sư bảo vệ cho bị cáo Chuyên nêu ý kiến.

Do đó, luật sư khẳng định rằng cơ quan tiến hành tố tụng kê biên đối với 4 tàu biển thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty Hà Anh là không đúng quy định pháp luật. Vì vậy kính đề nghị HĐXX xem xét hủy bỏ các lệnh kê biên trả lại 4 con tàu cho công ty Hà Anh.

Trong lời nói sau cùng, các bị cáo mong HĐXX sẽ giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội được tiếp tục lao động. Việc cho các bị cáo được tại ngoại vừa thể hiện tính nhân đạo của pháp luật và cũng giúp cho các bị cáo tiếp tục điều hành công ty, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động và sẽ tiếp tục cống hiến về mọi mặt cho an sinh xã hội.

Hơn nữa, một số bị cáo khác trong vụ án có người còn quá trẻ, có người đã lớn tuổi và bị bệnh, cũng có bị cáo có hoàn cảnh rất khó khăn nuôi con nhỏ và cha mẹ già.

Trước đó, VKS đề nghị bị cáo Nguyễn Đức Dần từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù, Nguyễn Đức Chuyên mức án từ 18-20 tháng tù, Mai Thị Dần mức phạt tiền từ 3-3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các bị cáo khác cũng đã bị đề nghị mức án cao nhất là 20 tháng tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm