Sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập

Mới đây, Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức hội nghị trao đổi về công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và chuyển đổi phương tiện thu gom của lực lượng rác dân lập. Hầu hết ý kiến đều thống nhất phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi phương tiện thu gom là một chủ trương đúng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, trong đó phương thức thu gom rác dân lập chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ

Ông HUỲNH MINH NHỰT, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM

Mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 8.900 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện công tác thu gom tại nguồn được thực hiện bởi hai hệ thống: Hệ thống thu gom công lập với tổng cộng khoảng 2.500 công nhân, thu gom 40% rác từ hộ gia đình, chủ nguồn thải, mặt tiền đường và khu vực công cộng. Hệ thống thu gom rác dân lập với tổng cộng khoảng 4.000 công nhân, thu gom 60% rác từ hộ gia đình, chủ nguồn thải nhỏ lẻ trong hẻm.

Như vậy, lực lượng thu gom rác dân lập chiếm tỉ trọng thu gom chất thải tại nguồn đến 60% nhưng quy mô hoạt động lại nhỏ lẻ, phân tán và chưa hợp tác để cùng phát triển. Những phương tiện thu gom của lực lượng này đa số không đảm bảo yêu cầu của Luật Giao thông đường bộ và chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hơn nữa, mức phí thu gom rác còn thấp, chưa tạo động lực để các công nhân thu gom rác dân lập an tâm làm việc.

Để từng bước khắc phục những hạn chế trên, ông Lê Trương Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP.HCM, cho biết định hướng sắp tới của TP là toàn bộ dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt dân lập phải được đấu thầu. Do đó cần tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn để phù hợp với quy định hiện hành. Điều này giúp cho lực lượng thu gom rác dân lập đủ năng lực, điều kiện tham gia vào công tác đấu thầu thu gom, vận chuyển rác tại nguồn khi TP triển khai đồng bộ trên địa bàn 24 quận/huyện.

Phương tiện của lực lượng thu gom rác dân lập chưa phù hợp yêu cầu kỹ thuật phân loại rác tại nguồn. Ảnh: CN

Nên lập công ty quản lý chung về môi trường

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, hiện tại muốn quản lý lực lượng thu gom rác dân lập cần phải đẩy nhanh tiến độ sáp nhập lực lượng này vào các công ty dịch vụ công ích hoặc nâng lên thành các công ty tư nhân. Bản thân Công ty Môi trường đô thị TP.HCM sẵn sàng tiếp nhận các đường dây cũng như lực lượng rác dân lập. Về lâu dài cần thiết phải thành lập một công ty quản lý chung về môi trường.

Theo tôi, nên có công ty để quản lý những đơn vị thu gom rác dân lập nhằm thực hiện chất lượng dịch vụ tốt hơn. Làm được vấn đề này, tôi nghĩ chúng ta giải quyết được hai việc là Nhà nước quản lý được nguồn thu, bên cạnh đó cũng có thể quản lý được chất lượng vệ sinh trên địa bàn.

ÔngHUỲNH MINH NHỰT, Giám đốc 
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM
 

Ông Nhựt kiến nghị về lâu dài cần thiết phải có sự hợp nhất hoạt động công tác vệ sinh môi trường giống như mô hình tổng công ty điện lực hoặc cấp thoát nước. Đây là cơ sở để xây dựng và triển khai áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thu phí, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh môi trường chung cho toàn địa bàn TP. Cùng với cách này sẽ buộc các đơn vị công ích, lực lượng rác dân lập phải thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình.

“Trên thực tế, có trường hợp đơn vị rác dân lập thu tiền rác trực tiếp từ nhà dân nhưng đơn vị này lại không thu gom rác đúng quy định, trường hợp này người dân cũng không thể khiếu nại được đơn vị thu gom” - ông Nhựt nói thêm.

Giải pháp cho bài toán khó

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nhìn nhận về việc quản lý rác dân lập như thế nào thì hiện nay vẫn còn là một bài toán khó. Chính vì thế Sở TN&MT TP.HCM mới có giải pháp sắp xếp lại lực lượng này. “Chúng ta đã thực hiện công tác sắp xếp này từ năm 2018. Đến nay cũng đã có nhiều quận/huyện đạt thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động 100% lực lượng thu gom rác dân lập tham gia thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp có pháp nhân. Nếu chúng ta tổ chức được lực lượng này thì có nghĩa là chúng ta kết nối được vào chương trình quản lý chất thải trên địa bàn TP” - bà Thanh Mỹ khẳng định.

Về ý kiến thành lập một công ty quản lý chung về môi trường để thu phí, bà Thanh Mỹ cho biết Sở ghi nhận và sẽ có trao đổi thêm về vấn đề này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm