Xử lý người xử sai!

Các lý do bị hủy đều rơi vào nghiệp vụ xử lý của các tòa: lúc thì xử sai thẩm quyền, lúc thì xác định sai tư cách bị đơn, lúc quên tính trượt giá trong việc bồi thường, lúc tính chưa đúng về khoản thu nhập bị mất của hai chủ xe trong thời gian xe bị “giam oan”. Rốt cuộc, lỗi thì của thẩm phán này, thẩm phán nọ nhưng các đương sự cứ phải mệt nhoài với việc đeo đuổi vụ kiện.

Theo Điều 295 Bộ luật Hình sự, thẩm phán, hội thẩm nhân dân nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật thì có thể bị xử lý hình sự về tội ra bản án trái pháp luật. Song rất khó xác định thế nào là “ra bản án trái pháp luật”, thế nào là “biết sai mà vẫn tuyên”.

Khi hủy án, tất cả tòa cấp trên đều có lý lẽ riêng của mình, nào là cấp dưới đã hiểu, vận dụng và quyết định sai pháp luật, nào là cấp dưới có sơ sót trong quá trình xử lý vụ án . Song cách hiểu, cách đánh giá của cấp trên có chính xác hay không? Thực tế đã có nhiều vụ án sau nhiều lần xử tới xử lui (vì bị hủy án) thì cấp dưới vẫn kiên quyết nói “được”, còn cấp trên lại dứt khoát “không”. Có phải cấp dưới xử sai hay giữa các tòa có sự khác biệt về cách hiểu pháp luật khiến các kết quả xét xử không giống nhau?

Trường hợp thẩm phán của các tòa thực sự xử sai, họ sẽ bị chế tài như thế nào? Biện pháp cắt thi đua trong tháng xem ra quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Còn xử lý hình sự ư? Cách nào điều tra được các thẩm phán đó “biết sai mà vẫn tuyên” để có thể trừng trị họ về tội trên?

Trước giờ có nhiều vụ án có đến ba, bốn bản án sơ thẩm, phúc thẩm hay quyết định giám đốc thẩm khác nhau khiến người trong cuộc chẳng biết đường nào lần. Phải làm sao để việc xét xử sớm có điểm dừng, người xử sai gây ra thiệt hại cho người khác phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Liệu dự án Luật Bồi thường nhà nước có làm được điều mà dư luận đang trông đợi này?

Luật gia TRÍ VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm