Bà Phóng băn khoăn về các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trong đó có việc “mua bán bắt buộc” sẽ có ảnh hưởng đến quyền về tài sản của các cổ đông. “Tôi phân vân về việc mua bắt buộc, bán bắt buộc. Cái này sẽ liên quan đến quyền tài sản của các cổ đông, được Hiến pháp bảo vệ. Giờ Nhà nước phải bảo hộ quyền này, không quốc hữu hóa tài sản hợp pháp của bất cứ tổ chức, cá nhân nào…” - bà Phóng nói.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng.
Cùng nội dung, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc xử lý quyền lợi của cổ đông đối với các ngân hàng 0 đồng.
Giải trình thêm, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho thừa nhận hiện phương án xử lý “ngân hàng 0 đồng” vẫn còn lúng túng vì luật chưa có quy định. “Trong dự thảo luật, chúng tôi đã trình vấn đề này. Đề xuất này nếu được QH thông qua thì các ngân hàng đã mua 0 đồng cũng được áp dụng các quy định này”.
Ông Hưng khẳng định dự thảo lần này cũng quy định “Nhà nước không mua bắt buộc mà là tổ chức khác mua” đối với ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và các cổ đông của ngân hàng này đương nhiên bị mất quyền về tài sản. “Các ngân hàng lỗ lũy kế, thậm chí âm vốn, các cổ đông không năng lực giải quyết nữa thì bắt buộc họ chỉ có thể chuyển cho các tổ chức khác giải quyết, xử lý nếu không phải tự mình xử lý” - ông Hưng giải thích.
Cũng theo ông Hưng, khi ngân hàng âm vốn, nếu xử lý theo phương án phá sản thì cũng không còn tài sản gì nữa. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy khi nhà nước vào mua, xử lý đối với các ngân hàng thua lỗ, âm vốn thì quyền cổ đông của họ cũng mất.
Một đại diện khác của NHNN giải thích thêm: "Lĩnh vực ngân hàng có đặc thù “chết không thể chôn được”. Vì ngân hàng nhận tiền của dân, ảnh hưởng đến hệ thống nên mới phải chuyển giao bắt buộc. Doanh nghiệp bình thường là phá sản, còn ngân hàng thì không vậy được, phải tái cơ cấu, từ đó mới phải có giải pháp để cứu”.
Về nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thêm quy định chuyển giao bắt buộc, cũng như các phương án xử lý khác đối với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt… Trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề quyền tài sản của cổ đông được Hiến pháp bảo hộ.