Ông Nguyễn Khánh Ngọc cũng đánh giá “mục tiêu ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã bước đầu đạt được”. Theo ông Ngọc, hai mục tiêu quan trọng nhất khi ban hành luật này là “nâng cao hiệu quả và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ” và “khi bị oan sai, người dân cũng hiểu được rằng họ có quyền được bồi thường”.
Một đầu mối giải quyết bồi thường
. Các PV: Thưa ông, trên thực tế việc giải quyết các vụ việc thường kéo dài, gây bức xúc cho người bị thiệt hại. Vậy nguyên nhân chủ yếu là do quy định về trình tự, thủ tục còn rườm rà hay do cơ quan có trách nghiệm giải quyết cố tình kéo dài?
+ Ông Nguyễn Khánh Ngọc: Qua con số 79% vụ việc đã được giải quyết (204/258 vụ) thì có thể nói luật đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, dư luận phản ánh nhiều, đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn, đặc biệt đợt giám sát vừa rồi của Quốc hội cho thấy còn nhiều vụ việc kéo dài gây bức xúc. Nguyên nhân có phần do quy trình, thủ tục, cũng có phần trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường cho người dân. Cả hai vế của vấn đề đều tồn tại: Quy định về quy trình, thủ tục yêu cầu bồi thường khá phức tạp và kéo dài, trong khi một số trường hợp né tránh trách nhiệm rất rõ.
. Nhiều người dân không hài lòng về thái độ của các cơ quan giải quyết bồi thường. Bộ Tư pháp có đề xuất gì để khắc phục, thưa ông?
+ Nếu được mô hình tập trung thì mọi thứ sẽ rất rõ ràng, người dân chỉ phải đến một chỗ khi có yêu cầu đòi bồi thường. Còn như bây giờ Bộ Tư pháp không thể làm gì khác được bởi luật đang đi theo mô hình phân tán, trải rộng cho các cơ quan bộ ngành, địa phương... Nếu không thay đổi mô hình thì rất khó.
. Vậy nên thay đổi như thế nào, thưa ông?
+ Đi theo mô hình một đầu mối sẽ giải quyết hiệu quả hơn quyền được bồi thường của người dân. Đây là ý tưởng đã được Bộ Tư pháp nghiên cứu rất kỹ, có tham khảo cả kinh nghiệm của nước ngoài. Thời gian qua, số lượng Bộ Tư pháp trả lời người dân về việc ông/bà phải đến cơ quan nào đòi bồi thường rất lớn bởi với cơ chế hiện nay, nhiều vụ việc người dân không biết tìm đến đâu cả. Trong trường hợp này, chúng ta thấy rất rõ đây là trách nhiệm Nhà nước, mà Nhà nước chỉ có một. Ông nào là đại diện để giải quyết vấn đề này phải rất rõ, không thể để người dân phải gõ cửa khắp nơi tìm cơ quan giải quyết bồi thường.
Mặt khác, từ thực tiễn chúng tôi cảm nhận được, theo mô hình hiện nay, người dân phải đến cơ quan làm oan, sai cho mình yêu cầu bồi thường. Phải gặp lại người vừa bỏ tù mình thì khó tránh khỏi lo ngại bị bỏ tù lần nữa. Tâm lý rất không thoải mái! Trong lòng họ có khi còn rất thù hận nên thương thuyết cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Thêm vào đó, nhìn từ góc độ các cơ quan nhà nước, công chức ra quyết định sai (dù vô ý hay cố ý), giờ phải ngồi vào vị trí bị đơn cũng không hay, hình ảnh của Nhà nước cũng không hay.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đang trả lời các PV. Ảnh: Đ.MINH
Sẽ sửa quy định về hoàn trả, xin lỗi
. Ông nhận xét gì về con số 676 triệu đồng tiền bồi hoàn của công chức thực thi công vụ sai so với số tiền 111 tỉ đồng Nhà nước phải bỏ ra để bồi thường cho người dân?
+ Thực ra quy định hiện nay của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về xử lý cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm dẫn đến việc Nhà nước phải bồi thường đã có nhưng chưa đầy đủ và cũng chưa đủ mạnh để đạt được mục tiêu mà luật đề ra là nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ.
Báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp đã nêu số tiền bồi thường hơn 111 tỉ đồng nhưng hoàn trả chỉ được mấy trăm triệu đồng - một số lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa khi sửa luật thì quy định bắt hoàn trả 100% bởi như vậy có thể làm cho cán bộ, công chức e ngại phải bồi thường nên không dám đưa ra quyết định đúng. Tôi cho rằng phải xây dựng một mức hoàn trả như thế nào để đủ mức răn đe là điều kiện quan trọng.
Trách nhiệm hoàn trả chỉ là một yếu tố, tôi nghĩ còn rất nhiều biện pháp khác có thể sửa luật để áp dụng mà có khi còn hiệu quả hơn. Chẳng hạn lỗi do vô ý thì phải hiểu rằng năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ yếu kém. Thẩm phán xử sai thì phải có biện pháp như đưa đi học, tạm dừng công tác một thời gian để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nếu không lại để xảy ra vụ việc khác. Đối với một cán bộ, công chức mà phải dừng công tác do lỗi sai phạm để đi học thì có lẽ tính răn đe còn cao hơn là hoàn trả một số tháng lương nhất định.
. Thưa ông, người dân còn rất bức xúc trước việc xin lỗi mang đầy tính hình thức của cơ quan gây ra oan sai. Luật sửa đổi dự kiến điều chỉnh vấn đề này thế nào?
+ Tinh thần chung là sẽ quy định quy trình đầy đủ. Việc xin lỗi phải trang nghiêm, phải thể hiện được sự cầu thị và trách nhiệm của Nhà nước. Còn nếu đúng như báo chí phản ánh vừa rồi là tù oan bao nhiêu năm, xin lỗi chỉ mấy phút thì quá hình thức.
. Xin cám ơn ông.
Có dự toán kinh phí bồi thường Hiện nay đang có một thực tế là từ khi có quyết định giải quyết bồi thường đến khi người bị thiệt hại chính thức nhận được tiền bồi thường là một khoảng cách xa. Chẳng hạn trong vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), báo cáo của Bộ Tư pháp nêu đã giải quyết xong nhưng thực tế ông Phi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, tiền bồi thường lấy từ ngân sách nên phải qua nhiều cấp duyệt. Đây cũng là bài toán phải giải. Một trong những giải pháp mà khi sửa đổi luật, Bộ Tư pháp có tính đến là nên chăng có dự toán để cuối năm quyết toán và chuẩn bị sẵn sàng. Nâng mức hoàn trả cao hơn Mức hoàn trả của người thi hành công vụ theo quy định hiện hành trong một số trường hợp là quá thấp, dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực từ người dân cho rằng Nhà nước dùng tiền đóng thuế của dân để bồi thường cho lỗi của cán bộ, mặt khác nó cũng làm giảm tác dụng răn đe, giáo dục đối với cán bộ, công chức. Tôi đề nghị nên quy định mức hoàn trả cao hơn và có cơ chế cho phép người thi hành công vụ nếu tự nguyện có thể hoàn trả cao hơn mức quy định, thậm chí là hoàn trả 100% chi phí Nhà nước ứng ra để bồi thường cho người bị thiệt hại. Đây là thực tế từng diễn ra ở TP.HCM. Bà NGUYỄN THỊ KIM LIÊN, Trưởng phòng Thi hành pháp luật Sở Tư pháp TP.HCM |