Xử lý bất cập 7 bộ ngành cùng quản rác thải rắn

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, công tác quản lý CTR là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương.

Mặc dù, tỷ lệ thu gom CTR vẫn tăng hàng năm nhưng do lượng chất thải phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu.

“Công tác quản lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa nhiều bộ ngành, dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên nhiều địa phương. Chính vì vậy cần xây dựng được mô hình quản lý thống nhất một đầu mối đối với CTR để giải quyết những bất cập trên” – ông Nhân nhấn mạnh.

Đồng tình ý kiến này, ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay Quy định của Nghị định 38 của Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động phân công các sở, ngành quản lý CTR. Mỗi địa phương giao cho một sở, ngành khác nhau dẫn đến thiếu thống nhất.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho hay, quản lý CTR hiện có nhiều bộ, ngành cùng tham gia: Bộ Y tế quản lý về chất thải trong hoạt động y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất thải trong nông nghiệp; Bộ Giao thông vận tải quản lý về chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa…; Bộ Xây dựng quản lý chất thải rắn từ hoạt động xây dựng, đồng thời còn được giao trách nhiệm trong công tác quản lý chất thải rắn nói chung, chất thải rắn sinh hoạt nói riêng…

Rác thải ùn ứ tại Hà Nội hồi tháng 1-2019 do người dân chặn xe rác tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) vì quá ô nhiễm

Dù nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý nhưng thực tế vẫn còn nhiều thiếu sót. Cụ thể, ông Thịnh dẫn chứng tình trạng một số văn bản dưới luật liên quan đến quản lý CTR giữa các bộ, ngành có sự phân đoạn và không rõ ràng trong phân công chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện; chưa quy định, phân luồng quản lý CTR thống nhất, giao trách nhiệm cho nhiều bộ, ngành khác nhau hướng dẫn việc thực hiện.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có sự chồng chéo về phân công trách nhiệm, chủ yếu giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Xây dựng ở các cấp độ luật và nghị định…

Các ý kiến tại hội thảo đề nghị cần sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, đảm bảo thống nhất với các Luật thuộc lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thực hiện sửa đổi chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ để đảm bảo thống nhất quản lý, tránh chồng chéo như hiện nay.

Mới đây, tại Nghị quyết số 09 ngày 3-2-2019 của Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR. Bộ này đang rà soát các bất cập về cơ chế chính sách, đề xuất hướng sửa đổi phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới