Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài 4: Giám sát chặt, xử lý nghiêm

Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài 4: Giám sát chặt, xử lý nghiêm

(PLO)- Triển khai tốt các công tác cán bộ bao gồm tuyển chọn; giáo dục và tu dưỡng; giám sát chặt; xử lý nghiêm để ngăn chặn tham nhũng.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, khẳng định “thuốc” để trị nạn tham nhũng, lợi ích nhóm đã được kê rất đúng, trong đó cốt lõi vẫn là công tác cán bộ.

Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài 4: Giám sát chặt, xử lý nghiêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo: “... khởi tố mới, mở rộng điều tra làm rõ bản chất tham nhũng, chiếm đoạt câu kết, lợi ích nhóm, kiên quyết xử lý sai phạm, những vụ việc tồn đọng kéo dài, vụ việc mới phát sinh liên quan đến nhiều ngành, địa phương”. Ảnh: TTXVN

Nhũng nhiễu còn nhiều, phải tăng cường xử lý

. Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại quá trình phòng, chống tham nhũng trong suốt hơn 10 năm qua, đặc biệt là những vụ đại án gần đây, nhiều người phấn khởi nhưng cũng có ý kiến băn khoăn khi có nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, thậm chí thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý. Quan điểm của ông như thế nào?

Ảnh-3_Ông-Nguyễn-Đức-Hà.jpg

Ông Nguyễn Đức Hà. Ãnh: VGP/Hoàng Giang

+ Ông Nguyễn Đức Hà (ảnh): Trước hết, tôi khẳng định luôn là công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta đang đi đúng hướng. Dù vẫn có một số ý kiến, nhất là trên mạng xã hội, nói này nói kia nhưng tôi muốn nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng công cuộc chống tham nhũng của chúng ta là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước, là cuộc đấu tranh “chống giặc nội xâm”, tuyệt nhiên không phải là cuộc đấu giữa các phe cánh hay “đấu đá nội bộ” như một số người hiểu sai hoặc cố tình xuyên tạc.

Tháng 8 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Tô Lâm cũng khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được gắn liền với việc đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo một khí thế mới và không gian phát triển kinh tế - xã hội.

Vì sao tôi có đủ cơ sở để tin tưởng như vậy? Thứ nhất, chúng ta phải hiểu tham nhũng mà trong đó có chủ nghĩa “thân hữu” là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Tham thì ai cũng có thể tham nhưng để nhũng, tức muốn nhũng nhiễu thì phải có quyền lực. Mà quyền lực thì có ở khắp nơi, từ những đảng viên, cán bộ, công chức ở đơn vị cơ sở đến trung ương; ở nước nào cũng có. Việc chúng ta phát hiện, xử lý rất nhiều cán bộ vi phạm từ nhẹ đến nặng, từ thấp đến cao trong suốt nhiều năm qua tưởng chừng bất thường nhưng thực tế là bình thường.

“Việc chúng ta phát hiện, xử lý rất nhiều cán bộ vi phạm từ nhẹ đến nặng, từ thấp đến cao trong suốt nhiều năm qua tưởng chừng bất thường nhưng thực tế là bình thường.”

Hãy nhìn vào Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023 (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2023 có đến gần 70% doanh nghiệp (DN) được khảo sát cho biết vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục cho DN. Vẫn còn gần 7% DN phản ánh cán bộ thanh tra, kiểm tra lợi dụng thực thi công vụ nhũng nhiễu DN. Vậy chúng ta chống tham nhũng là đúng, không chống sẽ gây ra nhiều thiệt hại, méo mó thị trường, làm mất niềm tin của người dân và DN. Nhìn ra thế giới sẽ thấy các nước xử lý tham nhũng cũng quyết liệt, việc cán bộ dù có cấp cao đến mấy cũng có thể bị xử lý là chuyện bình thường.

. Chống tham nhũng mạnh có làm triệt tiêu tính dám nghĩ, dám làm, sáng tạo của cán bộ, công chức không, thưa ông?

+ Khi xử lý tham nhũng phải phân biệt được đâu là tham nhũng, tức có động cơ tư túi, còn đâu là làm vì lợi ích chung. Bộ Chính trị đã có Kết luận 14-KL/TW năm 2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cùng với những giải pháp khác, tôi tin nếu cán bộ trong sáng, không vụ lợi thì sẽ được bảo vệ.

Ví dụ hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương, đã được tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự trong vụ án kit test Việt Á. Tòa nhận định ông Danh biết rằng việc mình làm có thể dẫn tới việc bị xử lý nhưng vẫn dám nghĩ, dám làm và không ngại vất vả vì sức khỏe của đồng bào.

Củng cố giám sát quyền lực, xử lý tiêu cực

. Đâu là những điểm quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt khi nói về quan hệ bất chính giữa một số cán bộ, công chức với DN?

+ Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngoài khu vực nhà nước”. Chỉ có mười mấy từ này thôi nhưng đằng sau đó là sự chuyển dịch tư duy, nhận thức, quyết tâm rất mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Trước đây, công tác phòng, chống tham nhũng thường tập trung vào các đảng viên, cán bộ, công chức và các DN nhà nước nhưng nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, nghĩa là tham nhũng trong lĩnh vực trong hay ngoài nhà nước, giữa những người làm công vụ với nhau hay giữa công chức và DN thì củi vào lò là đốt, củi tươi cũng phải đốt. Hiện nay VN mở cửa mạnh mẽ, DN trong và ngoài nước rất đông, đa dạng, quan hệ phức tạp nên một mặt phải tạo cơ chế, chính sách công bằng cho họ làm ăn; mặt khác phải giám sát, phát hiện, xử lý những DN làm ăn không tử tế, không đúng pháp luật dù sau lưng họ có ai “bảo kê”, “thân hữu”.

Vì vậy, các vụ đại án như Công ty Việt Á, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hay mới nhất là Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An cho chúng ta thấy rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước không chỉ trong việc xử lý quan chức làm sai, mà còn xử lý cả những người ngoài khu vực nhà nước có sự giúp sức, hỗ trợ đắc lực cho những sai trái đó. Việc này phù hợp không chỉ với tinh thần, luật pháp của Việt Nam, mà còn đi theo xu hướng tiến bộ trong phòng, chống tham nhũng của thế giới.

“Nếu cán bộ không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng hoặc chí ít là sợ tham nhũng thì “khuyết tật bẩm sinh” này mới không có đất tồn tại.”

. Bộ máy phòng, chống tham nhũng đã dùng những công cụ nào trong suốt hơn 10 năm qua, thưa ông?

+ Về mặt tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, trước tiên phải nhắc đến thời điểm Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được kiện toàn, là một ban trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư trực tiếp làm trưởng ban. Trung ương cũng đã quyết định tái lập Ban Nội chính Trung ương, vừa là cơ quan tham mưu cho Trung ương về lĩnh vực nội chính, vừa là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Về mặt tư duy, tư tưởng, rõ ràng từ Đại hội XI đến nay, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó có việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa “thân hữu”, các quan hệ bất chính giữa quan chức và khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã được đẩy lên giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Qua từng kỳ đại hội, Đảng từng bước xác định rõ ràng và thực tế hơn về nội hàm, bản chất, nguyên nhân, tác động và những giải pháp đối phó với tham nhũng.

Về mặt công cụ, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung bốn tội danh về tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước. Trong khi đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 dành một chương riêng đối với khu vực ngoài nhà nước. Cùng với hệ thống pháp luật trước đó và những bổ sung, điều chỉnh gần đây, các cơ quan chức năng có trong tay công cụ ngày càng hữu hiệu để tăng cường phát hiện, xử lý các sai phạm dù mức độ phức tạp, tinh vi của các vụ án ngày càng lớn.

Ảnh-2_Vẽ-minh-họa-DAD.jpg
Cần tăng cường công tác giám sát để phòng, chống tình trạng quan chức và doanh nghiệp bắt tay để trục lợi.

Công tác cán bộ là vấn đề gốc rễ

. Chúng ta nói nhiều về chống tham nhũng nhưng còn phòng thì sao, thưa ông?

+ Thật ra nguyên nhân cốt yếu nhất của tham nhũng theo tôi đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cán bộ mà không muốn làm sai, không nhũng nhiễu ai, không tham lam thì khó mà làm sai được hoặc nếu có sai mà không tư túi thì cũng có những cơ chế bảo vệ. Nói cách khác, cán bộ, công chức tham nhũng là những người sai lầm từ trong suy nghĩ, vừa tham lam lại vừa nhũng nhiễu. Quá trình ấy diễn ra từ đơn giản đến phức tạp, từ việc tham nhũng vặt dần tham nhũng lớn hơn, từ tham nhũng một mình đến lôi kéo, xây dựng thành các nhóm “thân hữu”, nhóm lợi ích có nhiều thành phần phức tạp.

Vì vậy, công tác cán bộ vẫn là gốc rễ để giải quyết một cách bền vững vấn đề tham nhũng. Nói cách khác, nếu cán bộ không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng hoặc chí ít là sợ tham nhũng thì “khuyết tật bẩm sinh” này mới không có đất tồn tại.

. Vậy làm sao để công tác cán bộ được hiệu quả, thưa ông?

+ Việc này thì Đảng đã đề ra rõ, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ đạo nhiều lần. Tôi chỉ xin nói mấy vấn đề. Thứ nhất, để cán bộ sợ, không cần hay không muốn tham nhũng thì họ phải hiểu được tai hại của vấn nạn này. Vì vậy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng vẫn rất quan trọng, có điều công tác này phải được nâng tầm hơn nữa, thực chất hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để cán bộ không chỉ biết quy định, mà còn phải hiểu và thẩm thấu quy định, tạo thành phản xạ, thói quen.

Bên cạnh đó, sự giám sát công tác cán bộ cũng cần được đảm bảo theo các quy định hiện hành. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định 132/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Quy định 144/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trước đó, năm 2022, Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 80 thay thế Quy định 105 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã ban hành Quy định 08/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là những quy định được cập nhật nhiều điểm mới, tiến bộ và sát với thực tiễn hiện nay.

Tôi lấy ví dụ Quy định 114 đã phân biệt rõ ràng hai khái niệm “tiêu cực” và “tham nhũng”, cũng như đề ra những nguyên tắc rất kỷ cương trong công tác cán bộ. Hay Quy định 80 cũng có nhiều bổ sung, điều chỉnh nhằm sát với nhu cầu thực tiễn hơn, mở đường cho việc xây dựng cán bộ chủ chốt tiêu biểu, có tâm, có tầm, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Cũng liên quan đến quy định này, tôi xin nhấn mạnh lại lời của đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa hồi tháng 7 vừa qua, đó là phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, thể hiện sự nghiêm minh và cũng rất nhân văn, làm sao để việc “có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ của chúng ta hiện nay và thời gian tới.

Quy định có rồi, làm sao để cán bộ đi vào nề nếp, thực tiễn hóa được các quy định này, điển hình như chuyện nhận thức về quyền lực, bổ nhiệm, nêu gương… Về chủ trương và giải pháp tổng thể đã được Đảng, Nhà nước ban hành nhưng khi về cơ sở thì từng đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, chức năng phải triển khai những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, thường xuyên có tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm. Rà soát lại đơn vị mình, cá nhân mình trước đây có gì chưa phù hợp thì điều chỉnh cho đúng; chỗ nào còn lỏng lẻo thì phải siết lại.

Cuối cùng, dù Đảng, Nhà nước đã tạo ra nhiều thành quả trong công tác phòng, chống tham nhũng nhưng cần nhớ công tác này là nhiệm vụ xuyên suốt và lâu dài. Nói như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức hồi tháng 8 vừa qua, “các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực””.

. Xin cảm ơn ông.•

Họ đã nói

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM:

Tăng cường kiểm soát quyền lực

TS-Nguyễn-Hữu-Nguyên.jpg

Để chống nạn “thân hữu” thì công tác giới thiệu, đề cử cán bộ có đức, có tài phải được thực hiện nghiêm ngặt, đúng với tinh thần của luật pháp, tăng cường tính minh bạch của việc bổ nhiệm bằng các hình thức thi cử công khai. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn có lẽ là công tác kiểm soát quyền lực, bởi thực tế dù thi cử, chọn lọc đến mấy cũng khó có thể lường trước được lòng tham nảy sinh khi lợi ích xuất hiện nhiều, quyền hành cao hơn. Bằng chứng là có những người đã rất giàu rồi nhưng vẫn tham lam, nhũng nhiễu.

Hiện chúng ta đã có những cơ chế, quy định về kiểm soát quyền lực nhưng vẫn chưa cụ thể hóa. Thử so sánh một quan chức ở Việt Nam và quan chức ở nhiều quốc gia khác sẽ thấy ở nước ta cán bộ được che chắn nhiều hơn, ít chịu việc giám sát từ công chúng hơn. Vì vậy, khi soi xét cán bộ khó có thể nhìn thấy toàn diện và rõ ràng những gì họ làm, có thể thấy tay phải họ cầm bó hoa thôi, còn tay trái có gì thì không ai biết. Một khi cán bộ muốn móc ngoặc với DN để trục lợi, chắc chắn họ sẽ tìm cách che chắn càng nhiều càng tốt, vậy nên phải thúc đẩy các giải pháp để kiểm soát quyền lực, không chỉ từ công chúng, báo chí, các cơ quan, tổ chức ngoài xã hội, mà còn trong chính các tổ chức chính quyền. Tóm lại, thúc đẩy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tức nhấn mạnh đến tính pháp quyền, thượng tôn pháp luật để giám sát quyền lực là rất quan trọng.

...................

TS VŨ TRUNG KIÊN, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Chính trị Quốc gia khu vực II:

Đại biểu dân cử không nên sắm nhiều vai

TS-Vũ-Trung-Kiên.jpg

Tôi nghĩ cần giải quyết tình trạng các đại biểu dân cử sắm quá nhiều vai, bởi cha ông từng đúc kết “cha chung không ai khóc”. Tôi ví dụ giả sử một đại biểu HĐND xã là công chức ở xã thì liệu có dám chất vấn chủ tịch xã hay không? Một việc nữa là công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền. Chẳng hạn tại sao DN này được phép xuất khẩu mặt hàng này, còn DN khác thì không? Tại sao DN này được cấp hạn ngạch cao, DN kia lại thấp? Vấn đề tại sao ấy cần phải công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn, đất đai, các ưu đãi về tín dụng, lãi suất cũng cần công khai, minh bạch để hạn chế tối đa việc lợi dụng để móc ngoặc trong ngoài. Chúng tôi cho rằng chỉ có minh bạch mới là “chìa khóa” giúp hạn chế tình trạng móc ngoặc trong ngoài để trục lợi.

.................................

TS HỒ QUỐC TUẤN, giảng viên cao cấp ĐH Bristol (Anh):

Cần một cuộc đại phẫu!

TS-Hồ-Quốc-Tuấn.jpg

Có những nghiên cứu gần đây cho thấy các DN niêm yết lớn ở phương Tây sẽ dễ dính líu tới tham nhũng hơn khi có hoạt động kinh doanh ở những nước có chỉ số tham nhũng cao hay niềm tin vào minh bạch thấp. Nghĩa là tham nhũng hay những hoạt động quan hệ bất thường có tính “lây”. Nhưng cái tính “lây” đó cũng chỉ ra một góc giải pháp.

Vì sao người ta hoạt động ở bản địa thì không bị như vậy? Đó là do có sự giám sát chặt chẽ của quy định pháp luật, hệ thống cảnh báo - tố cáo nội bộ (whistleblower), sự phổ biến của báo chí điều tra và các chính trị gia đối thủ. Pháp luật quy định rõ ràng lằn ranh đỏ, minh bạch thông tin thì điều tra dễ hơn.

Nhưng ai bảo vệ người đi điều tra? Chạm vào những thế lực nhiều tiền, nhiều quan hệ như vậy đâu có dễ. Chính vì vậy, giải pháp chống tham nhũng không chỉ là đi học ở các nước, mà phải là một cuộc đại phẫu của hệ thống, vì không phải bài học nào của nước khác cũng thích hợp với cơ địa về chính trị - xã hội - văn hóa của Việt Nam hiện nay. Làm thế nào mà “nén bạc không đâm toạc” cả hệ thống giám sát là mấu chốt.•

Đọc thêm