Xóa 'ma trận' giấy phép con cản đường doanh nghiệp: Người khác làm sai, mình lại bị phạt

Xóa “ma trận” giấy phép con cản đường doanh nghiệp - Bài 1

Xóa 'ma trận' giấy phép con cản đường doanh nghiệp: Người khác làm sai, mình lại bị phạt

(PLO)- Việc hàng quá cảnh đang bị đối xử như hàng nhập khẩu tiêu thụ trong nước là chưa hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm mất nhiều cơ hội của Việt Nam.

Trung tuần tháng 7-2023, trước việc một số doanh nghiệp (DN) vận tải hàng quá cảnh bị ách nhiều container ở cửa khẩu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức một tọa đàm giữa đại diện Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VN) để “nói cho hết lẽ”.

Bởi lẽ với vị trí địa lý của VN, ngành logistics cũng như vận chuyển hàng quá cảnh thực sự là một lợi thế rất tốt. Thế nhưng, theo các DN, hiện hàng quá cảnh đang bị đối xử như hàng nhập khẩu tiêu thụ trong nước.

Đi qua từ 3 đến 36 tiếng mà bị ràng buộc quá

Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội Logistics Hà Nội, nói: “Các doanh nhân, thương nhân nước ngoài trả tiền cho DN VN để vận chuyển quá cảnh. Người ta không hiểu tại sao hàng hóa đi qua nước ta từ 3 đến 36 tiếng thôi mà phải chịu mọi ràng buộc pháp luật VN về xuất nhập khẩu”.

Tại cuộc họp do VCCI tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp không ít khó khăn khi vận chuyển hàng quá cảnh. Ảnh: C.LUẬN

Tại cuộc họp do VCCI tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp không ít khó khăn khi vận chuyển hàng quá cảnh. Ảnh: C.LUẬN

Theo ông Nghĩa, tất cả lần kiểm tra hàng hóa quá cảnh, các DN VN chưa vi phạm gì thuộc về quy định giám sát của hải quan, bảo quản đúng niêm phong hàng hóa, khai báo độc lập. Còn lỗi thường xuyên, lặp đi lặp lại là khai sai. Mà khai sai ở đây không phải lỗi của DN VN. Vì đã nhận vận chuyển hàng quá cảnh thì DN đâu có quyền mở container ra để kiểm tra xem người ta khai sai hay đúng. “Nếu xác định đó là vi phạm thì phạt ai? Lẽ ra người vận tải được miễn trách nhiệm đối với hàng vận tải” - ông Nghĩa đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh hàng quá cảnh ASEAN tỉnh Lạng Sơn, kể: “Tôi đã nghe nhiều kêu ca về hàng hóa của chúng tôi được kiểm tra khắp các cửa khẩu. Hiệp hội được kiểm tra như thế nhưng thắc mắc căn cứ vào đâu, điều kiện nào để xử phạt lỗi khai báo sai đơn hàng, hàng vi phạm…”.

Ông Đỗ Thế Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xuyên Á Khải Long, cho hay DN có 10 container bị kiểm tra và phạt vì khai sai xuất xứ, tên hàng, số lượng hàng. Dù chịu phạt nhưng ông vẫn thấy băn khoăn bởi container thì còn nguyên trạng, chủ hàng chu cấp hồ sơ sao thì khai vậy. “Thế chúng tôi có sai không, phạt chúng tôi như vậy có đúng không?” - ông Hoàn đặt câu hỏi.

Đại diện Tổng cục Hải quan trả lời các doanh nghiệp tại hội thảo. Ảnh: C.LUẬN

Đại diện Tổng cục Hải quan trả lời các doanh nghiệp tại hội thảo. Ảnh: C.LUẬN

Nhiều DN vận tải hàng quá cảnh cũng có cùng thắc mắc như trên. Họ không sai gì so với các quy định của Bộ Tài chính, hải quan về hàng hóa quá cảnh như nguyên trạng hàng hóa, niêm phong không bị can thiệp, tuyến đường và thời gian di chuyển không sai quy định. “Nếu làm đúng mà bị phạt thì phải làm thế nào để khỏi bị phạt?” - một DN đặt câu hỏi.

Lợi thế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng

Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN, cho rằng: Chuyện một lô hàng bị xé ra, cả ASEAN đều biết. Nếu không sửa đổi luật, nghị định, thông tư… liên quan thì có thể lợi thế địa lý của VN trong logistics khu vực sẽ bị ảnh hưởng, bỏ lỡ cơ hội.

Sau khi các DN nêu ý kiến, đại diện Tổng cục Hải quan đồng tình, công nhận vận chuyển quá cảnh là thế mạnh, giúp VN thu được nhiều ngoại tệ và cần được khuyến khích. Đồng thời, vị đại diện giải thích rằng những hiệp định vận chuyển hàng quá cảnh giữa VN với Lào, Trung Quốc, Campuchia đã có, đang xây dựng các hiệp định khác với các nước ASEAN.

Tuy vậy, vị đại diện khẳng định có thể có chút nhầm lẫn khi DN nói hàng hóa quá cảnh bị đối xử như với hàng nhập khẩu. Bởi theo quy định, hàng quá cảnh nếu thuộc đối tượng kiểm dịch thì mới phải kiểm tra.

Vị đại diện thừa nhận mặt hàng phân bón quá cảnh bị kiểm tra là do… Luật Trồng trọt. Hải quan cũng đã trao đổi với Bộ NN&PTNT. Mặt khác, còn có quy định hàng quá cảnh là phân bón Trung Quốc thì cần giấy phép của Bộ Công Thương. Rồi nếu phân bón không nằm trong danh mục lưu hành ở VN thì lại thêm giấy phép của Bộ NN&PTNT.

Đã có chuyển biến

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội Logistics Hà Nội, cho hay: Sau buổi tọa đàm ở VCCI, tình hình có chuyển biến rất tốt. Số lượng container hàng quá cảnh bị kiểm tra ở các chi cục Hải quan đã giảm hẳn, có lẽ lên tới 80%. Những cuộc tọa đàm hẹp như vậy là rất tốt, vì cả DN và cơ quan quản lý nhà nước có thể nói hết với nhau.

“Mà giấy phép không phải là giấy phép quá cảnh, mà là giấy phép nhập khẩu. Chúng tôi cũng đã nêu ý kiến với Bộ NN&PTNT nhưng họ nói trong luật quy định rồi” - vị đại diện Tổng cục Hải quan nói.

Vị đại diện cũng đưa số liệu từ hải quan các tỉnh báo cáo lên sau khi có phản ánh của DN. Các số liệu cho thấy số container được vận chuyển là rất lớn, tỉ lệ kiểm tra là nhỏ nhưng số container vi phạm lại chiếm tỉ lệ lớn trong số được kiểm tra.

Không thể sửa ngay vì vướng nghị định, luật

Đại diện Tổng cục Hải quan cũng khẳng định: Lực lượng hải quan còn phát hiện việc tráo hàng khi lúc nhập thì nhiều hàng, lúc xuất thì ít hàng. “Hải quan cũng phát hiện nhiều vi phạm nên phải kiểm tra nhưng cũng tạo điều kiện cho các DN làm ăn chân chính” - vị này nói.

Nêu ý kiến cá nhân, một vị ở Cục Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nói: Theo Luật Hải quan, người khai là người chịu trách nhiệm. DN nước ngoài sai nhưng xử phạt DN nước ngoài không khả thi vì họ có ủy quyền cho DN VN, có hợp đồng, họ không đăng ký ở VN. “Các anh cứ bảo tạo điều kiện nhưng các anh cũng phải xem lại mình đã tuân thủ chưa” - vị này nói.

Một vị khác ở Cục Chống buôn lậu lại bày tỏ quan điểm đồng hành cùng DN khi cho rằng: “Những vướng mắc của các anh không phải một sớm một chiều sửa được vì nó nằm ở nghị định, luật…”.

Giải thích chuyện hàng quá cảnh “đi qua từ 3 đến 36 tiếng” mà phải chịu mọi ràng buộc pháp luật, vị này nói: Quá cảnh là đi qua nhà mình, dù đi qua một tí thôi nhưng cũng phải tuân thủ pháp luật.

“Không phải chúng tôi làm khó cho anh em DN. Anh em kiểm tra thực tế cũng rất tạo điều kiện cho DN… Mà không chỉ hải quan kiểm tra đâu, còn có cả công an và các lực lượng khác” - vị này nói.

Các nhân viên ngành hải quan đi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: VĂN TÁ

Các nhân viên ngành hải quan đi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ảnh: VĂN TÁ

Nên xử phạt chủ hàng

Nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khai sai và các vấn đề liên quan đến hàng hóa như số lượng, tên hàng, xuất xứ hay xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan nên xử phạt chủ hàng nước ngoài.

Các nước đều đối diện với tình huống tương tự nhưng phần lớn cách ứng xử theo nguyên tắc là ai thực hiện hành vi sai thì xử phạt người đó. Các nước vẫn sẽ ra quyết định xử phạt đối tượng vi phạm, gửi đến địa chỉ của DN, dù DN đó ở nước ngoài. Nếu DN đó nộp phạt thì vụ việc kết thúc nhưng nếu không, tên của DN không chấp hành lệnh xử phạt sẽ bị ghi vào “sổ đen”, sẽ bị chặn nếu họ xuất hiện hay làm ăn ở quốc gia đó.

Tôi nghĩ đây là cách ứng xử phù hợp mà cơ quan hải quan có thể tham khảo. Chúng ta cũng không nên cho rằng vì không thi hành được quyết định xử phạt với DN ở nước ngoài nên không ra quyết định xử phạt. Vì nếu không ra quyết định xử phạt, chúng ta không có cơ sở để ngăn chặn, xử lý họ ở các giao dịch sau đó.

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Ban Pháp chế VCCI

Đọc thêm