Người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn kép - Bài cuối

Xoay xở tìm cách ứng phó với giá cả leo thang

Trong bối cảnh gặp khó khăn kép, các doanh nghiệp (DN), nông dân đang nỗ lực tìm mọi cách để vượt khó bằng nhiều giải pháp. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, kinh doanh cũng đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ hợp lý và kịp thời.

Không chịu bó tay

Để ứng phó với giá nguyên liệu tăng cao làm tăng giá thành sản xuất, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết các DN trong ngành đang cấu trúc lại sản xuất; tăng năng suất lao động bằng việc đổi mới công nghệ, thiết bị; tối ưu các chi phí để bù lại phần chi phí tăng giá nguyên liệu đầu vào. Qua đó đảm bảo mặt bằng giá cả hàng hóa, đồng thời DN vẫn có lợi nhuận để duy trì sản xuất.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều chuyên gia nhận định giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để ứng phó với tình trạng này, ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam (VN), cho rằng trong ngắn hạn, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nên chủ động chuyển sang sản xuất hữu cơ, sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, tự chế biến thức ăn chăn nuôi và ít phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Như vậy vừa giúp giảm giá thành sản xuất mà giá trị sản phẩm lại tăng lên.

Chính phủ đãyêu cầu các bộ, ngành giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Ảnh: TÚ UYÊN

Về lâu dài, VN cần có chiến lược giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu bằng cách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi; dành một tỉ lệ thích đáng đất nông nghiệp cho trồng trọt, sản xuất các nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

Mặt khác, VN là nước nông nghiệp, trong quá trình chế biến nông lâm thủy sản có hàng chục triệu tấn phụ phẩm, chủng loại phong phú như bã dứa, bã sắn, men bia, phụ phẩm lò mổ, mỡ cá tra, vỏ đầu tôm... Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các chủ thể đầu tư nghiên cứu áp dụng công nghệ mới để sử dụng các phụ phẩm này chế biến thành thức ăn cho chăn nuôi. Như vậy sẽ giảm bớt sức ép từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nam Yang Nguyễn Tấn Công cũng cho rằng trồng trọt hữu cơ là giải pháp hữu hiệu để tránh những tác động khi phân bón tăng cao, giúp giảm chi phí sản xuất.

“Nếu biết tận dụng tối đa nguyên liệu đầu vào từ phế phẩm nông nghiệp đang có như vỏ cà phê, vỏ đậu, các phế phẩm chăn nuôi... để làm phân bón thì đây cũng là giải pháp giúp giảm chi phí đầu vào, không phụ thuộc vào giá phân bón tăng cao” - ông Công chia sẻ.

Cần Nhà nước hỗ trợ

Về giải pháp của các DN ngành cao su lúc này, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM, là tìm những nguồn nguyên liệu ở những nơi xa hơn chưa khai thác nguyên vật liệu bao giờ. Ví dụ như nguồn nguyên liệu giá vẫn còn thấp từ thị trường Nga. Bên cạnh đó, bản thân các DN phải giảm các chi phí sản xuất, khấu hao để có thể vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, thông tin: Hiện ngành dệt may đã nhận được rất nhiều đơn hàng dài hạn nhưng cần phải tính toán kế hoạch sản xuất cho hết năm và cả năm tiếp theo. Vì thế, các nhà sản xuất, kinh doanh cần phải chủ động nguồn nguyên liệu, đa dạng hóa nhiều nguồn không phụ thuộc vào một thị trường nào. “Một số công ty dệt may đã đầu tư công nghệ hiện đại để giảm chi phí sản xuất, giảm phụ thuộc vào lượng lớn lao động” - ông Hồng chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng giá nguyên liệu tăng cao khiến hầu như ngành nào cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng khiến giá nguyên liệu tăng ảnh hưởng lớn đến DN VN vì nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, chưa chủ động sản xuất được.

Vì vậy, theo ông Hưng, trước mắt để giảm áp lực giá nguyên liệu, DN phải linh động, sáng tạo sản phẩm mới, cải tiến, đầu tư công nghệ cao để tiết giảm chi phí vận hành, đồng thời các DN cần linh hoạt lựa chọn đơn hàng phù hợp với chiến lược sản xuất của mình.

Bên cạnh đó, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, các công ty Việt cần cố gắng chiếm lĩnh thị trường nội địa thời điểm này và coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Chính phủ cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ như kích cầu tiêu dùng trong nước, miễn, giảm thuế và gia hạn nộp thuế ít nhất trong năm nay.

“Bản thân DN nên tìm cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời tập trung đẩy nhanh quá trình nội địa hóa nguyên liệu vừa giúp thúc đẩy ngành hàng phát triển, giảm giá nguyên liệu đầu vào, tạo thêm thu nhập và công ăn việc làm cho người dân trong nước” - ông Thịnh nói.

Hạn chế tối đa các tác động tăng giá

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây đã có Công văn 3025 về công tác điều hành giá năm 2021. Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan phải tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động; tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường; kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô...” - công văn nêu rõ.

Bộ Tài chính mới đây cũng đã có công văn đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn. Từ đó kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất…

Ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Khi dịch COVID-19 xảy ra, các chuỗi sản xuất lương thực thực phẩm trên thế giới bị đứt gãy, chi phối thị trường nông sản toàn thế giới.

Từ ảnh hưởng đó, việc cung cấp lương thực thực phẩm, nông sản trên thế giới cũng bị ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến giá cả. Theo thống kê, từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng 20%-30%, một số nguyên liệu như ngô, đậu tương tăng đến hơn 40%.

“Giá thức ăn chăn nuôi quyết định 65%-70% giá thành nên phải có các hệ thống giải pháp, làm sao duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi, thủy sản. Vừa qua, bộ đã chỉ đạo các nhà máy thức ăn chăn nuôi dù giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao như vậy nhưng giá thức ăn hỗn hợp bán ra chỉ tăng 10%-15% để hỗ trợ người chăn nuôi. Cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh phải làm rất chặt chẽ để góp phần làm giảm giá thành, duy trì sức cạnh tranh vốn có” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa diễn ra chiều 3-6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc bộ thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng thép, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

“Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng” - Thứ trưởng Hải thông tin.

AN HIỀN

Xoay xở tìm cách ứng phó với giá cả leo thang ảnh 2
Giá thép tăng cao đang gây khó khăn cho ngành xây dựng. Ảnh: QH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm