Ngày 10-10, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa xác nhận có hai con hổ chết trong trại nuôi nhốt trái phép ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp xử lý hai con hổ đã chết này.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, có một con hổ trưởng thành chết vào tháng 12-2023 và một con chết vào ngày 12-9. Mỗi con được xác định có trọng lượng khoảng 400 kg.
Nguyên nhân hổ chết đã được cơ quan chức năng kết luận. Theo đó, một con hổ chết vào tháng 12-2023 do bị viêm phổi; con hổ chết ngày 12-9 do bị nhiễm trùng (các con hổ cắn nhau để lại vết thương gây nhiễm trùng).
Trao đổi với PLO, ông Trịnh Quang Tuấn, Trưởng phòng Bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết ngay sau khi hổ chết, gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (chủ trang trại nuôi hổ trái phép) đã thông báo và chủ động giao nộp về Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân để bảo quản, cấp đông chờ xử lý theo quy định.
Theo ông Tuấn, hổ là động vật thuộc nhóm 1 - loại cấm mua bán dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, để xử lý hai con hổ chết nêu trên thì cơ quan chức năng đang làm thủ tục trình UBND tỉnh xác lập quyền sở hữu toàn dân, sau đó mới xử lý được.
"Riêng con hổ chết năm ngoái, hiện đã xong các thủ tục, đồng thời sẵn sàng bàn giao cho các các cơ sở nghiên cứu khoa học, bảo tàng, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào nhận" - ông Tuấn thông tin thêm.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, năm 2007, gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến lên xã Na Mèo, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) đi mua gỗ làm nhà thì vô tình gặp một số người dân bắt được đàn hổ con từ bên Lào về nên mua lại và mang về nhà nuôi, chăm sóc.
Theo đó, tại thời điểm lúc ông mua đàn hổ, có 15 con với trọng lượng khoảng 3-4 kg/con. Tiếp đó, lần lượt vào các năm 2008 có 2 con bị bệnh chết, 2010 và 2012 có thêm 2 con bị chết, đàn hổ còn lại 11 con và đến nay chỉ còn 9 con đang được chăm sóc tại đây.
Cũng trong năm 2012, trại nuôi hổ của gia đình ông Chiến được cấp giấy chứng nhận trại nuôi với thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, từ thời điểm hết hạn cấp phép năm 2017, đến nay đình ông Chiến không được cơ quan chức năng cấp phép trở lại.
Nhiều năm qua, do vướng các thủ tục, đàn hổ vẫn chưa được chuyển giao hoặc đưa về các trung tâm nuôi nhốt đảm bảo, khoa học. Chúng vẫn được nuôi trái phép tại cồn Tàu Voi, Xuân Tín, Thường Xuân - nơi cách khu dân cư sinh sống khoảng 1km.
Ông Trịnh Quang Tuấn, Trưởng phòng bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết các đơn vị bảo tồn muốn tiếp nhận miễn phí toàn bộ số hổ trên về chăm sóc, trong khi gia đình muốn hỗ trợ 200 triệu đồng/con phí công chăm sóc thời gian qua. Do vướng mắc vấn đề này nên đến nay việc giải quyết dứt điểm số cá thể hổ trên vẫn chưa xong.