Nhưng quả thật, nhìn cơ ngơi của ông qua hình ảnh, nhiều người không biết phải gọi tên cái tổ hợp bề thế ấy là gì trong những từ village, biệt thự, biệt phủ, tư dinh, dinh thự…
1.
Ông Quý bắt đầu công tác ở Sở TN&MT từ năm 1995, tính đến nay ông đã có 22 năm làm công bộc của dân. Vì vậy, nhìn cơ ngơi giàu có của ông, tôi lại nhớ đến câu chuyện dân muốn học cách làm giàu của quan chức qua lời kể của cựu đại biểu Quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa) khi trả lời báo Pháp Luật TP.HCM hồi năm 2012.
Ông Lê Nam kể khi ông đi tiếp xúc cử tri, có cử tri đặt câu hỏi: “Xin ông truyền đạt giúp cho dân kinh nghiệm làm giàu. Vì sao chúng tôi cũng học hành đến nơi đến chốn, cũng một nắng hai sương, lao tâm khổ tứ, tận tụy chí thú làm ăn mà mãi vẫn thế. Còn ông cũng học cùng chúng tôi như thế, lương ông tôi biết như vậy mà sao ông giàu nhanh thế, có thể truyền kinh nghiệm làm giàu cho dân hay không”.
Thì đây, ông Quý trả lời: “Thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ. Tôi chả thiếu nghề gì trên đời. Năm thứ ba đại học thì tôi cùng với bạn mở xưởng đóng giày ở Ngã Tư Sở. Mọi người đừng nhìn ở hình ảnh ngày hôm nay mà nên tìm hiểu cả quá trình”. Vâng, đó là cả một quá trình! Và để có cái cơ ngơi bề thế hiện nay thì ông lý giải là phải vay ngân hàng gần 20 tỉ đồng và mượn thêm từ anh em, bạn bè…
2.
Nói về chuyện đi vay, một người bạn của tôi kể chuyện mới vay ngân hàng 400 triệu đồng để mua nhà. Anh ấy kể cái hành trình chứng minh thu nhập, việc thẩm định giá của ngân hàng về căn nhà sẽ mua (dùng làm tài sản thế chấp) nó chặt chẽ nhưng lại nhiêu khê, khổ ải thế nào. Bây giờ mỗi tháng anh phải dành ra gần 40% thu nhập để trả gốc và lãi, phần còn lại anh phải dè xẻn chi tiêu mới liệu được cuộc sống hằng ngày.
Vậy thì để vay được gần 20 tỉ đồng, ông Quý chắc phải lo thủ tục vất vả hơn nhiều. Người ta tính mỗi tháng ông Quý phải bỏ ra hơn 330 triệu đồng để trả gốc và lãi. Tiền lương của ông Quý chỉ hơn chục triệu đồng, vậy số tiền này ở đâu ra? Hẳn ông phải tăng gia sản xuất, nuôi heo, làm vườn, làm rẫy… thuộc hàng siêu đẳng, cộng thêm việc buôn chổi đót (nếu ông vẫn còn làm việc này) thì mới may ra… kham đủ số này!
Quả là một tấm gương làm giàu đáng nể! Chỉ có điều tấm gương này đang được Thanh tra Chính phủ làm rõ. Ngoài làm rõ việc chuyển đổi 13.000 m2 đất rừng sang đất ở để xây dựng dinh thự, hy vọng cơ quan chức năng còn làm rõ nguồn gốc khối tài sản to lớn của ông có phải từ bán chổi đót, làm giá đỗ… hay không, để người dân còn học hỏi.
3.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống tham nhũng, những tài sản hình thành trước 1-2-2013 (thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực), cán bộ, công chức không phải giải trình nguồn gốc. Chỉ những tài sản hình thành từ sau thời điểm này thì cán bộ, công chức (thuộc diện kê khai) mới phải giải trình nguồn gốc tăng thêm mỗi khi kê khai. Ngoài ra, chiếu theo quy định hiện hành thì cơ quan chức năng chẳng thể tịch thu tài sản bất minh của cán bộ, công chức.
Như vậy, cơ quan chức năng chỉ có thể biết được nguồn gốc số tài sản tăng thêm của ông Quý từ năm 2013 đến nay mà thôi, còn nguồn gốc của khối tài sản trước đó (chẳng hạn từ bán chổi đót, làm giá đỗ) thì không thể nào biết được. Mà dù có chứng minh khối tài sản của cán bộ, công chức là bất minh thì cùng lắm người đó cũng chỉ bị xử lý chứ Nhà nước không thể tịch thu khối tài sản này, trừ khi chứng minh được tài sản ấy do tham nhũng mà có.
Trả lời báo chí, ông Quý nói: “Nếu sai thì mình chịu. Tôi đã theo nghiệp được mấy chục năm, nếu phải ra đi cũng không còn nhiều điều suy nghĩ”. Vâng, ông Quý có thể không suy nghĩ, vì dẫu có thế nào thì khối tài sản ấy vẫn cứ thuộc về ông và gia đình. Nhưng người dân thì không thể không nghĩ, rằng một công bộc của dân lại phô bày lối sống xa hoa, quyền quý giữa một tỉnh nghèo thì “xốn mắt” vô cùng.