Xử lý văn bản nợ đọng: Cần quyết liệt như chống dịch

Sáng 6-2, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật và có hiệu lực pháp luật từ 1-7-2020.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc

Gia tăng số văn bản nợ 

Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ đánh giá tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật ngày càng gia tăng. Năm 2017 là năm không nợ đọng văn bản quy định chi tiết nào nhưng đến năm 2018 và 2019, số nợ đọng gia tăng. 

Ông Sỹ thông tin đến nay đang nợ đọng 24 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và các luật đã có hiệu lực từ trước, bao gồm 21 nghị định, ba thông tư. Trong số văn bản nợ đọng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sáu bộ nêu trên, Bộ Công an có tới 15 văn bản.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Đinh Dũng Sỹ. Ảnh: VGP

Ông Sỹ kiến nghị chậm nhất là phải ban hành tất cả 24 văn bản nợ đọng này trước ngày 15-4. Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng về quyết tâm của các bộ, cũng như các giải pháp.

“Chúng tôi xin mạnh dạn đề ra các giải pháp, kể cả các giải pháp mang tính trách nhiệm cá nhân” - ông Sỹ nói và cho rằng đây là tình trạng đã kéo dài rất nhiều năm. 

“Chúng ta đã có những thời điểm rất cố gắng nhưng đến thời điểm hiện nay, số nợ đọng rất cao”-  ông nói thêm. 

Ngoài ra, để hướng dẫn các luật có hiệu lực từ 1-7-2020, các bộ cần ban hành và trình ban hành 62 văn bản, gồm 35 nghị định và 27 thông tư. Ông Sỹ đề nghị các bộ, ngành trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trước ngày 15-5. Riêng với những văn bản được Thủ tướng cho phép ban hành theo thủ tục rút gọn thì có thể ban hành chậm nhất là 30-6.

Yếu nhất là khâu phối hợp giữa các bộ, ngành

Đại diện cho bộ có nhiều văn bản nợ đọng nhất, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), nêu hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng văn bản.

“Có lẽ vướng mắc bao năm qua là trách nhiệm của các bộ, ngành chưa thực sự cao trong tham gia phối hợp xây dựng văn bản” - ông Ngọc Anh nói.

Ông đã đưa ra dẫn chứng: Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành cho ý kiến về dự thảo một thông tư và gửi về Bộ trước ngày 24-10, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều bộ, ngành chưa gửi. Nếu những bộ, ngành này không gửi ý kiến thì không thể trình được, sẽ bị trả lại để xin ý kiến.

Hay các quy định liên quan đến vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, Bộ Công an gửi hồ sơ sang để Bộ Tư pháp thẩm định. Thông thường từ khi tổ chức cuộc họp thẩm định đến khi có văn bản chính thức mất khoảng hai tuần hoặc lâu hơn. “Đến khi có ý kiến thì ý kiến cũng rất gọn là đề nghị tổng kết thực tiễn… Chúng tôi không biết làm thế nào vì đã làm ngày nào đâu mà tổng kết?” - ông Ngọc Anh nói.

Đại diện Bộ Công an sau đó cũng nhận khuyết điểm do “đôn đốc nội bộ chưa được tốt” và cam kết để các văn bản nợ đọng kịp ban hành chậm nhất ngày 15-4. Bộ Công an sẽ trình các dự thảo trước ngày 15-3, trong đó một nửa các dự thảo sẽ trình trước ngày 15-2. Với các văn bản có hiệu lực từ ngày 1-7, Bộ sẽ trình dự thảo trước  ngày15-4. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thừa nhận yếu hiện nay là khâu phối hợp, chậm ngay từ việc cử người phối hợp. “Tôi dự họp rất nhiều cuộc thì thấy hầu như là vắng, người được cử đến được khoảng 50% là hiếm lắm” - ông Thừa nói và đề nghị các bộ, ngành phải cử người có hiểu biết sâu dự họp, không nhất thiết cứ phải cử thứ trưởng “đi cho đẹp”.

Về việc gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan liên quan, ông Thừa đề nghị tóm lược và chỉ rõ cần xin ý kiến những nội dung nào, không cần gửi sang cả tập tài liệu dày nửa gang tay với mấy chục vấn đề.

Để tăng cường trách nhiệm phối hợp của các bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng giao cho phó thủ tướng phụ trách các bộ gọi và triệu tập các bộ lên họp để đôn đốc. Nếu phó thủ tướng thay mặt Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp thì sẽ làm được.

Làm mạnh mẽ, quyết liệt như “chống dịch”

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, nhắc lại yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ: "Xây dựng, hoàn thiện thể chế là ưu tiên số 1".

Trong đó phải bảo đảm tiến độ, trừ những văn bản có lý do rất chính đáng, những vấn đề rất nhạy cảm cần xem xét rất kỹ lưỡng, còn những vấn đề về quy trình, thủ tục, công tác phối hợp thì các bộ cần cùng Văn phòng Chính phủ xử lý dứt điểm. 

“Cần làm mạnh mẽ, quyết liệt như chống dịch” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị các bộ cùng Văn phòng Chính phủ phối hợp tháo gỡ từng việc để ban hành các văn bản “sớm ngày nào tốt ngày đó”.

Cụ thể, bộ chủ trì, bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, dành thời gian xử lý dứt điểm. Bộ Tư pháp dành thời gian thẩm định nhanh các dự thảo. Các bộ cho ý kiến khẩn trương, không để “om” hàng tháng. 

Văn phòng Chính phủ cũng sẽ nhanh chóng lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Sau khi có ý kiến thành viên Chính phủ, Văn phòng Chính phủ sẽ mời các bộ lên làm việc để tiếp thu ý kiến, gọt giũa câu chữ... 

Với cách làm như vậy, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng công việc sẽ “chạy rất nhanh”, thậm chí chỉ cần nửa ngày thay vì hằng tháng nếu làm theo cách cũ.

“Bộ nào chậm thì vụ, cục theo dõi của Văn phòng Chính phủ phải chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm