Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản còn nợ đọng để hướng dẫn các luật, pháp lệnh.
“Thủ tướng nhắc các bộ trưởng phải xem xét kỹ, tránh việc văn bản ban hành có những nội dung không phù hợp thực tiễn, không đi vào cuộc sống, chồng chéo, gây phiền hà, khó khăn hơn, thủ tục trói buộc hơn, không quản được thì trói, không quản được thì buộc. Thủ tướng nhắc đây là vấn đề rất quan trọng” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Mai Tiến Dũng, vừa qua chúng ta đã cắt bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng việc gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn; hay cắt điều kiện kinh doanh nhưng biến tướng thành quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh từng cán bộ làm công tác thể chế, kể cả cấp chuyên viên, cấp vụ đều phải trách nhiệm, tâm huyết, tận tâm, công tâm, khách quan; tham mưu, đề xuất phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống; phải tháo gỡ, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về thể chế đang gặp phải, không cài cắm lợi ích công vụ, lợi ích ngành, địa phương.
Theo ông Dũng, thời gian qua các bộ, cơ quan đã nỗ lực xử lý tốt vấn đề văn bản nợ đọng nhưng nếu không nỗ lực thường xuyên thì việc chậm trễ, nợ đọng sẽ quay lại và trở thành rào cản với tăng trưởng.
“Một số văn bản được ban hành mà tính khả thi chưa cao. Một số văn bản gây tranh cãi, thậm chí phản ứng mạnh mẽ, những nội dung nhạy cảm không đánh giá hết tác động” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết hiện các bộ, cơ quan còn nợ đọng 16 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, gồm 14 nghị định, một quyết định và một thông tư.
Ông Dũng yêu cầu chậm nhất tới ngày 15-4, các bộ phải trình các dự thảo để Văn phòng Chính phủ xử lý, trình Chính phủ ban hành, đảm bảo tới ngày 15-5 không còn văn bản nợ đọng.
“Nếu còn nợ đọng thì chỉ nợ đọng với các văn bản thi hành Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vì đây là những lĩnh vực rất nhạy cảm, cần thận trọng” - tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.