Xin thêm 5.800 tỉ đồng tái định cư sân bay Long Thành

Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định nhà nước về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi, bồi thường, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đây là giai đoạn nghiên cứu khả thi, do vậy các chi phí trong tổng mức đầu tư cần bảo đảm cơ sở pháp lý, phương pháp xác định phù hợp với quy định pháp luật, trong khi đó Báo cáo nghiên cứu khả thi đưa ra khái toán chi phí là không chính xác và không phù hợp quy định.

Hội đồng cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, cắt giảm các chi phí giải phóng mặt bằng không phù hợp, không liên quan đến Dự án; như việc đầu tư thêm một khu tái định cư. Trường hợp địa phương tiếp tục thực hiện khu tái định cư này, đề nghị sử dụng ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần tách phần chi phí giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành và chi phí giải phóng mặt bằng các khu đất khác để có căn cứ xác định nguồn vốn đầu tư dự án.

Theo Hội đồng, nguồn vốn đầu tư dự án được bổ sung từ nhiều nguồn, nhiều phương án, chứ không chỉ từ ngân sách Trung ương. Theo nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi và tình hình thực tế, nguồn vốn cân đối cho dự án rất khó khăn, chưa có cơ sở xác định.

Kiến trúc nhà ga Sân bay Long Thành, Đồng Nai.

Trả lời các ý kiến trên, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng căn cứ các quy định của pháp luật, việc UBND tỉnh Đồng Nai tính khái toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng hạ tầng tái định cư, tái lập hạ tầng ngoài ranh cảng hàng không với tổng mức đầu tư 23.049 tỉ đồng là phù hợp.

UBND tỉnh Đồng Nai lý giải số tiền trên sẽ được phân kỳ đầu tư ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2018, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng phần diện tích 1.165ha (một đường cất hạ cánh và một nhà ga); khu nghĩa trang (20ha) và khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (282,79 ha); xây dựng hạ tầng khu nghĩa trang; xây dựng hạ tầng khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định đời sống người dân; xây dựng tái lập hạ tầng ngoài ranh cảng hàng không. Nguồn vốn cho giai đoạn này là 4.458,2 tỉ đồng. 

Tiếp đó, giai đoạn 2019 sẽ xây dựng tiếp các hạng mục mới với chi phí gần 4.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2020 sẽ xây dựng các hạng mục còn lại với số vốn cần 2462,5 tỉ đồng.

Như vậy, từ năm 2017 - 2020, theo phương án trên, nhu cầu vốn cần thiết tối thiểu để thực hiện dự án là 10.821 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 Quốc hội chỉ mới bố trí được 5.000 tỉ đồng, không đáp ứng đủ nguồn vốn để đầu tư theo tiến độ dự án. Giai đoạn từ năm 2017 -
2019 còn thiếu khoảng 5.821,6 tỉ đồng. 

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành trung ương xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí bổ sung số vốn còn thiếu (5.821,6 tỉ đồng) từ nguồn dự phòng ngân sách năm 2018 và các năm tiếp theo để đảm bảo giai đoạn 2017 - 2020 là 10.821,6 tỉ đồng.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội tiếp tục bố trí vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án (khoảng 12.227,4 tỉ đồng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới