Xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm

Ngày 13-12, tại TP.HCM, TAND Tối cao tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và Nghị quyết 05 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng về tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của BLHS (hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2019).

Đại biểu báo cáo tại hội nghị ngày 13-12. Ảnh: MV

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo TAND Tối cao, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học - TAND Tối cao, đại diện BHXH Việt Nam và tòa án các tỉnh, thành phía nam.

Trình bày tại hội nghị, TS Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, nêu những trường hợp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ba tội danh liên quan đến hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Điều 214, 215, 216 BLHS.

Cụ thể là thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm, nhiều lần gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm hoặc đồng thời thực hiện cả hai hành vi này. Cạnh đó, việc làm giả hồ sơ, thẻ bảo hiểm để chiếm đoạt tiền cũng bị truy cứu.

Tuy nhiên, xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động theo Điều 5 Nghị quyết 05/2019 xảy ra trước ngày 1-1-2018 thì sẽ không bị xử lý hình sự mà sẽ xem xét để xử lý vi phạm hành chính, thực hiện việc cưỡng chế.

Trong trường hợp gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan BHXH hoặc tổ chức khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định về luật trách nhiệm dân sự.

Toàn cảnh hội nghị ngày 13-12. Ảnh: MV

Theo báo cáo của BHXH TP.HCM, các hành vi sai phạm về nợ, trốn đóng vẫn là phổ biến, xuất hiện nhiều trong các loại hình doanh nghiệp. Đặc biệt là một số loại hình doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như các công ty dịch vụ bảo vệ, công ty xây dựng….

Mặt khác, các đơn vị cố ý ký các loại hợp đồng với tên gọi khác như cộng tác, khoán hoặc trả lương theo ngày nhằm trốn tránh việc đóng bảo hiểm. BHXH cũng nêu lên vướng mắc trong công tác như tránh né thanh tra với lý do đi công tác, không có ủy quyền, chưa có biện pháp chế tài xử lý dẫn đến hiệu quả hoạt động trong công tác kiểm tra, thanh tra bảo hiểm bị hạn chế.

Giữa các văn bản chưa có sự thống nhất về hành vi vi phạm Nghị định số 95/2013 quy định hành vi vi phạm là chậm đóng BHXH, BHYT và BHTN là bắt buộc.

Trong khi đó, Điều 216 BLHS quy định về tội danh để kiến nghị khởi tố là tội trốn đóng BHXH. Tính đến nay, chưa có doanh nghiệp nào bị khởi tố về tội trốn đóng bảo hiểm dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp “lờn”, coi thường pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm