Xử lý cơ sở đào tạo không lắp cabin điện tử

(PLO)- Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ có văn bản yêu cầu các sở GTVT báo cáo việc thực hiện công tác lắp đặt cabin điện tử để đào tạo lái xe, cơ sở nào không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, bắt đầu từ ngày 1-1, các cơ sở đào tạo phải trang bị và sử dụng cabin điện tử học lái ô tô (thiết bị mô phỏng lái xe) vào chương trình đào tạo. Tuy nhiên, một số trung tâm đào tạo vẫn đang gặp một số khó khăn nhưng khẳng định sẽ thực hiện đúng thời gian quy định.

“Giá cabin điện tử quá cao”

Chia sẻ với PV, ông Lưu Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, Trường Trung cấp nghề Á Châu (Hưng Yên), cho biết trên thị trường mới chỉ có hai doanh nghiệp được Cục Đường bộ Việt Nam công bố đủ điều kiện cung cấp thiết bị mô phỏng đào tạo lái xe là Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel thuộc Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội và Công ty CP Kỹ thuật công nghệ Ecotek.

Hai công ty này đang chào giá 425-439 triệu đồng/cabin. Mức giá này cao hơn mua một ô tô để đào tạo học viên. “Với lượng học viên đang đào tạo, trung tâm phải có ít nhất sáu cabin, như vậy cần bỏ ra khoản tiền 2,5 tỉ đồng, đây là mức đầu tư lớn trong bối cảnh trung tâm đang phục hồi sau dịch COVID-19 nên đang thương thảo với công ty cung cấp để có mức giá phù hợp…” - ông Hải cho hay.

Về thời điểm áp dụng lắp đặt thiết bị, ông Hải cho rằng quy định đã có nên trung tâm sẽ chấp hành nghiêm để không làm gián đoạn quá trình đào tạo. Tuy nhiên, ông thừa nhận khó tránh nguy cơ tăng chi phí đào tạo lái xe trong thời gian tới, vì chi phí bảo dưỡng thiết bị, chi phí điện… cũng gây áp lực lên các trung tâm.

Sản phẩm cabin điện tử của Viettel. Ảnh: CTV

Sản phẩm cabin điện tử của Viettel. Ảnh: CTV

“Khi đầu tư trang thiết bị, các trung tâm phải phân bổ chi phí khấu hao vào giá thành đào tạo. Nếu phân bổ ở mức phù hợp thì người học sẽ chấp nhận, nếu cao quá sẽ ít học viên nhưng đối với chúng tôi, trước mắt sẽ tiết giảm các chi phí khác để có mức giá đào tạo phù hợp…” - ông Hải cho hay.

Một trung tâm đào tạo lái xe khác ở Hà Nội cũng cho biết đã đầu tư 20 thiết bị mô phỏng lái xe với giá trên 8 tỉ đồng, đây là chi phí rất lớn đối với trung tâm. “Thiết bị mô phỏng lái xe bao gồm phần cứng và phần mềm, trong khi phần cứng dễ định giá, còn phần mềm thì gần như không ai biết được giá bao nhiêu nên khi mua chúng tôi cũng rất phân vân về việc kiểm soát giá thiết bị cabin điện tử…” - đại diện trung tâm này phân vân.

Quy định đã có, các trung tâm phải thực hiện

Theo tìm hiểu của PV, hiện một số trung tâm đào tạo vẫn chưa mua thiết bị mô phỏng lái xe. Nguyên nhân do quy định hiện hành về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước để mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện quy trình với thời gian nhanh nhất là 62 ngày.

Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp dịch vụ gửi giấy chứng nhận công bố hợp quy và báo giá sản phẩm chậm. Cụ thể, Ecotek có giấy chứng nhận hợp quy vào ngày 31-11-2022, Viettel có giấy chứng nhận hợp quy vào ngày 5-12-2022.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng trước đây do gặp khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận cho đơn vị đủ điều kiện cung cấp thiết bị nên Cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT tiếp tục gia hạn thời gian áp dụng quy định trên. Tuy nhiên, Bộ GTVT yêu cầu không gia hạn và thông báo sẽ lựa chọn đơn vị cung cấp đủ điều kiện.

“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có văn bản gửi các tỉnh, thành và trung tâm đào tạo lái xe lập kế hoạch đầu tư mua sắm thiết bị. Như vậy, công tác chuẩn bị được tiến hành trong thời gian 2-3 tháng nên các trung tâm đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ mời thầu…” - ông Thống cho hay.

Về giá các thiết bị, trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái khẳng định không quản lý về giá thiết bị cabin điện tử mà do thị trường quyết định, bởi đây không phải là mặt hàng thiết yếu.

Thiết bị cabin điện tử cũng do Bộ KH&CN chứng nhận đủ điều kiện. Nhà cung cấp thiết bị tự chịu trách nhiệm về tính hợp quy của sản phẩm và chất lượng hàng hóa do họ sản xuất, kinh doanh. “Trong quá trình sử dụng, Sở GTVT sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm có đảm bảo theo quy chuẩn hay không” - ông Thống nói.

Ông Thống cho biết hiện nay nhiều trung tâm đã lắp đặt xong cabin điện tử, một số đang trong quá trình thương thảo để lắp đặt trước ngày 31-12-2022. “Sau ngày 1-1, chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu các sở GTVT báo cáo, cơ sở nào không thực hiện thì chiếu theo quy định để xử lý” - ông Thống nói.•

Lợi ích của việc học trên cabin điện tử

Theo ông Thống, năm 2018 Bộ GTVT yêu cầu các trung tâm sát hạch làm đường hầm, cầu, phà nhằm đào tạo sát hạch cho người học lái ô tô. Tuy nhiên, các trung tâm đào tạo lái xe không thể làm được và ý tưởng đưa cabin mô phỏng vào thực hiện triển khai giống như ngành hàng không và đường sắt nhằm đào tạo, sát hạch cho phi công, lái tàu.

“Thực tế mỗi học viên được thực hành 3 giờ trên cabin nhưng học viên được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông…” - ông Thống cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm