Thời gian qua, hàng loạt vụ tai nạn thương tâm giữa tàu hỏa và ô tô đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Đáng chú ý, điểm chung của hầu hết các vụ là đều xảy ra tại các điểm giao nhau giữa đường dân sinh và đường ray tàu hỏa.
Về nguyên nhân, một số trường hợp do không quan sát thấy tàu đến, một số thấy nhưng vẫn cố vượt,… Đặc biệt, không ít tài xế cho biết họ trong nhiều trường hợp, họ bị “chết máy” đột ngột ở giữa đường ray, không biết phải làm sao để báo cho đoàn tàu biết kịp thời.
Giải đáp câu hỏi này, Cục CSGT (C67, Bộ Công an) đã có những hướng dẫn cụ thể về cách xử lý đối với tình huống trên.
Theo đó, khi phương tiện giao thông đường bộ bị hư hỏng, bị tai nạn hoặc hàng hóa rơi đổ tại đường ngang không có nhân viên gác chắn mà điểm gần nhất của xe hoặc của hàng hóa cách ray ngoài cùng nhỏ hơn 1,7 m thì người điều khiển phương tiện giao thông đó phải tìm biện pháp để báo hiệu cho tàu dừng trước chướng ngại vật.
Cục CSGT hướng dẫn về cách xử lý khi xe đột ngột "chết máy" giữa đường ray. Ảnh minh họa
Cụ thể, khi khẩn cấp có tàu tới gần, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải nhanh chóng đi về phía có tàu làm tín hiệu cho tàu đỗ lại: Ban ngày dùng cờ đỏ hoặc vải đỏ mở; ban đêm dùng đèn đỏ, hướng về phía đoàn tàu tới. Nếu không có cờ đỏ, vải đỏ hoặc ánh đèn màu đỏ thì ban ngày hai tay nắm lại hoặc cầm bất cứ vật gì quay vòng tròn hướng về phía tàu; ban đêm dùng đèn (bất cứ màu gì, trừ màu lục) hoặc ánh lửa, quay vòng tròn hướng về phía tàu.
Khi không biết chắc chắn có tàu sắp tới và nếu ngoài người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, có đủ hai người thì mỗi người đi về một phía đường sắt. Nếu chỉ có một người thì người đó đi về phía có tầm nhìn xấu hơn hoặc có độ dốc xuống phía đường ngang, đến chỗ cách đường ngang từ 500 m đến 800 m, đứng về phía tay phải, cách ray ngoài cùng ra 2 m, quay lưng về phía đường ngang để sẵn sàng làm tín hiệu cho tàu đỗ lại như cách nêu trên.
Nếu đường ngang ở gần ga, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có thể cử người về ga báo, sau khi đã bố trí phòng vệ như trên.
Nếu chỉ có một mình, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải dùng hai cọc gỗ hoặc tre (cấm dùng cọc bằng kim loại hoặc bằng vật liệu gì cứng khác), có buộc áo hoặc bằng mảnh vải (ban ngày) và đèn hoặc mồi lửa (ban đêm), cắm giữa lòng đường sắt, cách đường ngang ít nhất 500 m, cao trên mặt ray ít nhất 1 m để làm tín hiệu phòng vệ báo cho người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt ngừng lại.
Đồng thời với việc thực hiện các biện pháp trên, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải tích cực và nhanh chóng tìm cách đưa xe hoặc hàng hóa ra khỏi đường sắt. Khi đã đưa các chướng ngại ra cách ray ngoài cùng 2,2 m và sau khi xem xét lại đường sắt không có trở ngại và hư hỏng, bảo đảm không có bộ phận nào của xe hoặc hàng hóa có thể rơi, đổ vào phạm vi an toàn của đường sắt, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải lập tức bỏ tín hiệu phòng vệ do mình đã đặt, sau đó tiếp tục đưa các chướng ngại ra xa đường sắt.