Xóm Việt kiều rộn rã những niềm vui

(PLO)- Những năm qua bằng tình thương và trách nhiệm, các thầy cô vùng biên giới Vĩnh Hưng, Long An đã cần mẫn mang chữ tới cho trẻ em nghèo ở xóm Việt kiều.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ lớp học đó hàng trăm đứa trẻ đã biết đọc, biết viết. Qua lớp học này đã thắp sáng lên những ước mơ cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vui vì được đến lớp

Những năm gần đây, các hộ gia đình người Việt di cư về sinh sống trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng nhiều. Tại xóm Việt kiều (khu dân cư ấp 2, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An) hiện có trên 100 hộ dân từ Campuchia trở về quê hương với gần 500 nhân khẩu.

Hiện tại, địa phương đã vận động được mạnh thường quân cho tiền xây dựng thêm chỗ dạy cho các em trên phần đất công của trụ sở ấp nhưng chưa thể giải quyết hết nhu cầu học chữ của người dân Việt kiều.

Họ trở về quê hương không có giấy tờ tùy thân, sống tạm bợ dọc tuyến biên giới trong cái nghèo khó. Bên cạnh đó, việc con em đi học gặp rất nhiều khó khăn, có 140 em 6-14 tuổi trong độ tuổi đến trường nhưng không có sổ hộ khẩu, giấy khai sinh để đi học ở các trường chính quy.

Đã hai năm qua, cứ đến 18 giờ, em Đỗ Văn Sáng (16 tuổi, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Bình) đều đặn đến lớp để được học chữ. Em cho biết cha mẹ phải đi làm thuê nay đây mai đó để kiếm sống. Em phụ giúp gia đình mưu sinh bằng nhiều nghề như bán vé số, lượm ve chai… Vì thế, dù đã lớn tuổi nhưng em chưa hề biết chữ cho đến khi có lớp học này.

Em Sáng chia sẻ: “Đến đây em được thầy cô chỉ dạy tận tình, giúp em biết được những con chữ, làm được những phép toán cơ bản đầu tiên. Ở đây các thầy cô cũng dạy em biết lễ phép, vâng lời cha mẹ… nên em rất vui và muốn tiếp tục được học nhiều hơn”.

Các chiến sĩ Đồn biên phòng Tuyên Bình lên lớp giảng dạy các em tại lớp học tình thương. Ảnh: CTV
Các chiến sĩ Đồn biên phòng Tuyên Bình lên lớp giảng dạy các em tại lớp học tình thương.
Ảnh: CTV

Rất vui khi Sáng và em trai đến với lớp học này, ông Đỗ Văn Lặc, cha em Sáng, cho biết: “Gia đình tôi về đây sinh sống được ba năm, nghề nghiệp chủ yếu là bán vé số. Cuộc sống vất vả, rất muốn các con đi học nhưng không có giấy khai sinh, sống phải nay đây mai đó trên ghe, đâu biết con chữ. Qua sự giúp đỡ của địa phương đã cho vợ chồng tôi lên sống ở khu dân cư, tạo điều kiện cho hai con trai tôi được đến với lớp học tình thương này. Trước đây con tôi không biết chữ, không biết đếm tiền, đi bán vé số bị lừa. Nhờ lớp này nên các con tôi đều được biết chữ, biết viết, tôi rất mừng”.

Hết lòng vì học trò nghèo

Nhằm giúp trẻ Việt kiều Campuchia biết chữ, UBND xã Vĩnh Bình đã trưng dụng trụ sở văn hóa ấp 2 vào buổi tối để các thầy cô Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bìnhthay phiên nhau dạy chữ cho gần 40 em học chương trình lớp 1 và lớp 2. Ngoài ra, các chiến sĩ Đồn biên phòng Tuyên Bình (xã Vĩnh Bình) cũng tổ chức dạy chữ cho khoảng 60 em từ lớp 1 đến lớp 5. Hiện tại đã có khoảng 30 em thoát mù chữ.

Là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho các em, cô Lý Thị Ngọc Tuyền - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng phải chạy xe cả chục cây số để mang con chữ đến với các em học sinh nghèo nơi đây, cô cho biết: “Dạy ở đây thì khác so với ở trong trường, vì cha mẹ các em không biết chữ nên không thể kèm cho các em khi về nhà. Tuổi các em lại không đồng đều, có khi lại vắng học do phải phụ giúp cha mẹ… Gia đình các em là Việt kiều Campuchia trở về điều kiện kinh tế quá khó khăn. Do đó để giúp các em học tốt, các giáo viên đến dạy luôn nhiệt tình chỉ bảo. Cả ngày đi dạy ở trường về nhà đã mệt nhưng vì tình thương đối với các em, tất cả thầy cô đều mong đem con chữ để hy vọng các em có cuộc sống tốt hơn”.

Cô Tuyền luôn tận tụy dạy các em nắn nót từng con chữ. Ảnh: HUỲNH DU
Cô Tuyền luôn tận tụy dạy các em nắn nót từng con chữ. Ảnh: HUỲNH DU

“Dù có nhiều khó khăn nhưng tôi và các đồng nghiệp luôn cố gắng hết sức để truyền đạt kiến thức cho các em. Ngoài việc dạy các em biết đọc, viết, lễ nghĩa… Chúng tôi thường xuyên kêu gọi các nguồn vận động thêm từ các mạnh thường quân ở mọi nơi để giúp đỡ các em. Vì hầu như cha mẹ không có điều kiện để mua sách vở, dụng cụ học tập cho các em… các em rất thiếu thốn so với các học sinh trong trường học” - cô Tuyền chia sẻ thêm.

Nhu cầu học chữ từ trẻ em đến người lớn ở xóm Việt kiều là rất nhiều nhưng địa phương thì đang thiếu nơi dạy, sách vở và bút để tổ chức dạy học. Ban ngày các em phải bươn chải đủ việc để phụ giúp gia đình, đến 6 giờ tối thì vào lớp để được các thầy cô dạy chữ, rèn người.

Những ánh mắt rạng ngời, nụ cười giòn giã, những lúc cúi đầu chào đầy lễ phép của các em khi có người vào thăm lớp học, càng thấy được những ước mơ tốt đẹp của các em khi được đến trường. Đây cũng chính là điểm tựa cho chính gia đình mình về một tương lai tươi sáng…

Vận động tất cả nguồn lực

Khi mở lớp học này, chúng tôi phải vận động tất cả nguồn lực của cộng đồng để hỗ trợ các em có được sách vở, dụng cụ học tập… Đây là một trong những động lực giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, nâng cao dân trí và đồng thời cũng góp phần ổn định cuộc sống của gia đình. Chỉ có được đi học thì các em mới có thể thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình trong tương lai.

Ông LƯU PHƯỚC QUANG, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bình, Long An

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm