Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết khí thải của xe máy và ô tô là một trong những nguồn ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Theo thống kê, TP Hà Nội có 2,5 triệu xe máy cũ nát, có trước năm 2000.
UBND TP Hà Nội đang xem xét, cố gắng trình HĐND TP chương trình liên quan đến hạn chế xe máy vào kỳ họp tháng 6 tới, sau đó sẽ trình Chính phủ. Cùng đó sẽ có biện pháp thu hồi các ô tô, xe máy quá đát.
Đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Tuy nhiên, bên cạnh ủng hộ, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về tính khả thi của vấn đề.
Theo đó, xe máy hiện chưa có quy định về niên hạn nên việc xác định thế nào là quá đát sẽ rất khó, chưa kể đến lộ trình và quy trình thu hồi sẽ tiến hành như thế nào...
Ghi nhận thực tế, khắp các tuyến phố Hà Nội đều có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy đã cũ nát lưu thông trên đường.
Số xe này được sử dụng chủ yếu bởi người lao động thu nhập thấp. Một số khu vực tập trung nhiều như trục đường Phạm Hùng - Vành đai 3, chợ đầu mối Long Biên, các bến xe...
Xe cũ nát phần lớn được dùng để chở hàng hóa hoặc làm xe kéo, thường có "tuổi thọ" trên chục năm.
Các bộ phận như yếm, ống xả, máy, yên xe... đều đã cũ, rách hoặc han gỉ.
Một số người khi được hỏi về việc thu hồi xe cũ nát tỏ ra khá lo lắng, bởi với thu nhập từ các công việc mà họ đang làm, để mua được một chiếc xe tốt không phải đơn giản.
Số khác thì cho rằng phải có cơ sở để xác định như thế nào là quá đát, nếu thu hồi thì chủ xe có được hỗ trợ gì không...
Nếu giải quyết được các câu hỏi trên, đa phần đều ủng hộ chủ trương thu hồi xe quá đát, nhằm giảm ô nhiễm môi trường cũng như tăng cường an toàn giao thông.